Chứng khoán & mạng xã hội

Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) tác động rất nhiều đến các lĩnh vực và tất nhiên chứng khoán (CK) cũng không phải ngoại lệ. 

Từ thuận tiện hơn…

Một điều chắc chắn là MXH đã góp phần không nhỏ để các nhà đầu tư (NĐT) mới (F0) tiếp cận và tham gia thị trường (TT) CK nhanh hơn. Một thí dụ đơn giản, mới đây Công ty chứng khoán (CTCK) SSI công bố báo cáo triển vọng về ngành mía đường. Nếu cách đây 5 hay 10 năm, thông thường NĐT phải sử dụng máy tính, truy cập vào website tải về, và điều này có thể mất nhiều thời gian hơn là hiện nay truy cập vào fanpage của SSI, hiện đang có gần 67.000 lượt theo dõi, đã vào đường dẫn để tải về và đọc ngay trên điện thoại thông minh.

SSI hay những CTCK hàng đầu khác như: HSC, VN Direct… đã tận dụng kênh tương tác MXH trong việc chuyển tải thông tin đến NĐT. Tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức một cách thuận lợi giúp NĐT cảm thấy tự tin hơn khi tham gia TTCK. Cũng chính nhờ những ứng dụng như: Messenger, Zalo, Viber… mà sự trao đổi giữa các NĐT cũng trở nên nhanh chóng, thuận lợi hơn so Skype hay Yahoo Messenger chục năm trước đây. 

Đó là những điểm thuận lợi mà MXH hay các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet đem lại cho các NĐT, nhưng “chiến trường” vốn khốc liệt và khi “thực chiến” thì mọi việc không đơn giản nữa. 

… đến rủi ro hơn

So với việc trước đây chỉ có những “diễn đàn” hay website để NĐT bàn luận, nhận định về cổ phiếu (CP) thì bây giờ có rất nhiều các trang (page), nhóm kín, nhóm mở (group) để trao đổi mọi thứ liên quan TTCK. Chỉ cần đảo quanh một số diễn đàn hay trang cá nhân của một số nhân vật có tiếng thì cũng phần nào “hít thở” được không khí và nhịp đập của TTCK. Thậm chí, nếu làm thống kê kỹ lưỡng và tinh tế một chút thì cũng có thể “đọc vị” được CP nào đang được “hô mua, hô bán”... Nhưng tất cả cũng chỉ là thông tin tham khảo và nếu không thận trọng NĐT có thể bị chi phối, dẫn đến chịu tác động tiêu cực.

Nhiều NĐT cũng đã bày tỏ thái độ khó chịu với kiểu thông tin như vậy. Nhưng điểm “cốt tử” nằm ở chỗ dù thấy khó chịu nhưng NĐT lại không nhận ra rằng mình đã quen với không khí CK trên MXH và dù chỉ cần vài thao tác là có thể thoát ra khỏi các page, group về CK nhưng họ lại không thực hiện. Hệ quả là có những CP khi tỉnh táo, NĐT có thể kiên quyết không mua vì hệ số rủi ro cao nhưng trong một khoảnh khắc nào đó, chỉ cần thấy giá CP nhảy múa, cộng với những thông tin trên các page, group… lập tức NĐT đánh mất kỷ luật và phạm sai lầm, mua giá cao để rồi trả giá sau đó. 

Ngoài ra, có những chuyên gia về TTCK như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI; ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC; hay chuyên gia CK Hoàng Thạch Lân… vẫn công khai chia sẻ ý tưởng của mình trên MXH. Nhưng cũng có những cá nhân “có tiếng” trong ngành vẫn kiên quyết không nói “chuyện nghề” trên MXH mà chỉ xem đây là kênh giải trí, kết nối quan hệ cá nhân.