Thách thức trong cuộc chiến chống al-Qaeda

Kể từ khi Mỹ kêu gọi các nước phương Tây đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện kinh hoàng ngày 11-9-2001, cơ quan tình báo của các quốc gia này dường như vẫn bất lực trong việc tiêu diệt hoàn toàn mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Các biện pháp mà tình báo Mỹ và phương Tây sử dụng thành công trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây, như cài cắm điệp viên, mua chuộc, cưỡng ép,… đều chưa phát huy hiệu quả. 

Hiện trường vụ al-Qaeda đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Tanzania năm 1998. Ảnh: GRTTY IMAGES
Hiện trường vụ al-Qaeda đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Tanzania năm 1998. Ảnh: GRTTY IMAGES

Sự phát triển của al-Qaeda

Al-Qaeda thành lập tại Afghanistan năm 1988, nhưng những năm sau đó hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ, không có mấy tiếng tăm. Thủ lĩnh khủng bố khét tiếng Osama bin Laden đã tìm cách tập hợp một liên minh sức mạnh Hồi giáo để lập ra cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”, vận hành theo luật Hồi giáo Shari’a khắt khe trong thế giới đạo Hồi. Đến năm 1996, dù chỉ tập hợp được vẻn vẹn 30 tín đồ, nhưng Bin Laden không từ bỏ âm mưu bành trướng thế lực, cố gắng hợp nhất với các nhóm cực đoan như Ibn al-Khattab ở Ai Cập và nhóm “Chiến đấu Hồi giáo” ở Libya, với hy vọng tạo ra được một phong trào lớn mạnh. Bin Laden đã chọn Mỹ, nước mà hầu hết các nhóm ly khai đều coi là kẻ thù “không đội trời chung”, làm mục tiêu chính. 

Năm 1998, al-Qaeda phát động thành công loạt cuộc tiến công nhằm vào hai Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya. Năm 2000, nhóm này đánh bom tàu khu trục USS Cole của Mỹ ở một cảng của Yemen, khiến 17 quân nhân chết. Bin Laden hy vọng Mỹ sẽ phản ứng bằng một cuộc xâm lược quân sự vào thế giới Hồi giáo, dẫn tới một cuộc “thánh chiến”, qua đó đưa al-Qaeda lên tuyến đầu chống những kẻ xâm lược. Sau khi các phần tử al-Qaeda cướp các máy bay rồi điều khiển chúng đâm vào tòa tháp đôi ở New York và Lầu năm góc tại Mỹ ngày 11-9-2001, khiến khoảng 3.000 người chết, Bin Laden dường như đã đạt được ý đồ.

Theo TASS, cách đây khoảng 40 năm, Bin Laden đã kêu gọi người Hồi giáo đứng lên chống lại Mỹ và các đồng minh của Washington trên toàn thế giới. Lúc đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã đánh giá thấp kẻ thù, vẫn dựa trên các phương pháp cũ để tiến hành các chiến dịch tiêu diệt al-Qaeda, ngay cả khi các tay súng cực đoan thực hiện thành công vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Sau sự kiện 11-9, tình báo Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin để phục vụ truy bắt hoặc tiêu diệt hai nhân vật lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda là Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, từng là thủ lĩnh Phong trào Chiến tranh Hồi giáo Ai Cập. Với số tiền này, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hy vọng sẽ lôi kéo được những kẻ phản bội trong đội ngũ al-Qaeda, song ý đồ đã không thành. Tiền bạc và cách mua chuộc kiểu cũ khó thuyết phục được các phần tử Hồi giáo cực đoan phản bội lại tôn giáo mà họ đã từng tuyên thệ trung thành. Trong khi đó, những người khác có quan hệ với al-Qaeda, các đối tượng cung cấp vũ khí,… cho tổ chức này cũng khó có cơ hội tiếp cận hai thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda. 

Mỹ đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố quy mô lớn kể từ sự kiện 11-9-2001, tiêu tốn khoảng 5.900 tỷ USD và khiến hơn 500.000 người chết. Mặc dù đã trừ khử được Bin Laden nhưng al-Qaeda vẫn tồn tại và có dấu hiệu trỗi dậy, đặc biệt kể từ khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị suy yếu. Hiện al-Qaeda đang mở rộng từ Afghanistan tới Bắc Phi, Đông Phi, vùng Sahel, vùng Vịnh, Trung Đông và Trung Á. Ở những nơi này, al-Qaeda đã tạo dựng được ảnh hưởng mới. 

Nhiệm vụ khó khăn

Dù luôn được đánh giá là một hệ thống được tổ chức bài bản, có nguồn kinh phí khổng lồ và đã thành công trong rất nhiều chiến dịch, nhưng tình báo Mỹ và phương Tây phải đau đầu trong việc tìm cách thâm nhập mạng lưới của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Theo giới phân tích, có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Trước hết, chiến binh của al-Qaeda là các tín đồ Hồi giáo cực đoan, họ có niềm tin gần như là tuyệt đối với tôn giáo của mình, khiến cho mọi biện pháp mua chuộc, cưỡng ép của tình báo Mỹ và phương Tây đều không phát huy hiệu quả, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng. 

Thêm nữa, cách thức tổ chức khủng bố của al-Qaeda khá chặt chẽ, kỷ luật hà khắc, luôn nêu cao yếu tố bí mật, cảnh giác cao độ. Sau sự kiện 11-9, nhiều cơ quan tình báo nước ngoài, nhất là Mỹ và phương Tây, đã tuyển chọn được một số điệp viên nằm vùng, giúp kịp thời ngăn chặn một số âm mưu khủng bố ở Mỹ, Anh, Đan Mạch... Tuy nhiên, cơ quan đầu não của al-Qaeda được cho là đặt tại Pakistan thì gần như  “miễn nhiễm”, một phần chính là do al-Qaeda thắt chặt được bộ máy bảo vệ an ninh nội bộ. 

Trang Russian7 cho biết, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây, CIA đã có những thành công nhất định trong việc cài cắm điệp viên nội gián vào cơ quan tình báo các nước Đông Âu, Liên Xô (trước đây). Mục đích là thuyết phục cán bộ các nước phản bội tổ quốc, cũng như mua chuộc các lực lượng du kích ở Afghanistan bằng những vali đựng đầy tiền để xúi giục họ chống lại các lực lượng quân sự Liên Xô vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tại Iraq, CIA cũng sử dụng điệp viên để tiêu diệt một số thủ lĩnh của al-Qaeda. Thế nhưng, đối với các tổ chức đầu não của al-Qaeda tại Pakistan và Afghanistan, cách mua chuộc này dường như vô ích. 

Một trong những lý do khác khiến tình báo nước ngoài khó thâm nhập mạng lưới al-Qaeda là không dễ để tuyển chọn điệp viên sử dụng thành thạo tiếng Arab. Từ năm 1992 đến 2004, lãnh đạo tình báo Mỹ và phương Tây đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo Ai Cập và Jordan, song cũng khó tuyển điệp viên có khả năng thâm nhập mạng lưới al-Qaeda. Mặt khác, thay vì ưu tiên sử dụng con người, các tổ chức tình báo nước ngoài lại rất coi trọng tình báo kỹ thuật và dùng vệ tinh gián điệp. Vì thế, việc cài cắm nội bộ dường như đã không được quan tâm đúng mực. 

Theo giới quan sát, các cơ quan tình báo nước ngoài, cơ quan chống khủng bố quốc tế đang phải đối mặt một tổ chức khủng bố có kỷ luật vô cùng hà khắc. Từ thực tế đó, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây phải đề ra các tiêu chuẩn rất cao trong việc tuyển chọn điệp viên. Các ứng viên phải là người giỏi tiếng Arab, hiểu biết sâu sắc về đạo Hồi và có khả năng ứng biến nhanh chóng với mọi tình huống. Hơn thế, những người này phải tìm được cho mình một mạng lưới ủng hộ mạnh mẽ, duy trì trong nhiều năm để có thể vươn lên những vị trí cao của al-Qaeda; họ phải biết cách xử trí những tình huống bất khả kháng mà al-Qaeda ra lệnh, như tổ chức một cuộc tiến công liều chết hoặc ám sát người khác. 

Dù khó tiếp cận, khó thâm nhập mạng lưới khủng bố của al-Qaeda, song điều này không có nghĩa là bất khả thi. Các cơ quan tình báo Mỹ, phương Tây và tổ chức chống khủng bố quốc tế vẫn hy vọng sẽ thành công trong việc cài điệp viên vào al-Qaeda, bởi mạng lưới này bắt đầu có sự rệu rã trong tổ chức vì thời gian qua bị tiến công mạnh mẽ. Một lỗ hổng mà cơ quan tình báo nước ngoài có thể khai thác đó là al-Qaeda đang tuyển mộ ồ ạt thành viên mới để bổ sung lực lượng.

Trong cuốn hồi ký “Bên trong Jihah” xuất bản năm 2006, một điệp viên gốc Morocco làm việc cho cơ quan tình báo Pháp đã kể lại hành trình thâm nhập thành công vào al-Qaeda, tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với các nhân vật cấp cao của tổ chức khủng bố này. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, điệp viên có bí danh Oma Nasiri chia sẻ rằng, lọt vào mạng lưới al-Qaeda ở Nam Á là một điều hết sức khó khăn, song không phải là không thể. “Tôi luôn phải ở trong những bài kiểm tra khắc nghiệt và để trả lời cho mỗi câu hỏi trong bài kiểm tra ấy, tôi đều phải thể hiện được sự toàn tâm toàn ý phục vụ lý tưởng Hồi giáo của mình. Nếu ai đó làm tất cả những điều này để hòa nhập được với họ, thì sớm hay muộn sẽ được họ tin tưởng để giao nhiệm vụ”, điệp viên này chia sẻ.

Từ những chia sẻ đó, giới phân tích nhận định vẫn có cách để tình báo Mỹ và phương Tây thâm nhập, cài cắm người vào mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Hiện trùm khủng bố và nhiều nhân vật cấp cao của al-Qaeda đã bị tiêu diệt, địa bàn của chúng cũng dần bị thu hẹp, nhưng nguy cơ tổ chức này thực hiện những vụ tiến công trả thù vẫn còn. Ngoài al-Qaeda, còn các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan khác cũng đang đe dọa hòa bình thế giới. Vì thế, nghiên cứu biện pháp mới, tinh vi và hiệu quả hơn, qua đó thâm nhập thành công vào tổ chức khủng bố, ngăn chặn và vô hiệu hóa từ xa các âm mưu tiến công vẫn là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.