Bỗng dưng... lại lỗ

Câu chuyện chênh lệch lớn con số lợi nhuận giữa báo cáo tài chính (BCTC) được kiểm toán và BCTC tự lập không còn mới trên thị trường chứng khoán (TTCK). Năm nay, trong số những doanh nghiệp (DN) đã công bố BCTC kiểm toán vẫn có trường hợp DN bỗng tăng lỗ, giảm lãi sau kiểm toán.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đã công bố BCTC năm 2019 được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Trước đó, tại BCTC tự lập, DN cho biết, năm 2019 nhờ sự trợ giúp của doanh nhân Trần Bá Dương, tình hình kinh doanh của HAGL đã được cải thiện với lợi nhuận sau thuế năm tăng vọt lên… 253 tỷ đồng.

Và phần lớn cổ đông của HAGL đã không khỏi sốc khi sau kiểm toán, từ khoản lãi 253 tỷ đồng, HAGL bỗng dưng gánh khoản thua lỗ lên đến… 2.025 tỷ đồng. Cùng với đó, Ernst & Young Việt Nam còn chỉ rõ, HAGL có nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.016 tỷ đồng. Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.

Tương tự, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (mã: CII) đã “bốc hơi” khoảng 524 tỷ đồng so con số trong BCTC mà DN này tự lập trước đó.

Bên cạnh những con số lợi nhuận sụt giảm bất ngờ thì không ít DN lại được “cứu” nhờ kiểm toán, thậm chí còn tăng lãi đột biến. Thí dụ, tại BCTC kiểm toán của Công ty CP Nafoods Group (mã: NAF), khoản lợi nhuận sau thuế của DN mẹ đã tăng gấp hai lần so BCTC tự lập, lên 24 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BCTC trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch. Tuy nhiên, ở góc nhìn đầu tư chứng khoán, BCTC là một trong những tài liệu quan trọng nhất để làm căn cứ đánh giá về bức tranh tài chính, kinh doanh của DN, xác định giá trị cổ phiếu trước khi ra quyết định của nhà đầu tư (NĐT), nhất là với những NĐT nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận trực tiếp hoạt động của DN bị hạn chế.

Vì vậy, theo giới phân tích, những chênh lệch do vô tình sẽ cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động tài chính, kế toán của DN và là điểm trừ rất lớn trong mắt NĐT. Trong khi đó, những sai sót xuất phát từ sự cố ý của DN còn có tác hại lớn hơn, làm mất đi niềm tin của NĐT, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, quy định hiện hành mới chỉ có chế tài cho DN chậm trễ trong công việc công bố thông tin hoặc công bố thông tin sai lệch. Với trường hợp chênh lệch lớn về số liệu trước và sau kiểm toán, DN chỉ cần giải trình, thậm chí có tình trạng DN giải trình cho có. Có lẽ, chính do lý do này đã xảy ra tình trạng nhiều DN vẫn tái đi tái lại tình hình sai lệch số liệu giữa hai BCTC, mà Thủy sản Hùng Vương là một thí dụ điển hình. Cụ thể, tại BCTC kiểm toán niên độ tài chính 2018 - 2019 của DN này đã ghi nhận hàng loạt chỉ tiêu chênh lệch từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng, trong đó con số lỗ tăng thêm tới 627 tỷ đồng lên 1.123 tỷ đồng. Diễn biến này đã từng xảy ra tương tự với BCTC kiểm toán niên độ 2017 - 2018, 2016 - 2017.

Đã đến lúc, cần có một chính sách chặt chẽ hơn trong kiểm soát nghĩa vụ công bố BCTC nhằm ngăn chặn hành vi gian lận và nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan chức năng.