“Vũ khí mới” chống áp thuế?

Mới đây, Mỹ đã tuyên bố sẽ “sử dụng những biện pháp chưa từng có” nhằm đáp trả lời cảnh báo ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ của Trung Quốc. Và có thể nói, hành động cứng rắn từ hai phía đang đẩy căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này thêm sâu sắc. Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, dù đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, song đất hiếm chưa phải là vũ khí hiệu quả của Bắc Kinh sử dụng để đáp trả biện pháp áp thuế của Washington.

Một mỏ khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGE
Một mỏ khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGE

Đất hiếm là một tập hợp gồm 17 nguyên tố hóa học, nằm trong vỏ Trái đất. Những năm gần đây, đất hiếm ngày càng có vai trò quan trọng hơn vì được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, hay các thiết bị quốc phòng. Đối với ngành nông nghiệp, đất hiếm cũng được sử dụng để đưa vào các chế phẩm phân bón vi lượng nhằm tăng năng suất, chống sâu bệnh cho cây trồng, hoặc bổ sung vào phân bón và thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, đất hiếm còn được dùng làm xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường.

Mặc dù được gọi là đất hiếm, nhưng trên thực tế các nguyên tố trong đất hiếm khá sẵn trong tự nhiên. Ước tính, tổng trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu lên tới 99 triệu tấn. Cục Địa chất Mỹ khẳng định các mỏ đất hiếm chưa được phát hiện trên thế giới có trữ lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của loài người trong tương lai. Tuy nhiên, do đất hiếm không dễ khai thác và chiết tách, nên giới khoa học không bảo đảm liệu những mỏ mới được phát hiện có kịp thời đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt hay không. Như theo số liệu của Cục Địa chất Mỹ, trong vòng 5 năm tới, nguồn cung về đất hiếm sẽ thấp hơn cầu khoảng 40 nghìn tấn.

CNBC cho biết, hiện nay Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm chủ yếu trên thế giới. Gần 30 năm trước, với sở hữu khoảng 35% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc quyết định coi đây là tài nguyên chiến lược, và cấm thực thể nước ngoài khai thác. Việc này đã mở đường để Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước sản xuất đất hiếm hàng đầu, ước tính vào năm 2018, Trung Quốc sản xuất tới 70% tổng lượng đất hiếm của thế giới.

“Vũ khí mới” chống áp thuế? ảnh 1

Đất hiếm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Oliver Nugent, nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia Citigroup từng đánh giá, trong ngắn hạn, các ngành công nghiệp phi quân sự tại Mỹ không có cách nào thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Do đó, giới phân tích cho rằng việc thiếu nguồn tài nguyên này sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối tháng 5 vừa qua Xinhua cho biết, giữa lúc căng thẳng thương mại đang leo thang và các cuộc đàm phán chưa tìm được tiếng nói chung, Trung Quốc đang “nghiêm túc cân nhắc” cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Theo một quan chức cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ ưu tiên đất hiếm cho nhu cầu trong nước nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của nước ngoài, song không hề đề cập đến Mỹ. Trước đó, đã có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ dùng khoáng sản này làm “vũ khí” nhằm đối phó cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo Reuters, giai đoạn 2014 - 2017, 80% lượng đất hiếm nhập vào Mỹ là đến từ Trung Quốc. Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ cũng không đưa mặt hàng này cùng một số khoáng sản quan trọng khác vào danh sách khi tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh. Điều đó chứng tỏ đất hiếm đóng một vai trò quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt chi phối việc sản xuất các thiết bị công nghệ như smartphone, nam châm vĩnh cửu có độ bền cao, pin mặt trời…

Trước sự cảnh báo từ Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố nước này sẽ tiến hành “các bước đi chưa từng có tiền lệ” để bảo đảm nguồn cung các tài nguyên chiến lược. Ngày 4-6 vừa qua, ông Ross cũng khẳng định, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm công bố một báo cáo chi tiết về 35 nguyên tố và hợp chất “cực kỳ quan trọng với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế Mỹ”. AFP dẫn lời ông Ross cho biết, những nguyên tố đề cập trong bản báo cáo của Mỹ đều là “những nguyên tố quan trọng nhưng thường bị ngó lơ”.

Mới đây, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ, quân đội nước này đang đàm phán với một công ty của Malawi và nhiều tập đoàn khai mỏ trên thế giới để tìm nguồn cung đất hiếm thay cho nguồn cung từ Trung Quốc. Đây là một phần kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm của Mỹ. Trước đó, chính quyển Tổng thống Trump đã lường trước được các nguy cơ từ đất hiếm. Tháng 9-2017, Tổng thống Trump yêu cầu Bộ Thương mại và các cơ quan khác của Mỹ phải tìm ra các nguyên liệu mới, thay thế các nguyên liệu quan trọng đang phải phụ thuộc nước ngoài.

Giữa mối lo ngại về việc đất hiếm trở thành vũ khí lợi hại khiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định, đất hiếm không phải “vũ khí đáng sợ” và chưa chắc sẽ đem lại lợi thế cho Bắc Kinh trên bàn đàm phán thương mại với Washington. The New York Times dẫn lời nhà phân tích Ed Mills và Pavel Molchanov của Ngân hàng đầu tư Raymond James cho biết, nhiều khả năng những động thái mới đây từ Trung Quốc chỉ là lời đe dọa. Bởi trên thực tế, Mỹ chỉ nhập khoảng 9% trong tổng cung đất hiếm toàn cầu để phục vụ các hoạt động sản xuất. Ước tính, năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ chỉ chi ra 160 triệu USD để nhập khẩu nguồn nguyên liệu kể trên.

Theo Reuters, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến truyền thông thế giới tốn “giấy mực” và được coi là một phần trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị và tầm ảnh hưởng giữa hai siêu cường. Mâu thuẫn giữa hai nước “tăng nhiệt” kể từ khi Tổng thống Mỹ tăng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và dọa áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại. Đáp trả, Trung Quốc quyết định tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, khiến cuộc chiến thương mại leo thang và lan sang các lĩnh vực khác. Gần đây nhất, với lý do lo ngại về an ninh, chính quyền Mỹ kêu gọi tẩy chay đối với Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Huawei, khiến tập đoàn này rơi vào cảnh bị cô lập.

Dù chưa chắc lời đe dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ của Trung Quốc sẽ thành sự thật, song với động thái cứng rắn từ cả Bắc Kinh và Washington trong thời gian qua, giới phân tích đang tỏ ra lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài.