Nước Nga và ba lần giữa vòng vây

Nước Nga đã ba lần giữa vòng vây của các nước thù địch. Nhưng cả ba lần đó, nước Nga đều giành chiến thắng. Trải qua chiều dài lịch sử, bằng ý chí và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của những con người yêu nước, nước Nga đã đứng vững và chiến thắng trước những cuộc xâm lăng.

Lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay trên tòa nhà Quốc hội Đức Quốc xã ngày 30-4-1945. Ảnh tư liệu
Lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay trên tòa nhà Quốc hội Đức Quốc xã ngày 30-4-1945. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến với nước Pháp và chư hầu

Trước khi dẫn quân xâm lược nước Nga Sa hoàng vào năm 1812, vua nước Pháp Napoléon đã chinh phục Italia, đồng thời đánh bại năm cuộc tiến công của liên minh chống Pháp do Anh dẫn đầu. Napoléon lúc này “bất khả chiến bại” và dường như là “bá chủ” châu Âu. Để có thể tập trung tiêu diệt “kẻ thù truyền kiếp” của nước Pháp là nước Anh, Napoléon cho rằng cần đánh bại nước Nga Sa hoàng trước, bởi đây là đồng minh quan trọng của Anh và lại là “mũi dao đâm sau lưng” cực kỳ khó chịu của nước Pháp.

Bởi vậy, ngày 23-6-1812, Napoléon đã đưa hơn 650.000 quân Pháp và chư hầu cùng 250.000 kỵ binh, cơ động pháo binh tiến đánh nước Nga Sa hoàng. Quân Pháp tiến công như thác lũ, quân Nga liên tục thất bại.

Tới ngày 7-9-1812, tại trận Borodino (cách Moscow 124 km về phía tây), Tư lệnh quân đội Nga là Kutuzov đã chỉ huy 120.000 quân để đối đầu với quân Pháp. Sau trận chiến này, quân Nga thương vong rất nhiều, tổn hại khoảng 40.000 lính. Để bảo toàn lực lượng, Kutuzov buộc phải rút quân. Ngày 14-9, cư dân cùng quân đội rút lui khỏi Moscow. Sáng 15-9, Napoléon tiến vào Moscow trong tâm thế người chiến thắng. Tuy nhiên, thành phố trống trơn. Và Napoléon tin rằng Sa hoàng Aleksandr I sẽ chịu thương thuyết, nhưng điều đó đã không diễn ra.

Đêm 16-9, khi Napoléon đang nghỉ ngơi trong Điện Kremlin thì nhận được tin Moscow bốc cháy. Binh lính Pháp đành đứng nhìn toàn bộ vũ khí, đạn dược, lương thực của mình bị thiêu rụi. Và đến mùa đông khắc nghiệt của nước Nga, hậu cần ít ỏi cùng việc bị quân Nga phục kích đã khiến đoàn quân của Napoléon liên tiếp thất bại. Sau thất bại ở Berezina khi vượt sông để rút lui vào tháng 11, đạo quân xâm lược Pháp đã không còn sức để đương đầu với người Nga. Ngày 8-12, Napoléon và thân cận lặng lẽ trở về Paris để chống đảo chính và phó mặc số phận đội quân này. Đến ngày 29-12, đạo quân chỉ còn khoảng 90.000 người và phải rút lui về Đại công quốc Warsawa, một chư hầu của nước Pháp lúc đó.

Giữa vòng vây của 14 nước tư bản

Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười (24-10-1917), vào ngày 14-11, V.I.Lenin đã ký vào bản “Điều lệ về chế độ kiểm soát của công nhân”. Theo đó, công nhân được quyền kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất trên mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp đến giao thông vận tải và xí nghiệp hợp tác. Tới đầu tháng 9-1918, đã có hơn 3.000 xí nghiệp công nghiệp được quốc hữu hóa. Bởi vậy, cuối tháng 11-1917, các nước phương Tây đã họp tại Paris (Pháp) và quyết định trực tiếp can thiệp và hỗ trợ lực lượng phản cách mạng tiêu diệt nước Nga Xô-viết. Đến mùa hè năm 1918, nước Nga Xô-viết ở trong tình huống cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Khoảng 140.000 quân của 11 nước đế quốc và chư hầu (sau tăng lên tới 300.000 người) hậu thuẫn cho một triệu quân phản cách mạng đã chiếm được khoảng ba phần tư lãnh thổ của đất nước Xô-viết.

Để nâng cao lực lượng cách mạng chống thù trong giặc ngoài, V.I.Lenin đã thực hiện một loạt biện pháp. Đầu tiên là công tác làm trong sạch Đảng. Tại Đại hội lần thứ VII (1918), Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga. V.I.Lenin cho rằng: “Cần phải loại ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản quan liêu, không trung thực, nhu nhược, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là Menshevik”(¹). Menshevik là những người cho rằng giai cấp tư sản sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc cách mạng ở Nga, giai cấp vô sản chỉ là trợ thủ của giai cấp tư sản, còn giai cấp nông dân không có vai trò gì trong cuộc cách mạng. V.I.Lenin phản đối quan điểm này. Những người ủng hộ V.I.Lenin được gọi là những người Bolshevik. Việc làm này đã nâng cao sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik).

Ngày 15-1-1918, Hội đồng Dân ủy do V.I.Lenin đứng đầu đã thông qua Sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công nông - một quân đội chính quy kiểu mới đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới. V.I.Lenin cũng ký ban hành hai sắc lệnh: Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất. Những sắc lệnh trên xác định sự cần thiết phải bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền Xô-viết non trẻ, bảo vệ chủ nghĩa xã hội để chống lại mọi âm mưu, hành động can thiệp, xâm lược, lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch. Vào tháng 3-1919, tại Moscow, V.I.Lenin gặp gỡ các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa từ khắp nơi trên thế giới và lập ra Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản ngay lập tức kêu gọi nhân dân lao động khắp thế giới đứng lên bảo vệ nước Nga Xô-viết.

Năm 1919 được đánh giá là một bước ngoặt lớn của nước Nga Xô-viết trong cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài. Các lực lượng căn bản của quân Bạch vệ (lực lượng chống lại những người Bolshevik và Hồng quân sau Cách mạng Tháng Mười) bị đánh tan và Hồng quân giành lại được những vùng đất quan trọng. Các nước đế quốc đành phải rút quân. Đến hết năm 1920, nước Nga Xô-viết hoàn toàn chiến thắng thù trong giặc ngoài.

Cuộc đối đầu với phe phát-xít

Giữa thập niên 1930, các nước phát-xít Đức, Italia và Nhật đã liên kết lại để tiêu diệt Liên Xô, đồng thời âm mưu đòi phân chia lại thế giới. Sau khi chiếm gần trọn châu Âu, ngày 22-6-1941, phát-xít Đức và đồng minh tiến công Liên Xô.

Phe phát-xít nhanh chóng chiếm được nhiều vùng và tiến nhanh đến Thủ đô Moscow. Mặt trận Xô - Đức khi đó tập trung đến 80% quân số của phát-xít Đức và đồng minh. Đầu năm 1942, sau khi không chiếm được Thủ đô Moscow và bị thiệt hại nặng nề, Hitler bỏ kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” và chuyển hướng tiến công về phía nam. Hitler mong muốn chiếm được Stalingrad (nay là Volgograd) để đánh gục Liên Xô về mặt tinh thần. Ngày 13-9-1942, Hồng quân Liên Xô có lúc chỉ còn giữ được một khu đất rộng 700 m² trong thành phố. “Không lùi một bước. Đối với chúng ta, phía sau sông Volga không còn đất nữa”, đó là lời kêu gọi của lãnh tụ tối cao Stalin. Liên Xô sau đó huy động tất cả để giữ vững Stalingrad.

Đến đầu tháng 11-1942, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô quyết định phản công. Mùa đông khắc nghiệt của nước Nga đã đến, quân phát-xít Đức và đồng minh đã sa lầy như trận đánh bảo vệ Moscow năm 1941. Trong cuốn hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ”, Nguyên soái Zhukov viết: “Đầu tháng 11-1942, phát-xít Đức có trên mặt trận Xô - Đức 266 sư đoàn, tức gần 6,2 triệu quân, với hơn 70.000 khẩu pháo và cối, 6.600 xe tăng và pháo tiến công, 3.500 máy bay chiến đấu, 194 tàu chiến. Cũng ở thời điểm ấy, bộ đội tác chiến của Liên Xô có 6,1 triệu người với 72.500 pháo và cối, 6.014 xe tăng và pháo tự hành, 3.088 máy bay chiến đấu. Trong đó, đội dự bị chiến lược của Đại bản doanh có 25 sư đoàn bộ binh, 12 quân đoàn xe tăng và cơ giới, bảy lữ đoàn bộ binh độc lập và xe tăng. Như vậy, đến những ngày kết thúc thời kỳ đầu của chiến tranh, tương quan lực lượng đã bắt đầu thay đổi có lợi cho Liên Xô”.

Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về Hồng quân Liên Xô. Ngày 3-2-1943, Bộ Tổng tham mưu Đức ra một bản tin đặc biệt: “Trận đánh Stalingrad đã kết thúc”. Hitler chấp nhận thất bại và tuyên bố “quốc tang” bốn ngày. Với thắng lợi này, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt gần một phần tư quân số phát-xít Đức và đồng minh trên toàn chiến trường Xô - Đức. Trong hồi ký “Sự nghiệp và cuộc đời”, Nguyên soái Vasilevsky nhận định: “Trận chiến bảo vệ Stalingrad đánh dấu bước ngoặt căn bản trong chiến tranh giữ nước vĩ đại và cuộc chiến tranh thế giới nói chung”. Sau trận Stalingrad, Hồng quân Liên Xô đã chủ động tiến công quân phát-xít, quét chúng ra khỏi lãnh thổ và truy kích tận sào huyệt. Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã phấp phới bay trên tòa nhà Quốc hội Đức Quốc xã. Ngày 9-5-1945, nước Đức đầu hàng không điều kiện phe Đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp).

1- V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.154.