Cổ phiếu “game”

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các nhà đầu tư (NĐT) có thể dễ dàng điểm mặt chỉ tên một số doanh nghiệp (DN) thường xuyên phát hành, hoán đổi cổ phiếu (CP), mua đi - bán lại các công ty con, tạo ra những quan điểm trái chiều về lợi nhuận thực/ảo. Và người ta có thể gọi CP của những DN này là CP “game”.

Hãy bắt đầu từ một DN lớn trong ngành hạ tầng, với vị Tổng giám đốc được xem là quái kiệt của ngành tài chính Việt Nam. Cứ mỗi năm, DN này lại đưa một công ty con, công ty thành viên lên sàn rồi sau đó là những động thái như thoái bớt vốn, hoặc tăng sở hữu với mục tiêu hướng đến là gia tăng lợi nhuận cho công ty mẹ. Nhưng để “lĩnh hội” được các ý tưởng thâm sâu của vị Tổng giám đốc này thì chắc rất ít NĐT cá nhân làm được, thậm chí NĐT tổ chức nếu không có kinh nghiệm cũng dễ dàng bị hoa mắt.

Nói một cách công tâm thì các hoạt động tài chính nếu vẫn nằm trong khuôn khổ thì dù phức tạp cũng là chuyện bình thường, bởi một phần nào cũng là đặc trưng cho sự phát triển của TT. Điều cần bàn là tâm thế của cả “người chơi” lẫn “game chủ” khi đối đầu với nhau lại có những khúc mắc không đáng.

Nên nhớ rằng, với những CP của những DN có cấu trúc tài chính phức tạp, đôi khi giá trị do cung cầu, cảm xúc ngắn hạn của TT quyết định nhiều hơn là giá trị thật. Đặc biệt đối với những CP “game” thì tính chất may rủi là rất cao, việc tăng giá CP không chắc có đến từ nền tảng của DN theo kiểu doanh số tăng thì lợi nhuận tăng hoặc ngành phát triển thì DN hưởng lợi. Vì vậy, NĐT khi đã tham gia sẽ phải chấp nhận những rủi ro thay vì có những than vãn, trách móc hay đổ thừa khi thất bại. Theo chiều ngược lại, không ít lần người ta chứng kiến vị Tổng giám đốc có những lời thanh minh trên truyền thông và mạng xã hội rằng mình bị cổ đông nhiếc móc, cho rằng mình đánh lừa NĐT…

Thiết nghĩ, hành động của một người đứng đầu DN cần có sự chuẩn mực, và cũng không phải vô cớ mà xuất hiện những ý kiến đánh giá như vậy, nhất là khi nó lặp lại nhiều lần. Đã từng có những NĐT kỳ cựu cho biết họ không bao giờ mua CP của DN kể trên vì tự thấy sức mình không thắng nổi “game chủ”.

Có thể ví các giải pháp tài chính cũng giống như một loại thuốc tăng lực dành cho DN và CP nhưng khi sử dụng một cách thái quá mà không có đủ thực lực thì hệ quả về sau là rất khó lường. Nói đơn cử như trường hợp của một tập đoàn đa ngành lâu lâu cũng xuất hiện những giải pháp thay đổi sở hữu công ty con, tái cấu trúc tài chính… nhưng chừng đó không khỏa lấp được khối lượng nợ vay lớn, hoạt động kinh doanh khó khăn trải dài từ bất động sản cho đến nông nghiệp. Rồi cũng có những DN sử dụng nhiều giải pháp tài chính ban đầu, nhưng càng về sau ý tưởng càng nghèo nàn, dẫn đến việc vài năm gần đây không còn triển khai được nữa, giá CP vì vậy cũng trở nên trầm lắng.

Cũng phải nói rõ ở đây là dù có sử dụng chiêu trò, ít nhất DN phải có thực lực nghĩa là cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền vẫn còn để tạo ra động lực tăng trưởng. Nếu không có thực lực, cộng với việc có những nhà quản lý tài chính sáng tạo thực thụ thì việc cố gắng trở thành một DN sở hữu nhiều CP “game” sẽ chỉ trở thành một phiên bản lỗi của những đơn vị tiên phong mà thôi.