Sứ mệnh truyền cảm hứng

Tại căn cứ Bentiu ở Nam Sudan, nơi Bệnh viện dã chiến cấp hai số 1 của Việt Nam đóng quân, đường băng sân bay chỉ là những con đường đất. Đó thực chất chỉ là một bãi phẳng dùng để đáp trực thăng mà chưa có một đường băng dài như ở các sân bay khác. Mỗi khi có máy bay đến, người dân lại tràn ra hai bên đường để chào đón.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến số hai tập huấn với các chuyên gia quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến số hai tập huấn với các chuyên gia quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỳ 2: Những món quà trong hành trang người lính

(Tiếp theo và hết)

Thần tượng của trẻ em gái

Căn cứ Bentiu là nơi Trung úy Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục GGHB Việt Nam đóng quân khi tham gia lực lượng mũ nồi xanh tại Phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan từ tháng 10-2018 cho đến cuối tháng 11-2019. Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, có rất nhiều kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời quân ngũ của nữ quân nhân trẻ tuổi. Cô là một trong 10 “bóng hồng” của Bệnh viện dã chiến cấp hai của Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan. Bệnh viện có nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên của LHQ và lực lượng an ninh, bao gồm cả quân đội, nhân viên cảnh sát và dân sự. 

Trung úy Minh Ngọc nhớ lại: “Khi chúng tôi đặt chân tới Bentiu, cảm nhận đầu tiên là sự tiếp đón hết sức nồng nhiệt của không chỉ chỉ huy, đồng đội trong căn cứ mà cả người dân trong khu vực chúng tôi đóng quân. Tôi vẫn nhớ lúc hành quân đến địa điểm tổ chức một buổi lễ kỷ niệm của LHQ, đoàn hành quân có mang theo lá cờ Tổ quốc. Khi người dân nhìn thấy lá cờ Việt Nam, rất nhiều em nhỏ đã chạy đến chạm tay vào lá cờ và hô vang “Việt Nam”. Tôi nghĩ đó là sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm ấm áp của người dân không chỉ dành cho lực lượng GGHB mà còn dành cho quân đội nhân dân Việt Nam và cho cả những người dân Việt Nam nói chung”. 

Trước khi lên đường sang Nam Sudan, là một người yêu thích hội họa nên Ngọc đã chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng các em nhỏ ở địa bàn đóng quân. Đó là những quyển sách tô mầu, giấy vẽ và mầu vẽ. Khi có cơ hội tham gia chương trình điều phối quân sự - dân sự của phái bộ, cô cùng các đồng nghiệp đã trao những món quà đến nhiều em nhỏ ở các khu vực bảo vệ thường dân. Nhiều em đã vẽ những bức tranh sống động bằng mầu vẽ và đem tặng lại các cô gái đội mũ nồi xanh. Trong một lần tham gia hoạt động hợp tác quân sự - dân sự, một em nhỏ địa phương đến chỉ vào chiếc mũ nồi xanh của Ngọc và nói: “Em muốn được như chị”. Câu nói ấy đã trở thành động lực giúp cô và các nữ đồng nghiệp có thêm ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. 

Ngọc tâm sự: “Có lẽ tôi là một người rất may mắn vì nhận được sự ủng hộ của gia đình, kể cả bên nhà chồng khi nhận nhiệm vụ công tác. Sự hỗ trợ của các đồng đội cũng là một trong các nguồn động lực để chúng tôi ở bên đó có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Sứ mệnh truyền cảm hứng -0
Trung úy Sa Minh Ngọc và các đồng nghiệp quốc tế. Ảnh nhân vật cung cấp 

Tiếp nối sứ mệnh truyền cảm hứng

Trở về nước, Trung úy Sa Minh Ngọc đã được mời làm diễn giả trong nhiều hội thảo lớn về vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong nhiều vấn đề. Cô cũng là một trong các diễn giả tại phiên toàn thể bàn về tương lai của phụ nữ với hoạt động GGHB, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh, được tổ chức từ ngày 7 đến 9-12 vừa qua. Tại đây, nhiều gương mặt nữ quân nhân tiêu biểu thuộc lực lượng GGHB của LHQ đã tham gia đề xuất đóng góp ý kiến. Trong đó có Thiếu tướng Na Uy Kristin Lund, người có nhiều thành tích nổi bật trong lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động GGHB của LHQ. Năm 2014, bà được bổ nhiệm là nữ Tổng Tư lệnh đầu tiên của Phái bộ GGHB của LHQ, chỉ huy 1.000 binh sĩ ở Cyprus. Theo Thiếu tướng Kristin Lund, sự hiện diện của phụ nữ trong các phái bộ GGHB góp phần khiến hoạt động tương tác của lực lượng GGHB  đa dạng và toàn diện hơn.

Trung úy Sa Minh Ngọc cũng đã nói lên suy nghĩ của mình: “Nam hay nữ không khác biệt mà mọi quyết định đều dựa vào năng lực. Tôi muốn dùng câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác, để họ trở nên tự tin và không ngừng nỗ lực”. Trung tá Nga và Trung tá Liên dù không phải phận sự của mình nhưng đã đến những khu vực nghèo khó xa xôi ở Nam Sudan dạy người dân trồng rau hay may khẩu trang… Trong khi đó, lực lượng nữ quân nhân GGHB của Bangladesh ở Nam Sudan đã tổ chức mang sách đến cho trẻ em địa phương, hay một nữ chiến sĩ khác đã tổ chức tập huấn về phòng tránh bạo lực gia đình cho trẻ em gái ở Nam Sudan... 

Đó là những thí dụ tiêu biểu cho thấy những người phụ nữ trong lực lượng mũ nồi xanh đã làm nhiều hơn phận sự để củng cố sự gắn kết của họ với sự phát triển của địa phương, là nguồn cảm hứng để lực lượng phái bộ GGHB ra khỏi cơ sở hòa nhập với người dân địa phương. “Vai trò của họ không chỉ được đánh giá bằng số lượng mà còn là chất lượng công việc họ mang tới cho địa bàn công tác, dù công việc đó là làm ngoài phận sự của mình”, bà Asako Osai, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh. 

Năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử sĩ quan quân đội tham gia hoạt động GGHB của LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi, những quốc gia vẫn xảy ra nội chiến. Tháng 1-2018, Việt Nam đã triển khai nữ quân nhân tới phái bộ GGHB theo đúng những cam kết đã đưa ra. Hiện nay, Việt Nam có 10 nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến cấp hai. Tính trung bình, tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động GGHB của Việt Nam luôn ở mức khoảng 16%.

Tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định: “Vượt lên tất cả khó khăn trong môi trường khốc liệt, cả về sinh hoạt lẫn an ninh, an toàn, bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình thì các nữ sĩ quan đã chủ động đề xuất phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi về nhiều hoạt động tự nguyện giúp đỡ người dân nước sở tại, như dạy học miễn phí cho trẻ em vô gia cư, quyên góp quà tặng người dân nghèo và hướng dẫn dân làng làm nông nghiệp”. Khi có nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ, việc xây dựng và GGHB cũng đạt hiệu quả hơn. Những nữ sĩ quan giúp xây dựng lòng tin với các cộng đồng địa phương, từ đó giúp ngăn ngừa và giảm thiểu xung đột, đối đầu. Điều quan trọng nhất là họ truyền cảm hứng, khuyến khích, tạo ra những hình mẫu cho phụ nữ và trẻ em gái để trở thành một phần ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình. 

Sự tham gia của Việt Nam trong lực lượng GGHB đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Không chỉ vậy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận vai trò không thể thay thế của các nữ quân nhân mũ nồi xanh: “Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà họ còn tạo ra không khí, truyền cảm hứng, truyền tải giá trị Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chúng tôi mong muốn nữ sĩ quan Việt Nam nói riêng và nữ sĩ quan GGHB nói chung cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa”. 

Nếu coi những thử thách trong cuộc sống tôi luyện nên ý chí người chiến sĩ, thì những nữ sĩ quan của lực lượng GGHB có lẽ đã được tôi thành thép chứ không chỉ là “bóng hồng” trong quân ngũ. Rắn rỏi và bản lĩnh trên địa bàn công tác, song họ vẫn có một trái tim ấm áp, làm cầu nối với các cộng đồng địa phương và trở thành hình mẫu cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái noi theo trong cuộc sống.