Cố đấm ăn xôi?

Thận trọng là nguyên tắc cơ bản trong nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, thế nhưng không ít doanh nghiệp (DN) niêm yết, thậm chí có quy mô lớn, lại cố ý “quên” nguyên tắc này.

Gần đây, nhà đầu tư (NĐT) đang quan tâm trường hợp của một DN nông nghiệp trên sàn bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ và có thể lỗ thêm gần 200 tỷ đồng. Ở đây, chưa bàn đến lý lẽ hay việc đúng/sai của phía DN và công ty kiểm toán nhưng dưới góc nhìn của NĐT thì nguyên tắc thận trọng có lẽ đã bị xem nhẹ. Việc DN bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ không phải là chuyện hiếm trên sàn, chỉ khác nhau về mức độ và hệ quả. Về nguyên tắc của kiểm toán, mức độ được đánh giá “trọng yếu” là chênh lệch khoảng 5%, nhưng 5% cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi nhiều lý do:

Thứ nhất, tương quan so sánh chênh lệch với doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản hay vốn chủ sở hữu là khác nhau, nên sẽ cho ra các tỷ lệ khác nhau và dẫn đến các kết luận có trọng yếu hay không.

Thứ hai, có những chênh lệch nếu tính riêng từng khoản thì chỉ 2-3%, nhưng khi cộng lại thì vượt mốc 5%, nên cũng có thể xem là trọng yếu. Đến đây cũng có thể gây ra những tranh luận gay gắt. Nhưng có một điều chắc chắn, chênh lệch dù có trọng yếu hay không thì đối với cổ đông vẫn là vấn đề… hệ trọng. Nếu DN không có giải pháp phù hợp thì hoạt động, giá cổ phiếu (CP) có thể… suy yếu.

Thẳng thắn mà nói, DN niêm yết hoàn toàn đủ khả năng lường trước ý kiến của kiểm toán, đặc biệt là với các DN lớn. Bởi lẽ, đội ngũ kế toán của DN lớn đều rất chuyên nghiệp, chưa kể lúc bình thường nhiều DN luôn thể hiện về tính minh bạch trong hoạt động, hạch toán theo chuẩn quốc tế, chưa kể còn có đội ngũ kiểm toán nội bộ. Trong trường hợp nếu DN nói rằng mình không lường được các biến cố thì có lẽ sự chuyên nghiệp và nghiệp vụ kế toán cần phải xem lại. Vậy nếu đã lường trước nhưng vẫn cứ “nhắm mắt” hạch toán để rồi kiểm toán “lôi ra” thì chỉ có khả năng DN niêm yết đã… “cố đấm ăn xôi”, để báo cáo tài chính của mình đẹp hơn và không loại trừ mục tiêu qua mặt cổ đông. Trong phần thuyết minh trên báo cáo tài chính, nếu đã dự báo về khả năng của kiểm toán đưa ra ý kiến loại trừ, DN hoàn toàn có thể “thuyết minh trước” một số khoản mục có tính “nhạy cảm”. Như vậy sẽ vừa được tiếng là minh bạch, đồng thời cũng có thể bảo đảm quyền lợi cổ đông.

Thực tế, việc DN lớn nhưng lại “cố đấm ăn xôi” trong hạch toán sổ sách là điều không thể bởi ngoài kiểm toán, vẫn còn đó cơ quan quản lý, chưa kể DN lớn tất nhiên có cả các cổ đông lớn là các định chế tài chính lớn, vốn cũng rất am hiểu.