Vụ bảo hộ phá sản phức tạp của BSA

Vừa qua, do phải đối mặt với hàng trăm đơn kiện quấy rối tình dục, Hội Nam hướng đạo Mỹ (BSA), tổ chức thanh, thiếu niên lớn nhất của Mỹ, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Vụ việc của BSA có thể trở thành vụ bảo hộ phá sản phức tạp nhất từ trước đến nay ở nước Mỹ, song không thể giúp tổ chức có lịch sử 110 năm hoạt động thoát khỏi trách nhiệm.

Hàng nghìn nạn nhân của BSA cáo buộc bị lạm dụng. Ảnh: DAILY MAIL
Hàng nghìn nạn nhân của BSA cáo buộc bị lạm dụng. Ảnh: DAILY MAIL

Bê bối ấu dâm

Đơn xin bảo hộ phá sản của BSA đã nộp lên tòa án thành phố Wilmington, bang Delaware hôm 18-2 căn cứ vào Điều 11 Luật bảo hộ phá sản Mỹ. Hồ sơ phá sản của BSA được đưa ra đúng vào thời điểm tổ chức này đang phải đối mặt hàng trăm vụ kiện lạm dụng tình dục, hàng nghìn nạn nhân cáo buộc bị lạm dụng, và số lượng thành viên ngày càng giảm. Tuy nhiên, do quy trình nộp đơn, nên các vụ kiện dân sự chống lại tổ chức này phải tạm thời đình chỉ.

BSA là hội hướng đạo sinh lớn nhất ở Mỹ, thành lập năm 1910 và vừa kỷ niệm 110 năm thành lập vào ngày 8-2 vừa qua. BSA vận hành như một hệ thống tổ chức hoạt động cho trẻ em, nơi thanh, thiếu niên tham gia các khóa kỹ năng sống, giải quyết các thử thách được đặt ra và qua đó nhận những chứng chỉ, huy hiệu được ghi nhận rộng rãi trong cộng đồng xã hội Mỹ. Nhiều nhân vật có tiếng tăm, các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng,… ở Mỹ từng trưởng thành từ tổ chức hội hướng đạo sinh BSA.

Thế nhưng nhiều năm qua, hội đã vướng phải hàng trăm vụ kiện từ các thành viên cáo buộc bị lạm dụng tình dục trên khắp đất nước. Trong số đó, các cáo buộc thường gặp là phát tán nội dung khiêu dâm, lạm dụng hoặc cưỡng bức trẻ em trai quan hệ tình dục đồng tính... Trong Báo cáo tháng 4-2019, giới chức cho biết, ít nhất 7.800 thành viên từng là trưởng nhóm, đội trưởng của BSA có liên quan các vụ lạm dụng tình dục với hơn 12.000 trẻ em trong suốt 72 năm.

Năm 2010, một phiên tòa ở Portland đã yêu cầu BSA phải trả 18,5 triệu USD đền bù cho các nạn nhân trong vụ cựu hướng đạo sinh Kerry Lewis đứng ra kiện BSA vì những tổn thất tinh thần phải chịu khi còn nhỏ. Khi mới 11 - 12 tuổi, Lewis đã nhiều lần bị Timur Dykes, một trợ lý hướng đạo ở Portland quấy rối. Và vụ lạm dụng tình dục Kerry Lewis đã trở thành một trong những trường hợp điển hình về tình trạng ấu dâm trong các nhóm hướng đạo sinh ở Mỹ.

Số tiền 18,5 triệu USD là khoản đền bù lớn nhất BSA từng phải trả tính đến thời điểm đó. Giới chức bang Oregon cũng yêu cầu 60% (tương đương 11,1 triệu USD) trong bản án bồi thường thiệt hại, được chuyển cho quỹ bồi thường các nạn nhân của bang. Ngoài Lewis, còn có hàng chục nạn nhân khác từng lên tiếng vì bị quấy rối tình dục khi tham gia hướng đạo sinh, song các vụ việc này chưa được xét xử. Tuy nhiên, luật sư của Kerry Lewis cho biết, phần lớn các vụ kiện lạm dụng tình dục chống lại BSA kể từ thập kỷ 80 thế kỷ trước đều bị tổ chức này giải quyết một cách lặng lẽ, nên hầu như không nhận được sự chú ý. BSA đã giữ bí mật các hồ sơ từ thập kỷ 20 thế kỷ trước về những nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức liên quan nạn lạm dụng tình dục.

Theo AP, các báo cáo cho thấy BSA đã tìm cách phủ nhận vấn nạn lạm dụng tình dục trong các hoạt động của tổ chức này, vì thế khiến cho tình trạng càng thêm tồi tệ. Hãng tin AP dẫn lời các công tố viên xác định được nhiều đối tượng đã bị tố cáo lạm dụng nhưng vẫn được quay lại làm việc ở vị trí lãnh đạo trong tổ chức.

Các luật sư cho rằng, tổ chức này cần chịu trách nhiệm khi đã không cảnh báo cho phụ huynh và hướng đạo sinh nam về vấn đề ấu dâm kéo dài hàng chục năm qua. Kể từ sau vụ kiện của Lewis, giới chức đã yêu cầu thu thập hàng nghìn tập dữ liệu liên quan các vụ việc lạm dụng tình dục ở BSA trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1985, đồng thời theo dõi những kẻ ấu dâm bị nghi ngờ và ngăn chặn những người này tiếp tục tham gia các hoạt động hướng đạo.

Khó tránh trách nhiệm

Là một trong những tổ chức lớn của Mỹ vướng vào vấn đề lạm dụng tình dục, trong các năm gần đây, BSA đã phải trả hàng trăm triệu USD bồi thường cho nhiều nạn nhân. Ước tính, nếu các nạn nhân tiếp tục theo đuổi để đòi quyền lợi thì số tiền có thể lên đến hàng tỷ USD. Việc xin phá sản vừa qua cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với tổ chức từng được xem là nơi đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo ở Mỹ. Tuy vậy, luật sư Paul Mones đại diện cho các nạn nhân ở Los Angeles trong các vụ kiện lạm dụng tình dục của BSA cho rằng, việc tổ chức này nộp đơn phá sản là một động thái gây trì hoãn với các nạn nhân đang chờ đợi từng ngày để vụ việc của họ được đưa ra xét xử.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới các nạn nhân, Jim Turley, Chủ tịch mới của BSA đã viết rằng tổ chức này xin phá sản để bảo đảm có thể bồi thường công bằng cho tất cả các nạn nhân bị lạm dụng. Tình hình tài chính của BSA đã gặp khó khăn trong những năm gần đây do số lượng thành viên suy giảm và phải giải quyết các vụ lạm dụng tình dục. Số lượng thanh, thiếu niên tham gia tổ chức này giảm xuống còn chưa đầy hai triệu, thấp hơn nhiều con số bốn triệu trong thời kỳ đỉnh cao vào thập kỷ 70 thế kỷ trước. Tổ chức này đã phải rao bán nhiều tài sản, trong đó có các tài sản có giá trị bao gồm các khu cắm trại và một số bất động sản. Hiện, theo đơn xin bảo hộ phá sản, ước tính các tài sản của BSA trị giá từ 1 đến 10 tỷ USD, trong khi các khoản nợ ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, tương đương 5-10% giá trị tài sản.

BSA có thể trì hoãn các vụ kiện bằng cách nộp đơn lên tòa xin bảo hộ phá sản, nhưng cuối cùng họ vẫn buộc phải bán tài sản để trả các khoản bồi thường. Song các chuyên gia đánh giá, việc xin bảo hộ phá sản của BSA có thể phức tạp và phải giải quyết trong thời gian dài. Theo BSA, Hội này khẳng định các tổ chức thành viên ở mỗi địa phương sẽ không phải xin bảo hộ phá sản vì tính độc lập về pháp lý và hoạt động. Trái lại, luật sư của các nạn nhân cho rằng các tổ chức thành viên không thể tránh khỏi hoàn toàn trách nhiệm vì họ không phải là tổ chức độc lập.

Văn phòng luật sư Michael Pfau có trụ sở tại Seattle, đại diện cho khoảng 2.000 khách hàng từ 50 bang của Mỹ, nhận định số lượng đơn khiếu nại BSA đã tăng lên trong những năm gần đây tạo ra một cuộc chiến pháp lý phức tạp có thể mất nhiều năm để giải quyết. Ước tính, số người yêu cầu bồi thường có thể lên đến 5.000 người. Ông Michael Pfau lưu ý rằng, nếu BSA bồi thường mỗi nạn nhân với số tiền trung bình là một triệu USD, quỹ bồi thường sẽ cần 5 tỷ USD. Trong đó bảo hiểm thường chi trả 40% đến 70%, phần còn lại được lấy từ tài sản của tổ chức này. Tuy nhiên, việc BSA nộp đơn phá sản có thể khiến việc quy trách nhiệm pháp lý trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Từ quy mô và mức độ liên kết khắp cả nước của các tổ chức hướng đạo địa phương với BSA, dự kiến đây sẽ là vụ nộp đơn bảo hộ phá sản phức tạp, tốn kém, mất thời gian nhất trong số các vụ việc pháp lý dân sự gần đây ở Mỹ.