Động lực vượt ngưỡng 1.200 điểm

Với chỉ số VN Index, 1.200 là mức điểm cao nhất trong 20 năm qua và ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là ngưỡng cản tâm lý lớn với thị trường (TT).

TT đã có những phiên khởi sắc đầu năm mới Tân Sửu, được ví như quá trình “tăng bù” để bắt kịp đà tăng của thế giới sau kỳ nghỉ Tết. Những tưởng chỉ số VN Index sẽ tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm thì ngay sau đó, TT đã giảm nhiệt bởi các doanh nghiệp (DN) lớn liên tiếp công bố thông tin bán cổ phiếu (CP) quỹ. Quan trọng hơn, dòng tiền sau giai đoạn tăng mạnh từ nửa cuối năm 2020 có lẽ đang gặp tâm lý e ngại khi đứng trước mức đỉnh lịch sử này.

Theo nhiều chuyên gia, ngưỡng 1.200 điểm luôn là điều ám ảnh với chỉ số VN Index, mỗi khi chạm đến điểm này, tâm lý TT dễ bị lung lay. Không kể đến hai đỉnh quan trọng năm 2007 và 2018, ở lần gần nhất là trong tháng 1-2021, VN Index giảm đến 200 điểm khi một lần nữa tiếp cận vùng đỉnh lịch sử này.

Vì sao chỉ số VN Index nhiều lần gặp thử thách với ngưỡng 1.200 điểm?

Trên thực tế, ngưỡng 1.200 điểm tại các thời điểm khác nhau cũng khác nhau. Nếu so giai đoạn 2007 hay 2018, có thể thấy, diễn biến bức tranh chung về sự luân chuyển của các loại tài sản hiện nay đang rất ủng hộ TT trong nước. TT tăng mạnh, giá hàng hóa phục hồi, ngay cả loại tài sản nhạy cảm với rủi ro như tiền kỹ thuật số cũng tăng rất mạnh. Trong nước, môi trường lạm phát thấp và mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì. Bức tranh chung hiếm khi nào lại thuận lợi đến vậy, điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn TT lập đỉnh vào năm 2018.

Song khi TT có đầy đủ điều kiện thuận lợi từ tình hình thế giới, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư (NĐT) mới thì hạ tầng lại không đáp ứng được nhu cầu. Thời điểm then chốt nhất, khi nhiều tài sản có rủi ro, nhiều TT lớn vượt đỉnh thì dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại ở trong nước. 

Tuy nhiên, tổng hợp lại, bức tranh chung của TT vẫn nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực. Do đó, dù khó khăn và nhiều sự rung lắc, nhưng xác suất vượt mốc 1.200 điểm được đánh giá cao hơn và kỳ vọng sẽ vượt được trong sáu tháng đầu năm 2021.

Thực tế, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tiếp tục đánh dấu sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch. Ngoài ra, số lượng NĐT mở mới tài khoản trong tháng 1-2021 tiếp tục duy trì ở mức cao với 86.269 tài khoản. Các kênh đầu tư khác cũng đang diễn biến theo xu hướng có lợi cho đà đi lên của TT. Trong khi đó, giá vàng trong nước đang neo ở mức cao hơn so TT thế giới, khiến kênh đầu tư vàng không thật sự hấp dẫn. Kênh huy động vốn qua tiền gửi tại các ngân hàng vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu hồi phục, lãi suất huy động tại các kỳ hạn vẫn duy trì ở mức rất thấp… 

Từ những diễn biến trên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank Đào Tuấn Trung cho rằng, quy mô nền kinh tế và khả năng chống chịu của các DN niêm yết trước các sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 đã ghi nhận bước tiến đáng kể. Ngưỡng 1.200 điểm, do đó, sẽ sớm bị chinh phục trong thời gian tới. Động lực thúc đẩy TT trực tiếp và có tính ảnh hưởng nhất vẫn là chuyển động của các nhóm CP. 

Đặc biệt, sau nhiều năm, VN30 đã vượt điểm số VN Index, điều đó cho thấy sức hút của CP lớn và nhóm CP này đóng vai trò làm trụ đỡ cũng như trợ lực rất lớn để chỉ số chạm đến đỉnh mới của chỉ số VN Index trong năm 2021.