Nỗ lực lập lại hòa bình ở Syria

Sau 10 năm, cuộc nội chiến ở Syria đã khiến hai triệu người dân nước này chết và bị thương, hơn năm triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc xung đột không chỉ diễn ra giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà đã trở thành một “cuộc chiến ủy nhiệm”, với sự can dự của nhiều nước trong và ngoài khu vực.

 Cuộc xung đột ở Syria đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân nước này. Ảnh: NEWSWEEK
Cuộc xung đột ở Syria đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân nước này. Ảnh: NEWSWEEK

Hậu quả nặng nề

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, vốn bùng phát từ năm 2011 sau sự kiện “Mùa xuân Arab”, đã mau chóng chuyển thành xung đột vũ trang. Tình hình xấu đi nhanh chóng sau khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy và cướp đoạt đất đai, sát hại dân thường. Theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad, năm 2015 Nga đã tiến hành can thiệp quân sự vào Syria. Năm 2020, chiến dịch giải phóng thành phố Aleppo (thành trì cuối cùng của IS) giành thắng lợi, đẩy lùi các tay súng cực đoan khỏi khu vực. Tiếp đến là những chiến dịch lớn mà phần thắng nghiêng về quân đội Chính phủ Syria. Đóng góp lớn trong chiến thắng này phải kể đến hai đồng minh quan trọng của Syria là Nga và Iran, là các lực lượng trọng yếu giúp Syria giành chiến thắng trước những cuộc tiến công của IS và quân nổi dậy.

Thực trạng trên chiến trường dù có phần khả quan đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, song nước này vẫn phải đối mặt không ít thách thức. Theo đánh giá của chuyên gia Lina Khatib tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, thì chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang trong tình thế dễ bị tổn thương hơn bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc nội chiến. Bởi lẽ, ông al-Assad phụ thuộc khá nhiều sự hỗ trợ của Nga và Iran. Nguồn lực trong nước là không đủ để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, báo giới phương Tây nhiều lần tung tin cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Syria đang “rạn nứt”. Tháng 5 vừa qua, trang Newsweek của Mỹ đăng bài viết nhận định Tổng thống Nga V.Putin có thể đã “mệt mỏi” với những gì đang xảy ra tại Syria. Để ổn định tình hình ở quốc gia Trung Đông này, Nga phải tìm kiếm một thỏa thuận với phương Tây.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Iran, ông Levan Dzhagaryan nhanh chóng bác bỏ thông tin trên, khẳng định Moscow tiếp tục ủng hộ tiến trình chính trị tại Syria, ủng hộ chính phủ hợp pháp tại Syria và tương lai của Syria thuộc về người dân quốc gia Tây Á này.

Trên thực tế, Syria đang bị chia thành nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của nước ngoài, gồm Nga, Iran và phe bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ cùng phương Tây. Trong khi đó, theo AP, chính quyền của Tổng thống al-Assad hiện đối mặt nhiều khó khăn trước viễn cảnh hòa bình. Trước hết, cuộc tranh cãi giữa Tổng thống al-Assad và người em họ Rami Makhlouf là dấu hiệu cho thấy bất đồng ngày càng sâu sắc trong gia đình Tổng thống al-Assad, vốn đoàn kết từ trước đến nay và đặt trước nhiều biến cố. Theo tờ Al-Jazeera, Rami Makhlouf hiện là một trong các doanh nhân giàu có bậc nhất ở Syria. Tuy nhiên mới đây, sau nhiều tuần tranh cãi về các khoản tiền thuế quá hạn mà Tập đoàn viễn thông Syriatel do ông Makhlouf điều hành được yêu cầu phải thanh toán, Chính phủ Syria đã tịch thu tài sản của gia đình ông và cấm công ty của ông làm ăn với nhà nước trong vòng 5 năm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Syria có dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Ước tính sơ bộ, cuộc nội chiến ở Syria kéo dài trong một thập kỷ đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD (gấp gần năm lần GDP của nước này năm 2010). Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 45% nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa các cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Mức sống của 80% dân số Syria đã giảm xuống dưới mức nghèo khổ. Syria thiếu bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ thuật viên và đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn cao. Giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, như bánh mì, đường sữa,… đã tăng gấp đôi, khiến người dân đứng trước bờ vực nạn đói. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhằm gây sức ép buộc Tổng thống al-Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập cũng cản trở hoạt động đầu tư, tái thiết đất nước. Đáng chú ý, kể từ tháng 6-2020, các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, quy định trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trên thế giới hỗ trợ cho Chính phủ Syria.

Một khó khăn nữa cho chính quyền của Tổng thống al-Assad hiện nay là các chiến dịch tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10-2019, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch tiến công người Kurd ở Syria, sau đó tiến hành nhiều hoạt động quân sự tại tỉnh Idlib, phong tỏa đường cao tốc M4 (kết nối thành phố Serakib với Aleppo ở phía bắc Syria và Latakia ở phía tây bắc), khiến cục diện tại khu vực biến đổi phức tạp. Trước thực trạng trên, giới phân tích nhận định rằng tình hình Syria những năm qua biến đổi phức tạp, tác động trực tiếp toàn bộ bầu không khí vốn luôn căng thẳng tại khu vực Trung Đông, thậm chí lan ra thế giới. Tính chất phức tạp và các mặt ảnh hưởng của cuộc xung đột đã vượt mức dự báo ban đầu.

Cần giải pháp tổng thể

Trong một thập kỷ qua, nhiều vòng đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ) về vấn đề hòa bình ở Syria đã kết thúc mà không mang lại kết quả. Dư luận hy vọng việc Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cơ chế “Đối thoại Astana” (thiết lập từ năm 2017, diễn ra ở Kazakhstan) với mục đích làm công cụ thúc đẩy giải pháp chính trị mới cho vấn đề Syria, song song các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva. Theo thỏa thuận chung giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban Hiến pháp cho Syria được thành lập, là một bước quan trọng trong tiến trình hòa giải chính trị. Ngày 30-10-2019, sau nhiều nỗ lực, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria cuối cùng cũng được khai mạc tại Geneva.

Ủy ban Hiến pháp Syria đang được thúc đẩy trong khuôn khổ LHQ. Tháng 5-2020, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tiến hành phiên họp trực tuyến về tình hình Syria, kêu gọi tận dụng tình hình ổn định hiện nay để tạo đà cho tiến trình hòa giải chính trị tại quốc gia Trung Ðông này. Theo đó, LHQ hối thúc các bên liên quan duy trì an ninh ổn định, thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA. Các nước tham gia bày tỏ ủng hộ giải pháp chính trị, theo đó, các bên liên quan tiếp tục duy trì trao đổi ý kiến và hợp tác, sẵn sàng trở lại bàn đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp Syria.

Theo GS Dominique Moisi tại Trường cao đẳng King’s ở Thủ đô London (Anh), mọi giải pháp được thực hiện mà không màng đến khát vọng hòa bình của người dân Syria chỉ dẫn đến thất bại. Việc giải quyết cuộc xung đột Syria cần nằm trong giải pháp tổng thể cho khu vực Trung Đông và phải dựa trên việc xây dựng hệ thống chính quyền ở các nước trong khu vực, cũng như duy trì hiện trạng lãnh thổ hiện nay. Trước mắt, cộng đồng quốc tế cần tập trung cung cấp viện trợ cho người dân đang gặp khó khăn, nhanh chóng xóa sổ tổ chức khủng bố IS, đồng thời thúc đẩy các bên Syria ngồi vào bàn đàm phán. Đối với người dân Syria, bất kể lựa chọn biện pháp nào, việc ngăn chặn bạo lực, lập lại an ninh vẫn là nhu cầu cấp thiết và là điều kiện quan trọng nhất để nhanh chóng khôi phục, tái thiết Syria.

Giới phân tích nhận định, tình hình chiến sự Syria đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, tạo điều kiện thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Song, điều quan trọng là các bên liên quan trong tiến trình chính trị ở Syria phải nhanh chóng tận dụng cơ hội, tích cực đàm phán hướng đến giải pháp thật sự để lập lại hòa bình cho Syria.