Phong trào Antifa tại Mỹ

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, tuyên bố Mỹ sẽ chính thức đưa “Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ sau vụ cảnh sát TP Minneapolis (bang Minnesota), gây ra cái chết của người đàn ông da mầu George Floyd. Đến nay, làn sóng bạo lực ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giữa lúc nước Mỹ đang phải gồng mình chống dịch và cuộc bầu cử tổng thống đã đến gần, thì đây là một rắc rối lớn đối với ông Trump.

Một cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc của phong trào Antifa tại Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Một cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc của phong trào Antifa tại Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

“Đội quân” cực tả

Theo trang Warontherocks, khái niệm “Antifa” (viết tắt của cụm từ Anti-Fascist, “chống phát-xít”) lần đầu xuất hiện vào năm 1946, mượn từ tiếng Đức thể hiện sự đối lập với “chủ nghĩa quốc xã” (Nazism). Antifa tập hợp những người có quan điểm chính trị cực tả, đa số chuộng sử dụng chiến thuật bạo động và cực đoan để truyền tải thông điệp của mình.

Antifa không có thủ lĩnh và nổi lên trong các năm gần đây nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc (racism). Phong trào này xuất hiện từ các năm 80 của thế kỷ trước, khi một nhóm có tên gọi “Hành động chống phân biệt chủng tộc” đối đầu những kẻ theo chủ nghĩa phát-xít ở miền trung nước Mỹ. Sau này, bên cạnh mục tiêu chống chủ nghĩa phát-xít, Antifa còn hoạt động với quan điểm phản đối tầng lớp “da trắng thượng đẳng”, những người chuyên quyền, kỳ thị người đồng tính (LGBT), phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phản đối việc tích lũy của cải của các tập đoàn và giới thượng lưu. 

Phong trào Antifa không có mối liên hệ với các tổ chức cánh tả khác. Đôi khi thành viên của Antifa vẫn làm việc cùng mạng lưới nhà hoạt động địa phương trong các vấn đề có chung sự quan tâm, như phong trào Occupy chống bất bình đẳng giàu nghèo, Black Lives Matter đòi quyền cho người da mầu. Một trong những nhóm đầu tiên sử dụng tên phong trào là Rose City Antifa, theo mô tả là được thành lập năm 2007 ở Portland (bang Oregon). Tài khoản trên mạng xã hội của nhóm thu hút đông đảo người theo dõi. Họ chủ yếu chia sẻ tin tức và đôi khi tiết lộ danh tính cùng thông tin cá nhân của những nhân vật cánh hữu.

Theo các nhà quan sát, Antifa phần lớn đã “giấu mình chờ thời” cho tới khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016. Tháng 1-2017, các thành viên thuộc phong trào Antifa tổ chức cuộc tuần hành phản đối lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Cũng năm đó, họ đụng độ với nhóm người tuần hành theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville (bang Virginia). Trả lời hãng tin BBC, đại diện giấu tên của Antifa tại bang Oregon cho biết, họ đang gây dựng phong trào thật sự tách biệt khỏi các chính sách của Tổng thống Mỹ.

Chiến thuật của phong trào Antifa  gồm hô hào đồng thanh, dựng “hàng rào sống” cũng như đẩy mạnh tuyên truyền... Cũng có lúc, các nhà hoạt động của Antifa công bố các thông tin cá nhân của đối thủ lên internet. Hành vi này còn được biết đến với tên gọi “doxxing” (đánh cắp thông tin). Trong các cuộc tuần hành và biểu tình, những nhóm Antifa cực đoan nhất sẽ cầm gạch, dây xích, bình xịt hơi cay và thậm chí hung khí. Họ cho rằng mình chỉ dùng vũ lực như một cách để tự vệ. Những người ủng hộ Antifa thường mặc đồ mầu đen và thỉnh thoảng bịt mặt bằng khẩu trang hoặc đội mũ bảo hiểm để tránh bị cảnh sát hoặc đối thủ nhận diện. Phong trào này thu hút sự tham gia của nhóm phụ nữ tin rằng chính quyền Mỹ đương nhiệm có quan điểm chống nữ quyền, dẫn chứng bằng những chính sách về quyền phá thai, chăm sóc sức khỏe và nhập cư.

Đối mặt sự chỉ trích

Phong trào Antifa tại Mỹ hiện chịu sự chỉ trích từ cả cánh tả và cánh hữu. Sau vụ biểu tình đầy tai tiếng của họ ở Berkeley (bang California) vào tháng 8-2017, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của người tự gọi mình là “Antifa”, cho rằng cần phải bắt giam các đối tượng này. Trong khi đó, phe bảo thủ cũng thường có tiếng nói phản đối Antifa, với lý do phong trào này đang tìm cách bóp nghẹt quyền bày tỏ các quan điểm bảo thủ. GS ngành Sử học tại Đại học New York (Mỹ), ông Ruth Ben-Ghiat cảnh báo, phương pháp hoạt động của phong trào Antifa có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình chính trị nội bộ Mỹ ngày càng rối ren, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái tranh cử của Tổng thống Trump.

Theo CNN, ngày 31-5-2020, Tổng thống Donald Trump đã đăng trên tài khoản Twitter cá nhân đòi gắn mác “khủng bố” đối với Antifa - tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ mang khuynh hướng chính trị thiên tả hoặc cực tả vì liên quan làn sóng biểu tình bạo lực những ngày qua tại “xứ cờ hoa”. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lập tức lên tiếng phản đối, vì chính phủ không thể vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp (được thông qua năm 1791), vốn để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Luật pháp Mỹ chỉ cho phép gắn mác “khủng bố” lên các tổ chức nước ngoài do thành viên tham gia các tổ chức đó không được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ.

“Ông chủ” Nhà trắng muốn xử lý mạnh tay phong trào Antifa ngay sau khi ông và Bộ trưởng Tư pháp William Barr cáo buộc các nhóm cực tả này đã “châm ngòi bạo lực”, yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt các vụ biểu tình bạo lực thời gian gần đây (cướp bóc, đốt, đập phá...) trên khắp nước Mỹ. Giới chức Mỹ cho biết họ đã để ý đến sự xuất hiện của các nhóm từ bên ngoài, không phải dân địa phương, trong các đợt biểu tình hợp pháp ở Minneapolis và nhiều nơi khác. Những kẻ này đứng sau nhiều vụ đốt phá tài sản và bạo lực. Hiện, một số nhóm cực hữu cũng đã tham gia bạo động, mặc dù sự hiện diện chưa nhiều bằng nhóm cực tả.

Sau vụ việc người đàn ông da mầu George Floyd - 46 tuổi, bị cảnh sát ghì cổ tới chết tại thành phố Minneapolis, theo thống kê, các cuộc biểu tình tại Mỹ đã lan rộng ra ít nhất 70 thành phố. Từ New York, Houston, Atlanta đến Thủ đô Washington D.C, người biểu tình đã tuần hành bày tỏ sự phẫn nộ về nạn phân biệt chủng tộc. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi người biểu tình chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng súng hơi cay và đạn cao-su để lập lại trật tự. Để bảo vệ an toàn cho người dân, chính quyền của 30 thành phố đã ban “lệnh giới nghiêm” và hơn chục bang khác phải huy động Lực lượng Vệ binh quốc gia hỗ trợ.

Theo The New York Times, Antifa hoạt động theo tư tưởng thiên tả, nhưng không giống với các giá trị thiên tả của đảng Dân chủ Mỹ. Quan điểm của Antifa khó định nghĩa chính xác bởi nhiều thành viên của phong trào ủng hộ tầng lớp dân chúng bị áp bức, phản đối các tập đoàn, tầng lớp tinh hoa vơ vét của cải trong xã hội; trong khi một số khác áp dụng chiến thuật quá khích để phát đi thông điệp. Các nhóm tự nhận là Antifa thường là “vô định hình”, không có cấu trúc chỉ huy chính, không có trụ sở cụ thể, mà chỉ có một số nhóm hoạt động được tổ chức bài bản. Cũng vì đặc điểm này mà chính quyền Mỹ gặp khó khăn khi xử lý nạn bạo lực của các nhóm Antifa. Những người ủng hộ phong trào đã xuất hiện ở một số cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ trong vài năm gần đây.