Ý tưởng đột phá của Elon Musk

Trong buổi thuyết trình tại Viện Hàn lâm Khoa học California (Mỹ) ngày 16-7 vừa qua, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Công ty công nghệ Tesla, ông Elon Musk đã trình bày dự án đầy tham vọng mang tên “Neuralink”. Sau hai năm phát triển, ông Musk khẳng định, Neuralink đã có tiến bộ lớn, hướng tới mục tiêu kết hợp bộ não con người và trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua quá trình cấy ghép con chip siêu nhỏ vào não người.

Tỷ phú Elon Musk với dự án táo bạo cấy chip vào não người. Ảnh: NEWSBYTES
Tỷ phú Elon Musk với dự án táo bạo cấy chip vào não người. Ảnh: NEWSBYTES

Dự án “cộng sinh” táo bạo

Dự án khởi nghiệp (startup) mang tên Neuralink, thuộc Công ty công nghệ Tesla (Mỹ), được thành lập vào tháng 7-2016 và công khai lần đầu vào tháng 3-2017. Mục tiêu chủ yếu của Neuralink là ngăn ngừa khả năng AI vượt qua trí thông minh của con người, điều mà ông Elon Musk coi là mối đe dọa hiện hữu. Với tổng mức đầu tư 158 triệu USD, Neuralink đã đạt được những tiến bộ lớn hướng tới mục tiêu của Musk, bước đầu là việc kết hợp trí thông minh con người với máy móc trong cùng một cơ thể sống, tương tự mô hình “cộng sinh” trong tự nhiên. Công nghệ này sẽ cấy các con chip siêu nhỏ vào não, kết hợp hoạt động giữa não và máy tính để thu thập thêm nhiều kiến thức, suy nghĩ và thông tin, giúp một người bình thường có thể đạt được trình độ cao hơn AI.

Giới chuyên gia của Neuralink cho biết, thiết bị “Brain-Machine Interfaces” (tạm dịch: Các giao diện của bộ não và máy móc) gồm một con chip siêu nhỏ kết nối với 1.000 sợi có kích thước chỉ bằng một phần mười sợi tóc người, có khả năng phát hiện và liên kết hoạt động với các tế bào thần kinh. Con chip này có cổng USB-C cùng khả năng kết nối qua tín hiệu không dây bluebooth với một máy tính nhỏ đeo trên tai và điện thoại thông minh. Quá trình cấy ghép sẽ được một robot thực hiện dưới sự chỉ đạo của bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Robot này sẽ khoan một lỗ sâu khoảng hai milimet vào hộp sọ để gắn chip không dây và từ đó các sợi dây nối siêu nhỏ sẽ dần tiếp xúc hệ thống tế bào thần kinh.

Hiện tại, các thử nghiệm của thiết bị trên vẫn giới hạn trên động vật như chuột và khỉ. Nhưng nếu được Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, các thử nghiệm cấy ghép trên người có thể tiến hành vào cuối năm 2020. Trình bày về những thành tựu đạt được của Neuralink, ông Musk khẳng định: “Tôi nghĩ dự án này sẽ rất quan trọng đối với toàn bộ nền văn minh loài người. Với tốc độ phát triển của AI như hiện tại, con người có khả năng bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên nhờ thiết bị với băng thông này, chúng ta sẽ có khả năng tiếp tục cuộc đua với máy móc”.

Các ứng dụng thực tế hiện tại của việc cấy ghép chip vào não trước tiên phục vụ mục đích y tế. Ông Max Hodak, Giám đốc Neuralink cho biết: “Các nhà khoa học và bác sĩ đã làm việc trong nhiều thập kỷ trên các thiết bị hoặc phương tiện tương tác trực tiếp với não, từ cấy ốc tai cho tới điều trị kích thích não sâu cho bệnh nhân Parkinson. Tuy nhiên, thiết bị của Neuralink là một cải tiến đáng kể với điện cực gấp 1.000 lần trong giao tiếp với não so các thiết bị hàng đầu đã được FDA phê chuẩn sử dụng cho bệnh nhân Parkinson”.

Nếu thiết bị của Neuralink hoạt động chính xác như dự kiến, thì các tín hiệu từ não người có thể được mã hóa trở thành dữ liệu mà máy tính có thể hiểu, từ đó chuyển thành lệnh điều khiển chuyển động. Đối với những bệnh nhân Parkinson hay người bị liệt, sự giao tiếp này giúp người được cấy ghép điều khiển các bộ phận cơ thể như tay, chân. Ông Matthew McDougall, bác sĩ phẫu thuật thần kinh hàng đầu của Neuralink cho biết: “Nếu được cho phép, Neuralink sẽ tiến hành một thử nghiệm lâm sàng cho những bệnh nhân mắc các bệnh y tế nghiêm trọng như người bị tê liệt hoàn toàn do các vấn đề từ tủy sống”. Thậm chí trong tương lai không xa, các dữ liệu từ môi trường do máy tính hoặc smartphone thu thập sẽ được chuyển trở lại não người, giúp người khiếm thị có thể nhìn thấy chung quanh.

Cần thêm thời gian kiểm chứng

Với tiềm năng ứng dụng như vậy nên không chỉ có Neuralink mà còn nhiều công ty, tập đoàn công nghệ đang theo đuổi vấn đề này như Facebook, Netflix, Emotiv... Tuy nhiên, không giống các dự án khác, Neuralink đã phải đối mặt nhiều trở ngại khi công bố tiến hành thử nghiệm trên người. Giải mã những bí ẩn của bộ não là một thách thức khó khăn gấp nhiều lần so việc chế tạo ô-tô, đào đường hầm xuyên biển hoặc chế tạo tên lửa. Các chuyên gia công nghệ và y học đánh giá dự án Neuralink còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cũng như tính khả thi và độ an toàn đối với cơ thể con người.

Trước hết ở khía cạnh con người, ông Jacob Robinson, một nhà thần kinh học tại Đại học Rice (Mỹ) đề cập một vấn đề mà Neuralink chắc chắn sẽ phải giải quyết trong tương lai, đó là việc thay thế các thiết bị hư hỏng. “Một sự cố của thiết bị có thể đặt ra yêu cầu loại bỏ thiết bị cũ và cấy ghép mới. Việc thay thế có thể là một thách thức với sự an toàn của bệnh nhân, vì các thiết bị này có các sợi siêu mỏng gắn vào não”. Ông Robinson lo ngại rủi ro liên quan khả năng nhiễm trùng trong mô não do các sợi cấy ghép, khả năng đột quỵ do phình mạch hoặc phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Với tiềm lực từ tập đoàn lớn như Tesla, dự án Neuralink sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn nhiều so các nhóm nghiên cứu hay nhiều công ty công nghệ khác. Đơn cử như mỗi khi chuyên gia của Neuralink thiết kế chip, có thể thử nghiệm số thiết bị nhiều gấp đôi so một phòng thí nghiệm khoa học thông thường, giúp nhanh chóng đạt được các thành tựu nổi bật trong thời gian ngắn nhất. Song một số quá trình quan trọng như kiểm tra thời gian hoạt động ổn định của một con chip cấy ghép trong não thì không thể tăng tốc. Theo các chuyên gia, đây là một khó khăn không nhỏ đối với Neuralink, không chỉ trên phương diện khoa học mà còn ảnh hưởng tới việc xin giấy phép của FDA đối với dự án này. Ryan Stellar, Phó Giám đốc của Enzyme - chương trình hỗ trợ xin cấp phép cho các công ty khoa học đời sống, cho rằng: “Một dự án đầy tham vọng như Neuralink cần thời gian kiểm chứng tối thiểu là hai năm, nhưng cũng có thể kéo dài tới bảy năm hoặc lâu hơn”.

Xét tới khía cạnh máy móc, không ít chuyên gia công nghệ và các tổ chức nhân quyền hoài nghi về tính bảo mật của các thiết bị công nghệ này. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, bà Frederike Kaltheuner thuộc Tổ chức bảo vệ quyền riêng tư Privacy International (Anh) bày tỏ quan ngại: “Thu thập dữ liệu từ hoạt động não có thể khiến mọi người gặp rủi ro lớn. Liệu những thông tin đó có bị người khác sử dụng để gây ảnh hưởng, thao túng và khai thác lợi ích không? Ai có quyền truy cập vào các dữ liệu này? Những thông tin đó có được chia sẻ với bên thứ ba không? Mọi người cần phải kiểm soát hoàn toàn dữ liệu của mình”.

Đầu năm nay, Chính phủ Pháp đã phạt Alphabet, tập đoàn mẹ của Google sau các cáo buộc vi phạm quy tắc bảo mật trực tuyến của Liên hiệp châu Âu (EU). Mạng xã hội Facebook cũng sẽ phải nộp một khoản tiền phạt lớn tại Mỹ vì vi phạm quyền riêng tư dữ liệu của người dùng. Năm 2018, các nhà nghiên cứu tại công ty bảo mật RedLock cũng cho biết bộ lưu trữ đám mây của Tesla, chủ đầu tư dự án Neuralink, từng bị tin tặc thâm nhập nhằm khai thác lợi nhuận từ tiền điện tử. Bởi vậy, những lo lắng trên là có cơ sở, đòi hỏi không chỉ Tesla mà các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ khác phải cải thiện khả năng xử lý và bảo mật dữ liệu.

Trước các ý kiến trái chiều, CEO của Tesla vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào tính khả thi và tiềm năng trong tương lai của Neuralink: “Dự án này có một mục đích rất tốt, không chỉ đem lại thêm một phương thức chữa bệnh, mà còn là sự bảo đảm cho nhân loại trong tương lai. Nếu thiết bị này hoạt động tốt và ổn định, con người có thể giải quyết các loại bệnh về não, cho dù đó là do tai nạn hay bẩm sinh, chỉ bằng một con chip”. Tuy nhiên, ông Musk cũng đồng tình với các ý kiến chuyên gia và khẳng định các thử nghiệm trên con người đòi hỏi một quá trình kiểm định lâu dài.