Chờ đợi những bứt phá mới

Thị trường chứng khoán (TTCK) kết thúc tháng 4 với mức tăng 4% của VN Index. Dù vậy, cứ hết tháng 4 là TT đối diện tháng 5 ám ảnh về hiệu ứng “Sell in May”.

Tuy thống kê quá khứ cho thấy, không phải tháng 5 nào TT cũng giảm do hiệu ứng bán ra vào tháng 5 - “Sell in May”, nhưng diễn biến chung thường là yếu, ít nhất là đà tăng khó hình thành ngay trong nửa đầu tháng. TT có lên, có xuống trong ngắn hạn do cung - cầu. Khi giá đã tăng tốt trước đó thì cần phải có động lực mới hơn, mạnh hơn mới tạo kỳ vọng để nhà đầu tư (NĐT) xuống tiền. Để TT bứt phá mạnh hơn, cần các thông tin giá trị.

Nếu nhìn vào biến động giá thì phần lớn cổ phiếu (CP) đã tăng trước khi chính thức bước vào đợt báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Thí dụ, với 262 CP trong rổ VNAllshares sàn HoSE, tháng 3 có 176 CP tăng giá (tương đương 67,2%) nhưng sang tháng 4 chỉ còn 95 mã tăng giá (tương đương 36,3%). Trong cả tháng 3 và tháng 4, VN Index tăng trưởng 6% thì chỉ có có 103 CP của rổ này (39,3%) là chiến thắng TT. Nghĩa là kể cả khi NĐT nắm giữ CP hai tháng liền để “ôm” trọn con sóng kết quả kinh doanh quý I thì cơ hội để có lợi nhuận cũng dưới 40%, một mức xác suất không cao vì ngay cả tung đồng xu, xác suất cũng là… “50 - 50”! 

Dòng tiền vào TT suy giảm không phải do tiền cạn kiệt vì tổng mức mua vào đúng bằng tổng mức tiền chốt lời rút ra. Dòng tiền vận động hằng ngày, giảm là do NĐT giảm cường độ giao dịch, giữ tiền trong tài khoản hoặc rút ra làm việc khác. Việc điều chuyển dòng tiền là thường xuyên đối với các NĐT ngắn hạn khi nhận thấy cơ hội không còn dồi dào và dễ dàng như trước.

Dường như NĐT đang “giữ cái đầu lạnh” khi TTCK vẫn được đánh giá sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2021 với nhiều yếu tố hỗ trợ như: kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” doanh nghiệp, sức mạnh dòng tiền trong nước, sự trở lại của vốn nước ngoài, hay hiện tượng nghẽn lệnh được khắc phục… Mặc dù rủi ro ngắn hạn luôn tiềm ẩn, đặc biệt là tính hồi phục bền vững của kinh tế vĩ mô và áp lực điều chỉnh từ nền giá cao, nhưng TTCK Việt Nam vẫn duy trì đà tăng tích cực.

Phần lớn giới phân tích giữ quan điểm ngược với thông lệ hiệu ứng “Sell in May” và nguy cơ tái diễn Covid-19 khi cho rằng: Covid-19 gia tăng càng khiến TTCK tăng trưởng tốt hơn, còn “Sell in May” đã nhiều năm nay không xuất hiện...

Tuy vậy, một số ý kiến thận trọng vẫn để ngỏ khả năng TT sẽ điều chỉnh tiếp và nhịp tăng được cho là cơ hội để hạ tỷ trọng CP. Điểm tích cực chung là nhiều chuyên gia không đánh giá cao nguy cơ bùng phát trở lại của Covid-19 cũng như hiệu ứng “Sell in May” sẽ khiến TT giảm mạnh.

Thanh khoản có dấu hiệu suy yếu trước kỳ nghỉ được cho là phản ánh sự thận trọng hơn là quan ngại rủi ro. Dòng tiền sẽ được kích hoạt trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Trong khi đó, xác suất để TT giảm sâu cũng giảm bất chấp hiệu ứng “Sell in May” và việc thiếu thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 trong dịp lễ khiến cho tâm lý NĐT dè dặt và thận trọng trong giao dịch hơn nhằm phòng tránh rủi ro bất ngờ.

Năm 2020, hiệu ứng “Sell in May” gần như không diễn ra khi TT tăng khá tốt trong tháng 5. Năm nay, với việc phần lớn các nhóm CP lớn trong VN30 đã phát hành báo cáo tài chính quý I khá tích cực, tin rằng TT sẽ ổn định và tiếp tục đi lên với dòng tiền sớm quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ.