Thành phố bị lãng quên của châu Mỹ

Có những thành phố hiện bị chôn vùi đâu đó dưới đống đổ nát, nhưng đối với người dân sống vào thời huy hoàng của chúng, thì đây lại là những trung tâm của vũ trụ. Trong số đó phải kể tới di tích lịch sử Cahokia. Đây là một di chỉ khảo cổ về một thành phố của người bản địa châu Mỹ.

Một bức tranh mô tả quang cảnh thành phố Cahokia cổ đại. Ảnh: WIKIPEDIA
Một bức tranh mô tả quang cảnh thành phố Cahokia cổ đại. Ảnh: WIKIPEDIA

Thành phố Mặt trời

Theo trang thông tin History.com, nằm ở phía nam bang Illinois (Mỹ) là các gò đất Cahokia, tàn dư thành phố Cahokia của người bản địa châu Mỹ. Theo các nhà khảo cổ, thành phố được xây dựng vào năm 650 sau Công nguyên. Với biệt danh “Thành phố bị lãng quên” hay “Thành phố Mặt trời”, khu định cư rộng 890 ha này từng có tới 120 gò đất, trong đó có gò đất cao 30 m (song do sự bào mòn của tự nhiên hiện nay chỉ còn 80 cấu trúc). Thành phố Cahokia phát triển đỉnh cao vào thế kỷ 11 và 12, từng là trung tâm kinh tế phát triển với các tuyến thương mại rộng lớn, đặc biệt có nền văn hóa và tôn giáo tác động mạnh mẽ đến người Mỹ bản địa và tạo nên nền văn hóa Mississippi khác biệt trên khắp Bắc Mỹ. Theo History.com, thời gian đầu dân số tại Cahokia chỉ khoảng 1.000 người, nhưng sau đó đã thật sự bùng nổ nhanh chóng, ước tính lên tới 40.000 người. Năm 1250, dân số của Cahokia còn lớn hơn dân số của Thủ đô London (Anh) khi đó.

Cahokia là thí dụ nổi bật về sự phát triển của nền văn hóa Mississippi của thổ dân châu Mỹ, thời kỳ người Mexico chiếm đóng và định cư ở Bắc Mỹ, tồn tại ở các thung lũng của sông Mississippi kéo dài đến tận miền đông nam nước Mỹ. Tại đây, họ không chỉ xây dựng một thành phố phát triển, mà vì lý do nào đó đã xây dựng được hơn 100 kim tự tháp bằng đất bí ẩn. Là thành phố cổ xưa của thổ dân da đỏ, Cahokia còn được biết đến với nhiều ngôi mộ cổ. Theo các nhà khảo cổ, cấu trúc phức tạp của thành phố đã phần nào nói lên được trình độ phát triển của người bản địa châu Mỹ lúc bấy giờ.

Ở thời kỳ đó, Cahokia từng là thành phố đông dân cư nhất Bắc Mỹ và là thành phố được xây dựng đa tầng lớp, được tạo nên từ những bậc thềm. Theo đó, người hiểu biết và giới tăng lữ sống ở các bậc cao nhất, còn dân thường trú ngụ ở các bậc thấp hơn. Địa điểm nổi tiếng nhất thành phố là các gò mộ cao, dành cho những vị hiền triết của thành phố. Vào thời điểm khai quật mộ, người ta tìm thấy nhiều cổ vật, trong đó có lịch cổ, đánh dấu những ngày điểm chí (đông chí, hạ chí) và điểm phân (xuân phân, thu phân).

Giới nghiên cứu lịch sử cho rằng, Cahokia vừa là nguồn gốc vừa là cái nôi của văn hóa vùng Mississippi. Người Mississippi (trước đây còn được gọi là những người xây dựng gò đất) sống ở thung lũng Mississippi, Ohio, Oklahoma cũng như khu vực giữa miền trung tây và đông nam nước Mỹ, tôn thờ Mặt trời và các thiên thể khác. Văn hóa Mississippi coi trọng sự phát triển nông nghiệp, thậm chí người bản địa châu Mỹ đã thành công trong trồng và chăm sóc tổ hợp gọi là “ba chị em”, gồm ba loại cây trồng là ngô, bí và đậu. Tuy nhiên, chính những gò đất của người Mississippi đã đem lại nền văn hóa riêng cho Cahokia. 

Sự biến mất bí ẩn

Theo Russian7.ru, thời xa xưa người dân thành phố Cahokia chia gò đất thành hai loại: gò có đỉnh được san phẳng và gò có đỉnh chóp nhọn, trong đó phổ biến nhất là gò phẳng. Theo các nhà khảo cổ, các cấu trúc gò đặc biệt được xây dựng khi nền văn hóa Mississippi phát triển trong khu vực. Các gò phẳng được xây dựng làm nhà ở, phục vụ các lễ hội và nghi lễ tôn giáo, hoạt động chính trị. Trong khi đó, các gò hình nón và gồ ghề được coi như là những ngôi mộ. Gò đất Cahokia được xây dựng bằng đất sét cùng với vỏ sò hoặc đá. Đáng chú ý, những gò lớn nhất còn tồn tại có tỷ lệ đất sét khá cao, được cho là để cản trở sự thấm nước và chống xói mòn. Sau đó, thành phố Cahokia trở thành trung tâm nổi tiếng về tôn giáo, văn hóa, chính trị ở Bắc Mỹ, có thể kiểm soát một mạng lưới thương mại và nền kinh tế rộng lớn. 

Cahokia cũng là nơi khởi nguồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người bản địa châu Mỹ trước kia. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Timothy Pauketat, tác giả cuốn sách “Cahokia cổ đại và người Mississippi”, người Cahokia đã tạo ra văn hóa Mississippi đầu tiên. Họ đã phát triển, sáng tạo ra các công cụ canh tác khá tinh vi, chế tạo nhiều loại đồ gốm, nghiên cứu thiên văn và nông nghiệp. Tôn giáo, vũ trụ học và một đền thờ của các vị thần là trung tâm trong cuộc sống của người dân Cahokia, dẫn đến sự phát triển của nhiều ngôi đền. 

Trong số nhiều công trình kiến trúc ở thành phố Mặt trời Cahokia, có lẽ ấn tượng nhất là gò đất Monk khổng lồ. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), công trình này trở thành cấu trúc đất thời cổ đại lớn nhất ở phía bắc Mexico. Các nhà quy hoạch định vị đồi Monk là cấu trúc trung tâm giữa bốn quảng trường lớn trong thành phố. Các chuyên gia tin rằng đó có thể là nơi chôn cất dành cho người có địa vị cao, hoặc là nơi hội họp của các hội đồng chính trị và tôn giáo, bởi những nghi lễ tôn giáo cũng được ghi nhận đã diễn ra ở đó. Ngoài ra, thành phố Cahokia cũng sở hữu khu phức hợp chôn cất có tên “Gò 72”. Trong gò đất, các nhà nghiên cứu tìm thấy một số gò nhỏ hơn chứa tới 250 bộ xương. 

Sự suy tàn của Cahokia được cho là bắt đầu từ năm 1350 sau Công nguyên, khi người Mississippi bản địa đã bắt đầu rời đi. Giới học giả Mỹ đã đưa ra giả thuyết về một số lý do có thể dẫn đến sự mất tích dần của thành phố như tình trạng thiếu lương thực, chiến tranh, bệnh tật hay các cuộc xâm lược của người châu Âu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên cùng với biến động xã hội cũng có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của thành phố Mặt trời. 

Nhà địa chất Caitlin Rankin thuộc nhóm nghiên cứu ở Đại học Illinois (Mỹ) cho biết: “Khi chúng tôi kiểm tra địa chất tại đây thì không tìm thấy bằng chứng về lũ lụt và xói mòn đất”. Do đó, họ kết luận nơi đây không chịu thảm họa môi trường nào. Nếu loại bỏ giả thuyết trên thì các nhà nghiên cứu vẫn không thể giải thích vì sao người Cahokia rời bỏ nơi sinh sống. Vì vậy, đến nay sự tan rã của Cahokia vẫn là chủ đề thu hút giới chuyên gia thực hiện các nghiên cứu khác. Trong một khám phá được công bố năm 2020, các nhà khảo cổ cho rằng, cư dân đã quay trở lại Cahokia với số lượng đáng kể trước khi người di cư châu Âu đến đây vào thế kỷ 16. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác minh được bộ tộc nào đã xây dựng nên thành phố Cahokia và vì lý do gì họ lại rời bỏ. Không ít nhà khoa học so sánh sự mất tích của Cahokia với cuộc di cư bí ẩn của bộ tộc Maya (Mexico). 

Cahokia hiện là khu vực khảo cổ lớn và phức tạp nhất trong thời kỳ tiền Colombo (bao gồm tất cả các giai đoạn lịch sử và tiền sử của châu Mỹ trước khi chịu ảnh hưởng đáng kể của châu Âu) ở phía bắc Mexico. Các gò đất của nơi này là di tích lịch sử nổi tiếng thế giới, được chỉ định là khu vực cần bảo vệ cấp quốc gia. Ngoài ra, nó cũng là di sản thế giới do UNESCO công nhận tại “xứ cờ hoa”. Hiện, Cahokia là khu vực khảo cổ mở cửa cho công chúng tham quan, thuộc quyền quản lý của Cơ quan Bảo tồn di tích lịch sử Illinois và được Hiệp hội Bảo tàng Cahokia hỗ trợ.