Dòng tiền trong nước tham gia tích cực

Thị trường (TT) chứng khoán (CK) đang dao động trong vùng tích lũy, do vậy cơ hội chỉ đến với những cổ phiếu (CP) đơn lẻ chứ không có sức lan tỏa cho cả nhóm hoặc cả dòng CP. Vậy đâu là động lực chính cho TT năm nay?

Thực tế, TT đã có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi sắc đỏ chiếm chủ đạo. Đặc biệt ở phiên cuối tuần qua, ngày 26-3, lực bán ồ ạt khi có thông tin liên quan các ca dương tính Covid-19 nhập cảnh trái phép khiến VN index đã có lúc ghi nhận giảm hơn 25 điểm, nhưng với sự nhập cuộc của dòng tiền bắt đáy đã kéo TT về gần mức giá tham chiếu, chốt tại mốc 1.162,21 điểm.

Dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó dịch, song nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn thắc thỏm về việc liệu diễn biến của TT trong tuần này còn chịu tác động nhiều bởi thông tin dịch bệnh nữa hay không?

Theo ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán (CTCK) Sacombank, TT có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không thì còn phải xem diễn biến dịch bệnh có lan rộng hay không. Tuy nhiên, như các đợt bùng dịch trước đây thì mức độ ảnh hưởng tới TT cũng chỉ trong ngắn hạn một vài phiên sau đó nhanh chóng hồi phục. Thật ra, yếu tố này chỉ mang tính tâm lý, bản chất TT đang ở trong giai đoạn yếu về mặt động lực, thiếu về mặt thông tin hỗ trợ, sự thận trọng cũng đang ở mức cao khi liên tiếp không thể bứt phá qua ngưỡng 1.200 điểm.

Trên bình diện thế giới, tác động từ thông tin dịch Covid-19 đối với TTCK không còn là nỗi lo trong dài hạn nữa, theo khảo sát nỗi lo này hiện xếp sau biến cố lạm phát và lợi suất trái phiếu. Đối với TT trong nước, với kinh nghiệm ứng phó hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, TTCK vẫn đi lên trong đợt dịch ở các tỉnh, thành phố vừa qua, thực tế tác động từ thông tin dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân chính.

Một chuyên gia phân tích CK cho rằng, TT đã tạo một vùng dao động tích lũy kéo dài cả tháng qua, ở những phiên kiểm nghiệm ngưỡng hỗ trợ như vậy, việc chỉ số giảm mạnh qua ngưỡng kỹ thuật rồi được kéo lên có tác dụng kiểm tra nguồn cung và rũ bớt lượng hàng lỏng, qua đó giúp TT tăng bền vững hơn, tích cực hơn. Nhân tố tác động TT trong tuần này đang được giới đầu tư quan tâm đến từ các dữ liệu vĩ mô quý I như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng GDP…

Trên thực tế, vẫn khá nhiều NĐT sẵn sàng bơm thêm tiền vào tài khoản chờ cơ hội giải ngân. Theo ông Dương Hoàng Linh, rõ ràng khi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, các ngành sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng ít nhiều thì dòng tiền có thiên hướng chảy tạm thời sang các kênh đầu tư hoặc đầu cơ khác. Việc NĐT tiếp tục đổ tiền để tìm kiếm cơ hội tại TTCK vốn đã diễn ra từ năm 2020 cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù là NĐT có thâm niên hay NĐT mới thì cũng không phải yếu tố chính, mà xu hướng chung của TTCK trong nước cũng như TTCK toàn cầu mới là quan trọng.

Trong trường hợp TT không thuận lợi, hiệu quả lướt sóng ở mức thấp thì dòng tiền mang tính đầu cơ sẽ nhanh chóng rút khỏi TT. Mặt khác, dòng tiền nóng cũng sẽ dần rút khỏi TT khi nền kinh tế phục hồi và hoạt động sản xuất quay trở lại.

Theo số liệu thống kê, khối NĐT cá nhân đã mua ròng liên tiếp trong bốn tuần giúp TT trụ vững trên ngưỡng 1.150 điểm và tiệm cận ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm bất chấp khối NĐT nước ngoài bán ròng. Như vậy, có thể nói sự trỗi dậy của dòng tiền trong nước sẽ là động lực chính đối với TT trong năm nay.