Dư nguồn

Khi thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) đạt mức kỷ lục với hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí lên đến 15.000 tỷ đồng/phiên thì cũng đồng nghĩa, sự gia tăng của hai dòng tiền: vốn tự có và cho vay ký quỹ (margin).

Kênh huy động mới

Dòng vốn tự có gia tăng bắt nguồn đáng kể từ số lượng nhà đầu tư (NĐT) mới tăng lên kỷ lục đã được báo Thời Nay phản ánh trong một số bài viết gần đây. Còn với margin, sự dồi dào đáng ngạc nhiên của dòng vốn này là “nhờ” những kênh huy động mới.

Nếu trước đây, để có vốn margin, công ty chứng khoán (CTCK) huy động từ hai nguồn chính là vay ngân hàng (NH) hoặc chào bán cổ phiếu (CP) thì hiện nay CTCK đã có thêm một nguồn mới dồi dào chính là vay tín chấp. Khoảng chục ngày trước SSI công bố đã ký hợp đồng vay vốn tín chấp trị giá 85 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng, với nhóm chín NH nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT). 

Điều đáng nói là khoản vay 2.000 tỷ đồng chỉ mới được SSI đàm phán với các NH nước ngoài cách đây bốn tháng, cho thấy hai vấn đề: Thứ nhất, định mức tín nhiệm của SSI đối với các định chế tài chính nước ngoài rất cao. Khả năng tăng cường hợp tác, mở rộng đối tác và huy động vốn nước ngoài hiệu quả từ nhóm chín NH nước ngoài, đứng đầu là UBOT cũng nhìn thấy rõ những lợi điểm của SSI và sức hút của TTCK Việt Nam. Thứ hai, mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến bên cho vay cần những nơi có thể giải ngân hợp lý nhất mà CK hiện nay là một trong những kênh phù hợp. Thậm chí, nhân viên của một CTCK hàng đầu khác còn cho biết, trong quá trình đàm phán vay tín chấp với các đối tác nước ngoài, họ còn đề nghị cho vay nhiều hơn, nhưng phía CTCK chưa đồng ý. 

Dồi dào nhưng cần thận trọng

Một số ý kiến cho rằng, với dòng tiền tổng thể dồi dào như hiện nay, TTCK chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Nhưng sẽ là vội vã nếu cho rằng tiền nhiều thì chỉ có cửa lên, giống như diễn biến khoảng chục phiên gần đây, cứ khi VN Index “đỏ” (giảm giá) là dòng tiền đổ vào rất quyết liệt. 

Cách đây khoảng ba năm, có những thời điểm NĐT có nhu cầu cao, một vài CTCK được cho là hết tiền để cho vay margin. Tuy nhiên, ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng (PHS) cho biết: “Nguồn vốn lãi suất thấp hiện nay khiến cho các CTCK dư sức cung ứng cho khách hàng mà không sợ bị thiếu tiền”. 

Nhưng nhiều tiền không đồng nghĩa với việc CTCK cho vay “bao nhiêu cũng được”, vì các cơ quan quản lý cũng đề ra chỉ tiêu rất chặt chẽ về cho vay, như các tỷ lệ về vốn margin cho từng CP, rồi vấn đề vốn chủ sở hữu của CTCK. Hiểu một cách đơn giản, muốn cho vay nhiều hơn, CTCK cũng phải gia tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu (tức là các yếu tố nền tảng của doanh nghiệp). Còn danh mục CP cho vay, cũng còn phải phụ thuộc các yếu tố như thanh khoản, rồi quy định tỷ lệ cho vay từ cơ quan quản lý. 

Vì vậy, NĐT cần phải thận trọng trong những nhận định về dòng tiền ngắn hạn, vì dù có dồi dào thì sự dịch chuyển của dòng tiền trong ngắn hạn cũng sẽ chịu những điều kiện chặt chẽ để duy trì sự ổn định thay vì chỉ bùng nổ một chiều. Đó cũng là yếu tố để tạo nên sự bền vững trong dài hạn cho TTCK.