Tiềm năng của ngành du lịch vũ trụ

Sau các bước chuẩn bị kỹ càng, mới đây Tập đoàn công nghệ SpaceX của Mỹ thông báo kế hoạch sẽ đưa khách du lịch tới Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào nửa cuối năm 2021. Với dự định mới của SpaceX, ngành khoa học vũ trụ cho thấy những bước phát triển nhanh chóng trong nỗ lực giúp ngày càng nhiều người chạm tới giấc mơ du hành không gian.

Các nhà khoa học làm việc trong ISS. Ảnh: NASA
Các nhà khoa học làm việc trong ISS. Ảnh: NASA

Chuyến bay tư nhân đầu tiên

Ngày 5-3 vừa qua, SpaceX đã chính thức ký thỏa thuận với Công ty khởi nghiệp Axiom Space có trụ sở tại thành phố Houston (Texas - Mỹ) để thực hiện chuyến bay tư nhân đầu tiên đưa người tới tham quan trạm ISS. Theo đó, tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 đã lên kế hoạch và lịch trình đưa ba du khách, và một chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp, tới ISS vào nửa cuối năm 2021. Theo Axiom Space, công ty quản lý vấn đề hậu cần cho chuyến du hành sắp tới, du khách sẽ trải qua hành trình khoảng 10 ngày, gồm hai ngày trên đường bay và tám ngày sinh hoạt trên trạm ISS, trải nghiệm cuộc sống của môi trường không trọng lực cùng các phi hành gia. Theo The New York Times, giá cho mỗi suất để có mặt trên con tàu Crew Dragon vào khoảng 55 triệu USD, và một chỗ ngồi đã có chủ trong ngày hợp đồng được công bố.

Vài năm gần đây, SpaceX đã bỏ ra nhiều công sức để chế tạo một phiên bản mới của tàu vũ trụ Dragon, như một phần trong chương trình đưa phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lên ISS. Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào việc trở thành một chiếc “taxi không gian” cho các phi hành gia, SpaceX ngày càng xem du lịch vũ trụ như một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Mới tháng trước, Tập đoàn SpaceX cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Space Adventures có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ) để thực hiện chuyến bay bằng tàu vũ trụ Crew Dragon đưa du khách vào quỹ đạo Trái đất. Con tàu này rộng khoảng 9 m² và không có không gian riêng để ngủ. Chuyến bay có thể được thực hiện sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc giữa năm 2022. Đáng chú ý, theo ông Tom Shelley - Chủ tịch Space Adventures, thời gian trải nghiệm ngoài vũ trụ phụ thuộc vào mong muốn của hành khách, chi phí cho chuyến đi là khoảng hơn 100 triệu USD.

Để hiện thực hóa giấc mơ tham quan vũ trụ của nhiều hành khách thượng lưu, SpaceX liên tục có các bước chuẩn bị cần thiết. Tháng 1-2020, SpaceX đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm chứng minh khả năng giúp phi hành đoàn thoát hiểm khỏi tàu vũ trụ trong trường hợp khẩn cấp. Vụ phóng thử được thực hiện tại tổ hợp bệ phóng thuộc Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida (Mỹ). Theo kịch bản, tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon cùng hai phi hành gia “hình nộm” bị nổ tung. Tuy nhiên, Crew Dragon kịp thời tách khỏi tên lửa trong khoảng 90 giây sau khi được phóng lên, tự động bung dù và hạ cánh an toàn xuống Đại Tây Dương. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng của SpaceX nhằm kiểm chứng khả năng tồn tại của tàu Crew Dragon trong trường hợp tên lửa đẩy gặp trục trặc.

SpaceX vẫn chưa tiết lộ thông tin về các vị khách dự kiến sẽ bay lên ISS trong chuyến bay tư nhân sắp tới. Trong khi đó, danh sách những hoạt động, lịch trình làm việc, sinh hoạt của hành khách trên tàu ngoài không gian vẫn còn là bí mật. Chuyến đi được lên lịch hồi năm ngoái sau khi NASA tuyên bố bắt đầu mở cửa ISS cho nhiều hoạt động thương mại hơn, trong đó có du lịch vũ trụ. NASA cho biết, mỗi năm sẽ có hai chuyến du lịch vũ trụ được thực hiện, với giá 35.000 USD mỗi đêm. Tham gia chương trình, du khách có cơ hội tham quan ISS bằng tàu vũ trụ của Mỹ. Khoản tiền hơn 35.000 USD một đêm mà mỗi khách phải trả bao gồm các tiện ích cơ bản, như không khí, thực phẩm, nước, internet, nhà vệ sinh. Thời gian của chuyến đi kéo dài khoảng một tháng. Du khách tham gia du hành vũ trụ được thẩm định về y tế, sức khỏe và phải trải qua một chương trình huấn luyện để bảo đảm đạt được các chỉ tiêu cần thiết cho chuyến đi.

Thị trường cạnh tranh

Trước khi NASA mở dịch vụ tham quan ISS, không ít dự án đã được triển khai nhằm cung cấp các trải nghiệm không gian cho du khách, song mức giá rất đắt đỏ. Trong đó có thể kể đến XCOR Aerospace, công ty của Mỹ chuyên phát triển động cơ tên lửa và tàu vũ trụ, với dịch vụ trải nghiệm môi trường không trọng lực, ngắm Trái đất từ không gian, với mức giá 95.000 USD/người. Chính SpaceX cũng từng đưa ra tour du lịch vũ trụ Dragon Space Trip, sử dụng phi thuyền đưa con người đến quỹ đạo tầm thấp của Trái đất. Những chuyến thám hiểm không gian đều có giá lên đến hàng triệu USD.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp hàng không đạt nhiều bước tiến mới về khoa học - kỹ thuật, thời gian qua, du lịch vũ trụ đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn từ các công ty tư nhân, vốn đã thể hiện được khả năng tiếp cận không gian, nhất là sau khi được chính phủ “bật đèn xanh” về kinh doanh dịch vụ. Công ty vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm ngắn ngủi nhưng đáng giá trong không gian cho du khách tham quan vũ trụ. Hay Công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson cũng đưa ra kế hoạch cung cấp cho nhiều người một khoảng thời gian tương tự ở môi trường không trọng lực, với giá chỉ vài trăm nghìn USD, trong một “tàu vũ trụ khổng lồ”. Đáng chú ý, Virgin Galactic là công ty du lịch vũ trụ đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ).

Với mã cổ phiếu SPCE, ban lãnh đạo Virgin Galactic tự hào là một trong những đơn vị tiên phong thiết lập nhiều dấu mốc lịch sử liên quan vũ trụ, trong đó có sự kiện đưa thành công hành khách lên không gian trong chuyến khai thác tàu vũ trụ thương mại vào tháng 12-2018. Là công ty con của Tập đoàn Virgin, Virgin Galactic đang không ngừng phát triển chương trình thương mại vũ trụ nhằm cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch vũ trụ và phục vụ sứ mệnh khoa học. Tháng 2-2019, công ty này lần đầu đưa ba người lên rìa vũ trụ bằng tàu vũ trụ Unity trong chuyến bay thử nghiệm siêu thanh.

Trong khi đó, Space Adventures - công ty vừa ký hợp đồng với SpaceX, trước đây cũng từng tổ chức đưa bảy du khách giàu có lên ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Cuối năm 2019, Sputnik tiết lộ, Space Adventures bắt đầu tiếp nhận đơn từ những người muốn bay đến ISS trên các tàu vũ trụ khác. Hồi năm 2005, Space Adventures thông báo kế hoạch đưa hai du khách đi vòng quanh mặt trăng, song chương trình này bị hủy bỏ.

Thị trường dịch vụ du lịch vũ trụ không có quá nhiều nhà cung cấp, nhưng không vì thế mà tính cạnh tranh bị xem nhẹ. Giới chuyên gia nhận định rằng, hiện nay, những gì SpaceX đang cung cấp cho các vị khách nhiều tiền trên thế giới dường như vẫn chất lượng và được quan tâm hơn so các công ty khác trong cùng ngành nghề. Đó cũng là một trong những lý do mà chi phí cho các tấm vé của SpaceX cao hơn rất nhiều so với phần còn lại. Thậm chí, SpaceX còn đưa ra nhiều kế hoạch hấp dẫn hơn, như các chuyến du lịch quanh mặt trăng dự kiến sẽ tổ chức trong vài năm tới, hay tham vọng đưa người lên sao Hỏa. Việc ký hợp đồng với công ty khởi nghiệp Axiom Space cũng là cách để SpaceX đẩy nhanh các kế hoạch đầy tham vọng của mình.

Còn với Axiom Space, mục tiêu đề ra là sau khi hoàn thành hợp đồng vừa ký kết với SpaceX sẽ có thêm nhiều chuyến đi tới ISS. Trong một tuyên bố, Michael Suffredini, Giám đốc điều hành của Axiom Space cho biết, chuyến đi lịch sử sắp tới sẽ mang đến một bước ngoặt trong hành trình hướng tới phổ cập việc tiếp cận và tham quan vũ trụ. Đây chỉ là nhiệm vụ đầu tiên trong nhiều nhiệm vụ mà Axiom Space xác định, với sứ mệnh đưa người tới ISS. Axiom Space cũng đã đặt kế hoạch bay đến ISS hai lần mỗi năm, đồng thời dự kiến xây dựng và sản xuất các phương tiện của riêng mình.