Đa dạng tài khoản mở mới

Thống kê quý III - 2020, đã có gần 87.700 tài khoản chứng khoán (TKCK) được mở mới, tính riêng tháng 9-2020 vừa rồi, cũng đã có 31.700 TKCK mới.

Thông thường các công ty chứng khoán (CTCK) làm việc năm ngày/tuần, nên có thể giả định mỗi tháng có hơn 20 ngày làm việc, tính ra nếu có 31.700 TKCK mới thì mỗi ngày có gần 1.600 TKCK được mở mới và mấu chốt cần phân tích có thể nằm ở điểm này. Lâu nay, dưới góc nhìn của một số người, số lượng CTCK hoạt động thực tế chỉ tầm 20, hay rộng rãi hơn là 30. Nếu căn cứ trên con số này thì mỗi ngày một CTCK phải hỗ trợ mở mới từ 50 TKCK trở lên và con số này không khả thi vì cứ đến sàn chứng khoán sẽ thấy số lượng nhà đầu tư (NĐT) thường xuyên có mặt chỉ tầm 10 - 20 người. 

Nhưng nếu số CTCK hoạt động tích cực tăng lên từ 40 - 50 đơn vị thì mỗi ngày một CTCK trung bình mở mới tầm 30 TKCK, con số này tương đối khả thi. Nhưng đến đây cũng cần xem xét những nguồn khách mới của CTCK: Thứ nhất, những NĐT chứng kiến sự tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) những tháng qua, không kém gì những năm 2009 hay 2017 mà tham gia. Đây thực tế là xu hướng toàn cầu, như trường hợp của Hàn Quốc ghi nhận làn sóng NĐT trẻ tuổi tham gia TTCK trong thời gian gần đây. Ngoài nhóm “mới hoàn toàn” cũng không thể bỏ qua nhóm NĐT sẵn có “đảo tài khoản” hoặc “thêm tài khoản”. Việc các CTCK chèo kéo khách hàng của đối thủ vẫn diễn ra, theo đó giảm phí, giảm lãi cho vay ký quỹ (margin) là những chiêu thức “kinh điển” nhưng vẫn hữu dụng vì tần suất giao dịch của NĐT trong giai đoạn sôi động là rất lớn nên nếu tiết kiệm được một khoản phí cũng là điểm tích cực. Thứ hai, cũng có những NĐT chứng kiến sự tích cực của TTCK nên quyết định “xuống tiền” thêm và việc phân bổ tài khoản ở một CTCK khác cũng là một lựa chọn của họ. 

Một nhóm khác dù chưa quá nhiều nhưng cũng phải nói đến là nhóm NĐT cá nhân nước ngoài. Nhóm này dù số lượng không so được với NĐT cá nhân trong nước, nhưng tốc độ tăng khá nhanh cũng góp phần đáng kể để tạo ra sự sôi động cho TTCK. Thực tế cho thấy, nhóm NĐT cá nhân “ngoại” giao dịch không khác NĐT trong nước khi cũng đua lệnh, mua đuổi, mạo hiểm ở những cổ phiếu nóng…

Nhưng điểm mấu chốt ở đây là số lượng tăng thêm của những CTCK hoạt động tích cực. Điều mà các NĐT có thể nhận thấy là thời gian gần đây xuất hiện nhiều CTCK với những cái tên “lạ”, nhưng có diện mạo tươi mới. Truy cập website của các CTCK này sẽ thấy có sức sống, giao diện hiện đại và thường giới thiệu về công ty có sự hậu thuẫn của các tập đoàn tài chính nước ngoài. 

Đây chính là minh chứng cho làn sóng mua bán các CTCK của khối NĐT nước ngoài trong khoảng ba năm trở lại đây. Theo đó, nhóm CTCK mới này đã chủ động tìm kiếm nhóm khách hàng “mới toanh” để tạo ra phân khúc khách hàng cho mình thay vì “giành khách” với nhóm CTCK kỳ cựu. Việc những NĐT mới tham gia TT trong khoảng vài năm trở lại đây sẽ không chịu những ấn tượng quá sâu đậm về những CTCK kỳ cựu như các NĐT có thâm niên hàng chục năm, đó cũng chính là cơ hội của những CTCK “tân binh”. 

Nói tóm lại, những CTCK đổi chủ, thay đổi diện mạo cũng đã bước đầu tạo ra dấu ấn thông qua việc tìm kiếm nhóm NĐT mới để gia tăng số TKCK, qua đó cũng góp phần củng cố thanh khoản cho TTCK chung.