Ẩn số quỹ offshore

Quỹ offshore là cách gọi của nhà đầu tư (NĐT) dành cho các quỹ tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nhưng chưa đặt văn phòng giao dịch và gắn bó sâu rộng như các quỹ kỳ cựu kiểu: Dragon Capital, VinaCapital hay KITMC (được gọi là quỹ onshore)…

Ba tháng qua, một cổ phiếu (CP) ngành bất động sản đã tăng giá đến 85% và khi giá ở vùng đỉnh thì một quỹ kỳ cựu đã tiến hành chốt lời 500.000 CP. Nhưng “tây” này bán thì có “tây” khác mua lại với khối lượng còn khủng hơn trong cùng giai đoạn khi con số lên đến năm triệu CP trong giai đoạn đầu tháng 3 và nhiều khả năng chính là các quỹ offshore.

Danh tính của các quỹ này cũng thường chỉ được đồn đoán hoặc may ra công ty chứng khoán (CTCK) nào là nơi các quỹ đặt lệnh mới biết, nhưng CTCK cũng không thể tiết lộ thông tin khách hàng. Vì chưa muốn công bố thông tin rộng rãi nên các quỹ offshore thường có xu hướng giao dịch sao cho tỷ lệ sở hữu luôn nằm ở dưới ngưỡng 5% (ngưỡng trở thành cổ đông lớn) để không phải vướng bận việc công bố thông tin. Nửa thập kỷ qua ghi nhận sự xuất hiện mỗi lúc một nhiều của các quỹ offshore, tạo ra sự sôi động cho TTCK, đồng thời cũng có nhiều ẩn số thú vị.

Các quỹ offshore thường không muốn sở hữu vượt quá 5%, nhưng với đặc tính là quỹ phải sở hữu số lượng CP đủ lớn, vậy nên những CP vốn hóa lớn, đầu ngành sẽ là ưu tiên. Thí dụ, một doanh nghiệp (DN) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tương đương với số CP lưu hành 10 triệu CP, như vậy 5% vốn chỉ tương đương với 500.000 CP, con số này là tương đối nhỏ cho sở hữu của một quỹ. Trong khi đó, một DN có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng sẽ có số CP lưu hành 100 triệu CP thì 5% lên đến 5 triệu CP, các quỹ offshore hoàn toàn có thể mua số lượng lên đến hàng triệu. Cũng chính vì điều này mà khi các DN lớn lên sàn liên tục từ năm 2016 đến nay số lượng các quỹ offshore cũng gia tăng tương ứng. Điều này giúp cho dòng tiền gia tăng, thanh khoản trên TT được củng cố.

Tuy nhiên, do không đặt văn phòng, cũng không xuất hiện nhiều trên truyền thông và sở hữu dưới ngưỡng cổ đông lớn, nên việc nắm bắt động thái của các quỹ offshore sẽ đòi hỏi sự thận trọng từ phía các NĐT. Việc theo dõi động thái của khối nước ngoài mua bán mà không biết là quỹ nào hoàn toàn có thể nảy sinh các tình huống kiểu như mới hôm qua mua ròng nhưng hôm nay có thể chuyển sang bán ròng. Và trong ngắn hạn thì những thay đổi trong giao dịch kiểu này hoàn toàn có thể đổi xu hướng của CP, khiến các NĐT trở tay không không kịp. Quỹ nước ngoài mua vào luôn là động lực cho CP tăng giá, tuy nhiên NĐT cá nhân cũng cần thận trọng để tránh lướt sóng hoặc bị “úp sọt”.

Cũng cần nói đến xu hướng các quỹ từ offshore dần trở thành onshore và… ngược lại. Theo chiều thuận, một số quỹ tầm trung trong nửa thập kỷ qua cũng dần thiết lập văn phòng đại diện, tăng cường nhân sự đến gặp gỡ DN và dù quy mô chưa lớn nhưng TT cũng dần có thể nhớ mặt, nhớ tên và nắm được chiến lược. Động thái này là tất yếu khi mà công khai, minh bạch thông tin nhiều hơn thì quỹ có nhiều cơ hội để đầu tư vào các DN tiềm năng và tham gia dài hạn. Nhưng theo chiều ngược lại, cũng có những quỹ xuất hiện trên TT hàng thập kỷ, nhưng càng lúc lại càng hoạt động yếu kém, và các động thái giao dịch thường buồn tẻ, quy mô nhỏ khiến chẳng ai màng nhớ đến.