Cơ hội dành cho cổ phiếu tốt

Những thông tin tích cực như số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang giảm dần, các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống dịch… được xem là lực đẩy giúp thị trường (TT) chứng khoán (CK) phục hồi mạnh mẽ trong những phiên gần đây.

Từ đáy ngắn hạn 650 điểm, VN Index đã có những phiên phục hồi mạnh mẽ khi tăng đến vài chục điểm mỗi phiên, tương ứng 3-4% để tiến lên vùng 750 điểm. Chỉ trong khoảng 5 phiên, VN Index hồi phục gần 100 điểm, đồng nghĩa một loạt cổ phiếu (CP) cũng có vài phiên tăng kịch trần.

Điển hình, BVH từ 32.000 đồng/CP đã có sáu phiên trần để lên gần 46.000 đồng/CP, nghĩa là tăng đến gần 50% sau chưa đầy chục phiên, nhóm CPCK với SSI, HCM cũng có ba, bốn phiên tăng trần để đi từ vùng 11.000 đồng/CP lên hơn 14.000 đồng/CP… Dù vậy, không phải CP nào cũng tăng mạnh mẽ như vậy, mà nếu chọn sai thì nhà đầu tư (NĐT) vẫn khó có thể tìm kiếm lợi nhuận.

Vậy trong thời điểm hiện nay, đâu sẽ là lực đẩy ngắn hạn cho CP?

Theo các chuyên gia, thứ nhất là định giá, điều này thể hiện khá rõ ở nhóm CP CK. Chẳng hạn, tại vùng giá 11.000 đồng thì những SSI hay HCM đều thấp hơn khá xa so giá trị sổ sách. Trong khi đó, các công ty CK (CTCK) vẫn duy trì được nguồn thu thì việc mua để giữ dài là một sự lựa chọn không tồi. Đó cũng là lý do mà CP của các CTCK có thị phần lớn nhất Việt Nam nhanh chóng phục hồi và trội hơn cả TT chung. Ngoài định giá theo giá trị sổ sách hay thu nhập thì vấn đề thị giá cũng quan trọng, nhất là những CP rơi khỏi mệnh giá khá nhanh, như trường hợp của STB. Trước khi TT chung chịu ảnh hưởng bởi các thông tin dịch bệnh thì vẫn có giá hơn 10.000 đồng/CP. Diễn biến không thuận lợi trong ngắn hạn đã đẩy CP này về lại mức 7.300 đồng/CP trong những ngày “đỏ lửa”, nhưng đây cũng lại là sức bật để STB nhanh chóng có ba phiên tăng trần, tiến lên vùng 9.000 đồng/CP với suất sinh lời ngắn hạn xấp xỉ 30%.

Thứ hai chính là kỳ vọng “không xấu”, cần nhấn mạnh là không xấu chứ về dài hạn sẽ còn nhiều thách thức, liên quan trường hợp của nhóm CP bán lẻ, hàng không… Đơn cử, MWG đã giảm phân nửa giá trị xuống dưới mức 60.000 đồng/CP nhưng cũng chỉ cần vài phiên để tăng mạnh trở lại lên vùng 75.000 đồng/CP là một minh chứng. Tương tự, FRT từ vùng 20.000 đồng/CP giảm xuống còn hơn 10.000 đồng/CP nhưng đã có năm phiên tăng trần để lên lại vùng 14.000 đồng/CP, nghĩa là đã sinh lãi lên đến gần 50%. Phiên giao dịch ngày 6-4, khi TT phục hồi mạnh, bất chấp những thông tin liên quan hoạt động kinh doanh gặp thách thức thì HVN cũng đã kịp tăng kịch trần từ hơn 19.000 đồng/CP lên hơn 20.500 đồng/CP. Với những CP trong nhóm này, chỉ cần không có thêm thông tin tiêu cực, thì coi như đáy đã được xác lập và phục hồi trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, để có thể “bắt” được thời điểm quay đầu, NĐT cần có kỷ luật cũng như yếu tố may mắn. Kỷ luật ở đây chính là việc chỉ chấp nhận giải ngân từng phần, thường có thể chia từ 4 - 5, thậm chí 9 - 10 phần cho giá trị tài sản và giải ngân để nếu có xảy ra thua lỗ cũng có thể chấp nhận được.

Cũng nên nhớ rằng, đà phục hồi cho CP nói riêng và TT nói chung tại thời điểm này sẽ khó có chuyện ồ ạt, lên thẳng, mà sẽ sàng lọc, rung lắc và cơ hội chỉ dành cho những CP tốt nhất.