Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Sau khi hoành hành tại nhiều nước châu Phi và châu Âu, virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại châu Á, cụ thể là tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan và mới đây là Việt Nam. Hiện nay ASF vẫn là căn bệnh lây lan ở lợn chưa có thuốc chữa, bởi vậy việc dập dịch, ngăn chặn ổ dịch lan rộng là yêu cầu cấp bách, không để gây thiệt hại to lớn tới ngành chăn nuôi và xuất khẩu thực phẩm.

Một trạm kiểm dịch ASF tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
Một trạm kiểm dịch ASF tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG

Bùng phát trên toàn cầu

Virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASFV) là tác nhân dẫn tới ASF. Virus này gây bệnh xuất huyết rất dễ lây lan, có tỷ lệ tử vong cao ở lợn, bao gồm một loạt dấu hiệu và tổn thương lâm sàng ở vật nuôi như nhiệt độ cơ thể tăng cao, lợn bỏ ăn, nôn mửa hoặc đổi mầu da ở tai, bụng dưới và các chi, sau đó gây chết từ từ thay vì đồng loạt như một số bệnh lây qua đường hô hấp. Ban đầu, ASFV lây nhiễm sang lợn nhà sau khi chúng tiếp xúc với lợn rừng mang trên mình loài ve Ornithodoros, được xem là vật trung gian truyền bệnh ASF. Ngoài ra, ASF cũng có cơ chế lây lan giữa lợn qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Hiện nay, tỷ lệ tử vong của lợn mắc ASF lên tới 100% vì chưa có thuốc chữa.

Năm 1921, lần đầu ASF xuất hiện tại Kenya và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh phổ biến tại nhiều nước châu Phi. Tới năm 1957, ASF được phát hiện tại châu Âu, cụ thể là qua đường hàng không tại Thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha). Mặc dù đã được ngăn chặn, song khi ASF bùng phát đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn ở nhiều nước châu Âu tới tận năm 1990. Trước đó, sự xuất hiện của ASF cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nước vùng Caribbe, Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil trong giai đoạn 1978-1979.

Tháng 6-2007, ASF bùng phát trở lại ở Gruzia, thuộc khu vực Kavkaz. Phân tích di truyền cho thấy dịch tả lợn tại Gruzia có liên quan chặt chẽ với ASFV từng hoành hành ở Mozambique, Madagascar và Zambia. Do đó, có khả năng lợn mắc ASFV đã thâm nhập nước này qua vận chuyển bằng tàu biển từ các nước đông nam châu Phi kể trên. Chỉ trong vòng một tháng, ổ dịch đã lan đến 56/61 khu vực ở Gruzia và bùng phát ở các khu vực lân cận. Từ năm 2009 đến năm 2013, virus này tiếp tục lây lan trong Liên bang Nga. Không dừng lại ở đó, dịch ASF tiếp tục bùng phát ở cả Ukraine, Belarus, gây thiệt hại nghiêm trọng tới lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Đông Âu.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo ASF với tổng cộng hơn 1,08 triệu lợn bệnh buộc phải tiêu hủy. Mới đây, năm 2018 ASF đã xuất hiện lần đầu ở châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Từ ngày 3-8-2018 đến ngày 3-3-2019, theo OIE và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO), Trung Quốc có tổng cộng 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh và nước này đã phải tiêu hủy hơn 950.000 con lợn các loại.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Việt Nam huy động tổng lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Các biện pháp phòng ngừa và dập dịch

Mặc dù FAO khẳng định ASF không giống cúm lợn, không lây truyền và gây bệnh cho người, nhưng với tỷ lệ tử vong của lợn mắc bệnh là 100%, việc bùng phát ASF sẽ gây biến động lớn về nguồn cung và giá cả, gây thiệt hại nặng nề đối với người nông dân, khiến người tiêu dùng hoang mang, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị ASF, và hầu hết nỗ lực để tìm ra một loại vaccine ngăn ngừa ASF vẫn chưa thành công. Những biện pháp phòng ngừa phụ thuộc chủ yếu vào việc bảo đảm cả lợn sống và các sản phẩm thịt lợn không tiếp xúc các khu vực lây nhiễm ASF. Tất cả các chương trình dập dịch ASF thành công trên thế giới đều liên quan quy trình chẩn đoán nhanh và xử lý tất cả động vật nghi nhiễm ASF ngay tại ổ dịch. Các biện pháp vệ sinh cũng phải được áp dụng, bao gồm kiểm soát quá trình vận chuyển, xử lý chất thải thực phẩm. Sau đó, tiến hành cuộc kiểm tra thú y đối với tất cả các trang trại lợn trong khu vực, nhằm bảo đảm tất cả các con lợn bị nhiễm bệnh đã được xác định và tiêu hủy.

Tại một số nước châu Âu, như Đan Mạch, nước có kim ngạch xuất khẩu thịt lợn lên tới 2,4 tỷ USD, việc ngăn chặn ASF từ xa luôn là biện pháp ưu tiên được cả chính phủ và người dân quan tâm. Một hàng rào dài 70 km đang được xây dựng từ bờ biển Đan Mạch, chạy dọc biên giới với Đức nhằm ngăn chặn lợn rừng và các tác nhân lây lan ASF. Ông Jens Monk Ebbesen, thành viên Hội đồng Nông nghiệp & Thực phẩm Đan Mạch cho biết: “Dự án này có chi phí lên tới 15,7 triệu USD, người dân Đan Mạch tham gia đóng góp 6,3 triệu USD”.

Trong khi đó tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, chính phủ nước này đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của ASF dựa trên ứng dụng công nghệ cao và giảm dần mô hình chăn nuôi theo hộ cá thể nhỏ lẻ. Cụ thể, hai công ty công nghệ lớn của nước này là Alibaba và JD.com đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, giọng nói để theo dõi sức khỏe lợn trong chuồng và phát hiện nhanh chóng dấu hiệu lợn bệnh ở bất kỳ đâu. Ngoài ra, theo ông Simon Quilty, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp chế biến thịt: “Có tới 30% sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc do các hộ cá thể chăn nuôi cung cấp. Chính phủ đang tìm cách giảm dần mô hình này vì đó là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự lây lan ASF, do thói quen sử dụng chất thải và thực phẩm dư thừa - môi trường rất dễ lây lan virus, làm nguồn thức ăn chăn nuôi”.

Nhiều ổ dịch xảy ra tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc gần biên giới với Việt Nam. Do đó, hiện tại nước ta cũng nằm trong số các nước Đông - Nam Á đầu tiên đối mặt ASF và tình hình lây lan dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp. Trong vòng một tháng, 202 hộ ở bảy tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương báo cáo có dịch, 4.231 con lợn đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với ASF.

Sáng 4-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch ASF. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc và thông qua đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái. Bộ NN&PTNT kỳ vọng chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ khuyến khích người chăn nuôi và thương lái hợp tác, hỗ trợ các lực lượng chức năng ngăn chặn nguy cơ lan rộng của ASF, tránh gây thiệt hại không chỉ với ngành chăn nuôi mà cả nền kinh tế.