“Thiên đường thuế” Cayman

Ngày 18-2 vừa qua, lần đầu tiên các Bộ trưởng Tài chính Liên hiệp châu Âu (EU) đã thêm quần đảo Cayman (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) vào “danh sách đen” về trốn thuế. Với diện tích vỏn vẹn 264 km2 và dân số vào khoảng 56.000 người, quần đảo Cayman lại trở thành một “thiên đường thuế” với tổng vốn gửi từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài lên đến hơn 1,3 nghìn tỷ USD. Vậy làm thế nào để những hòn đảo nhỏ trên biển Caribbe này lại có sức hấp dẫn lớn đến thế với giới đầu tư giàu có?

EU lần đầu liệt Cayman vào danh sách đen thiên đường thuế. Ảnh: FINANCIAL TIMES
EU lần đầu liệt Cayman vào danh sách đen thiên đường thuế. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Cơ chế “đặc biệt hấp dẫn”

Quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía tây vùng biển Caribbe, chỉ cách Miami (Mỹ) và Cuba một giờ bay. Ước tính dân số của quần đảo khoảng 56.000 người, với hơn 100 quốc tịch, nhưng số doanh nghiệp đăng ký tại đây lên tới hơn 100.000 công ty.

“Thiên đường thuế” Cayman cung cấp dịch vụ ngân hàng hải ngoại cho các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ không phải trả thuế thu nhập ở quốc gia họ cư trú. Một tập đoàn lớn có thể thành lập một công ty con ở nước ngoài tại Cayman và chuyển tất cả doanh số bán hàng thông qua công ty con, không thông qua công ty mẹ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, công ty vỏ bọc và tuân theo luật thuế của Cayman chứ không phải Hoa Kỳ, và tập đoàn kiếm được lợi nhuận từ đó. Thay vì phải chịu mức thuế doanh nghiệp của Hoa Kỳ, ở mức 38,9% trong năm 2017, lợi nhuận của công ty này không phải chịu bất kỳ khoản thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập nào áp dụng tại quần đảo Cayman.

Nhờ cách này, Cayman đã trở thành một “thiên đường thuế” phổ biến trong giới tinh hoa và các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ vì không bị đánh thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập đối với tiền kiếm được bên ngoài lãnh thổ cư trú. Các khoản không chịu thuế tại Cayman bao gồm tiền lãi hoặc cổ tức kiếm được từ các khoản đầu tư, khiến cho quần đảo thu hút mạnh các nhà quản lý quỹ đầu cơ, hay còn gọi là quỹ phòng hộ (hedge fund). Thực tế là phần lớn các ngân hàng hoạt động tại Cayman không hiện diện thực tế tại quốc gia này. Có đến 85% quỹ đầu cơ trên thế giới được đặt tại Cayman và hiện có 2.275 người đang kinh doanh trong lĩnh vực này được miễn yêu cầu cấp phép theo Luật Kinh doanh đầu tư Chứng khoán của Cayman.

Chính phủ Cayman không đưa ra giới hạn đối với vốn đăng ký của các công ty nước ngoài. Thông thường, số vốn tối thiểu được đăng ký là 50.000 USD. Quy định pháp luật yêu cầu mỗi công ty phải có ít nhất một cổ đông (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân), có thể sử dụng quốc tịch của bất cứ quốc gia nào. Công ty chỉ cần ít nhất một giám đốc (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân), dùng quốc tịch nào cũng được. Người nộp đơn chỉ cần cung cấp tài liệu có thể được sử dụng làm bằng chứng để chứng minh địa chỉ và danh tính. Các công ty đã đăng ký tại quần đảo không phải nộp báo cáo tài chính, khi các công ty này thực hiện hoạt động ngoài biên giới thì họ không phải khai báo thuế hoặc nộp thuế. Đây chính là “mồi nhử ngọt ngào” để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài vào “thiên đường thuế”.

Giống như mọi “thiên đường thuế”, luật về sự riêng tư là tối quan trọng, nhờ đó mà Cayman giúp các cá nhân và chủ doanh nghiệp che chắn tài sản, danh tính của họ khỏi con mắt tò mò. Có đến hơn 11.000 quỹ tương hỗ đăng ký tại Cayman. Mặc dù hoạt động chính của các quỹ này không đúng với mục đích đăng ký, nhưng trong nhiều trường hợp, họ không nhất thiết phải khai báo danh tính, địa điểm của chủ sở hữu hưởng lợi thật sự.

Cayman trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng lớn thứ 5 trên thế giới với tổng vốn huy động lên đến 1,5 nghìn tỷ USD. Quần đảo này có hơn 300 ngân hàng, chủ yếu được cấp phép để hoạt động trên thị trường quốc tế, hoạt động trong nước rất giới hạn. 40 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới có chi nhánh tại Cayman, trong đó có HSBC, Deutsche Bank, UBS và Goldman Sachs. Ngoài ra còn có một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính, như các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, các công ty luật như Maples & Calder, các công ty quản lý tài sản như tập đoàn tư vấn tài chính và ngân hàng tư nhân Rothschilds. Sự an toàn và các tiện ích dịch vụ tài chính đem đến cho quần đảo này sự thịnh vượng. Với thu nhập bình quân đầu người hơn 57.000 USD/năm, người dân Cayman có mức sống cao nhất tại vùng biển Caribbe và cao thứ 14 trên thế giới.

Những lo ngại về thiên đường thuế

Cuộc điều tra toàn cầu “Hồ sơ Paradise” đã lột tả sự tinh vi, phức tạp trong hệ thống thuế hải ngoại trên toàn cầu. Theo đó, những tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Appleby tiết lộ cách thức giấu tài sản ở nước ngoài của giới siêu giàu và chính trị gia trên thế giới thông qua các công ty hải ngoại. Bên cạnh đó, vụ rò rỉ tài liệu “Hồ sơ Panama” của Công ty luật Mossack Fonseca đã hé lộ hàng loạt công ty vỏ bọc thành lập tại nước ngoài được cho là nhằm mục đích né thuế. Theo Oxfam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ), các dữ liệu cho thấy cứ 10 phút, Công ty luật Mossack Fonseca lại tạo ra một công ty ở nước ngoài.

Năm 2015, nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh (TI-UK) phát hiện ra rằng các công ty vỏ bọc được đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật liên quan đến hơn 3/4 vụ án tham nhũng về tài sản do cảnh sát Luân Đôn điều tra. Trong số các công ty này, gần 80% đăng ký tại các lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh như Bermuda, Cayman và quần đảo Virgin thuộc Anh, hoặc ở các thuộc địa hoàng gia như Đảo Man, quần đảo Channel.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 50% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Brazil được chuyển tới các nước và vùng lãnh thổ có thang thuế thấp như Áo, quần đảo Cayman và quần đảo Virgin thuộc Anh trước khi tới điểm đến cuối cùng. Trước tình trạng này, các chuyên gia IMF kêu gọi cải tổ hệ thống thuế trên quy mô toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng điểm khác biệt trong luật thuế của mỗi nước để chuyển lợi nhuận sang những nước có thang thuế thấp hơn nhằm trốn thuế. IMF nêu rõ việc lập kế hoạch thuế có thể giúp các tập đoàn lớn tiết kiệm nhiều triệu USD. Ngoài lập kế hoạch thuế, các tập đoàn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh giao dịch nội bộ để tận dụng những lợi thế có được từ chênh lệch mức thuế giữa các nước.

Theo chuyên gia của Oxfam, các quốc gia đang phát triển thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các thiên đường thuế để trốn thuế. Chuyên gia này cho biết, 50% vốn FDI đầu tư vào các nước đang phát triển đến từ “thiên đường thuế”, do đó lợi nhuận đều chuyển về các “thiên đường thuế”. Ở đó, các công ty chỉ phải đóng khoản thuế rất nhỏ tại những “thiên đường thuế”, trong khi các nước nhận đầu tư lại không thu được một đồng nào.

Bất chấp các khuyến nghị quốc tế, Cayman vẫn phát triển không ngừng và trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lớn. Danh tiếng của quần đảo ngày càng tăng, nhất là tại châu Á, vì đây là một trong hai trung tâm tài chính nước ngoài được phép đưa doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc). Tuy nhiên, Báo cáo tự đánh giá sự minh bạch của Cayman đã thừa nhận rằng nước này phải đối mặt với các mối đe dọa to lớn từ bên ngoài, hệ thống tài chính được sử dụng để thực hiện gian lận và trốn thuế. Trong khi đó, Đơn vị chống tội phạm tài chính Cayman chỉ có 18 nhân viên, chịu trách nhiệm điều tra hơn 1,3 nghìn tỷ USD tài sản. Rõ ràng cơ quan này không đủ sức đối phó với những mối đe dọa từ hoạt động rửa tiền quốc tế.

Đến nay danh sách đen của EU gồm có các quốc gia, vùng lãnh thổ: Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Cayman, Fiji, đảo Guam, Ô-man, Palau, Panama, Samoa, Seychelles, Trinidad và Tobago, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Vanuatu. Các quốc gia trong danh sách đen phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận các chương trình tài trợ của EU, trong khi các công ty châu Âu kinh doanh tại các khu vực tài phán đó phải thực hiện các biện pháp tuân thủ bổ sung.

Chính quyền Cayman đã liên hệ với các quan chức EU để đề nghị EU đưa ra khỏi danh sách các khu vực tài phán không hợp tác của EU càng sớm càng tốt.

Bất chấp thực tế đó, Cayman vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các trung tâm tài chính quốc tế khác: Thụy Sĩ, Hồng Công, Luxembourg, bang Delaware của Mỹ, và ngay với chính London. Một điều khó chối cãi là, nhiều quốc gia mong muốn có “thiên đường thuế” trên lãnh thổ của mình để thu hút tài chính và các nhà đầu cơ. Các trung tâm tài chính quốc tế thì ra sức củng cố quy định bảo mật ngân hàng, bảo vệ bí mật khách hàng, miễn sao “tiền đẻ ra tiền” nhiều nhất. Do đó, các nỗ lực quốc tế can thiệp vào chính sách của từng quốc gia dường như không đem lại kết quả rõ ràng. Với điều kiện như hiện nay, những “thiên đường thuế”như Cayman sẽ tồn tại lâu dài và tiếp tục phát triển.