Nhìn lại cuộc chiến Nga - Gruzia

Vào ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh (8-8-2008), quân đội Gruzia với hàng trăm xe tăng và pháo do Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Israel trang bị, bất ngờ mở chiến dịch quân sự quy mô lớn tiến công lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia. Cuộc chiến tác động sâu sắc và lâu dài tới cục diện chính trị - quân sự trong khu vực và thế giới, là dấu hiệu mở đầu cho quá trình sụp đổ trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ dẫn dắt kể từ sau khi Liên Xô (trước đây) tan rã.

Xe bọc thép của Nga di chuyển về phía thủ đô Tskhinvali của Nam Ossetia, ngày 8-8-2008. Ảnh: AP
Xe bọc thép của Nga di chuyển về phía thủ đô Tskhinvali của Nam Ossetia, ngày 8-8-2008. Ảnh: AP

Toàn cảnh cuộc chiến

Nam Ossetia là khu vực tự trị thuộc Gruzia, có biên giới chung với Bắc Ossetia thuộc Nga, dân số hơn 57.600 người (tính đến hết năm 2019), chủ yếu là người Ossetia, chiếm 60% dân số, người Gruzia chiếm 25%. Năm 1774 Ossetia sáp nhập vào Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, khu vực này bị chia thành Nam Ossetia và Bắc Ossetia. Năm 1922, Nam Ossetia hình thành khu tự trị thuộc Gruzia, còn Bắc Ossetia thuộc Liên Xô. Ngày 10-9-1990, Nam Ossetia tuyên bố độc lập, nhưng không được Quốc hội Gruzia công nhận. Ngày 6-1-1991, các đơn vị quân đội Gruzia tiến vào Nam Ossetia, khu vực tự trị này bị phong tỏa và cuộc xung đột quân sự diễn ra ác liệt trong suốt giai đoạn 1991 - 1992.

Theo TASS, cuộc xung đột quân sự nói trên chỉ chấm dứt khi “Hiệp định Dagomys” được ký kết giữa Tổng thống Nga khi đó là Boris Yelsin và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Gruzia Eduard Shevarnadze. Ngày 14-7-1992, lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia được thành lập, bao gồm lực lượng của Nga, Gruzia và Nam Ossetia. 

Ngày 19-1-1992, chính quyền Nam Ossetia đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập, kết quả là hơn 98% người dân ủng hộ. Ngày 29-5-1992, Hội đồng Tối cao Nam Ossetia thông qua các văn bản về nền độc lập quốc gia. Theo đó, Nam Ossetia chính thức có Hiến pháp riêng, nghị viện, biểu tượng nhà nước và các cơ cấu chính quyền của nhà nước. Tuy nhiên, Gruzia vẫn coi Nam Ossetia là tỉnh Tskhinvali thuộc lãnh thổ của mình. Năm 2004, sau cuộc “Cách mạng nhung” tại Gruzia, Tổng thống Mikhail Saakashvili lên nắm quyền, tuyên bố sẽ đưa hai vùng tự tuyên bố độc lập là Nam Ossetia và Abkhazia trở lại chủ quyền lãnh thổ của Gruzia. Chính quyền Nam Ossetia không tham gia bầu cử Tổng thống Gruzia và tuyên bố họ không có bất kỳ quan hệ nào với Gruzia, đồng thời nhiều lần đề nghị Nga công nhận nền độc lập của họ. 

Sáng 8-8-2008, với việc quân đội Gruzia tiến công vào Tskhinvali - thủ phủ của Nam Ossetia, xung đột quân sự giữa Gruzia và Nam Ossetia bắt đầu diễn ra. Sau đó Quân đoàn 58 của Nga tiến vào Nam Ossetia nhằm ngăn chặn leo thang xung đột quân sự, bảo vệ binh lính gìn giữ hòa bình của Nga và công dân Nga tại đây. Cuộc chiến Nga - Gruzia kéo dài từ ngày 8 đến 15-8-2008. 

Sau khi có tin Nga tiến công các mục tiêu quân sự của Gruzia, xuất hiện ba luồng phản ứng trái chiều đối với cuộc xung đột này. Nhóm thứ nhất là các nước đứng về phía Gruzia, lên án hành động của Nga, bao gồm Mỹ, các nước khu vực biển Baltics (Latvia, Litva, Estonia, Phần Lan), Ba Lan, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italia, Bỉ... Trong đó, đáng chú ý là thái độ của Pháp và Italia, lên án hành động của Nga nhưng kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) không thành lập “Mặt trận chống Nga”, tránh đối đầu với nước này. Nhóm thứ hai là Đức, Phần Lan và Trung Quốc, bày tỏ quan điểm trung lập, kêu gọi hai bên cần ngừng bắn và thiết lập lại nguyên trạng như trước ngày 7-8-2008, đồng thời tuân thủ chặt chẽ Hiến chương của LHQ. Nhóm thứ ba là các nước ủng hộ Nga, bày tỏ thái độ rõ ràng như Cuba, Kazkhastan, Belarus, Armenia và những nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô (trước đây). 

Trên trang Báo Nga, các chuyên gia nhận định hành động quân sự của Nga đã đáp trả kiên quyết và mau lẹ đối với hành động gây hấn của Chính phủ Gruzia, hoàn toàn bất ngờ đối với chính quyền Tbilisi cũng như Mỹ và NATO, kết thúc chóng vánh cuộc xung đột chỉ vỏn vẹn trong vài ngày, buộc bên chủ động phát động chiến tranh là Gruzia nhận thất bại. Vài năm sau sự kiện trên, ông Mikhail Saakashvili - nhân vật mà Mỹ gọi là “Người bảo vệ nền dân chủ”, đã thất bại khi tranh cử tổng thống, buộc phải đào tẩu khỏi Gruzia nhằm trốn tránh cáo buộc hình sự về những vụ tra tấn trong tù, ám hại chính khách đối lập và gây ra cuộc chiến chống Nam Ossetia. 

Cuộc chiến trên đã khiến gần 3.000 người chết, hơn 40.000 người rời bỏ quê hương đi tị nạn và hơn 100 làng mạc bị tàn phá. Cuộc xung đột tác động đáng kể đến vị thế của nước Nga, quan hệ giữa Nga với các nước trong khu vực Kavkaz, Mỹ và phương Tây. 

Toan tính của các nước

Theo RIA Novosti, việc Gruzia chủ động tiến công Nam Ossetia trước là nhằm các mục tiêu: Tổng thống Saakashvili muốn thực hiện lời hứa của mình trong vận động tranh cử là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, đưa hai khu vực tự tuyên bố độc lập là Nam Ossetia và Abkhazia trở lại Gruzia để duy trì uy tín của mình trong nước; đây được coi là hành động thúc đẩy NATO xem xét lại khả năng kết nạp Gruzia trong Hội nghị Cấp cao NATO vào tháng 12-2008; tận dụng cơ hội khi Tổng thống George W.Bush (người ủng hộ tuyệt đối Gruzia, chống Nga quyết liệt) còn đương nhiệm; là phép thử của Gruzia với Tổng thống mới của Nga là Dmitry Medvedev, người được đánh giá là mềm dẻo hơn cựu Tổng thống Vladimir Putin. Sau cùng, việc Gruzia tiến công trước còn nhằm quốc tế hóa vấn đề xung đột với Nam Ossetia, lôi kéo Mỹ và đồng minh trong NATO vào tình trạng căng thẳng với Nga, hy vọng thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây bằng lực lượng gìn giữ hòa bình khác có lợi trong việc giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ này…

Giới phân tích quốc tế cho rằng, Gruzia đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch và có sự đồng ý ngầm của Mỹ và phương Tây. Ý đồ của Mỹ là biến Gruzia thành “tiền đồn” kiềm chế kế hoạch “Đông tiến“ của Nga, kiểm soát đường ống dẫn dầu sang Tây Âu, thậm chí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Gruzia để kiềm chế Nga. Việc Gruzia chọn thời điểm ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh (8-8-2008) là có chủ đích gây chú ý và tiếng vang quốc tế, tạo tình huống bất ngờ chiến lược với Nga và Nam Ossetia, khiến “sự đã rồi“ để quốc tế ủng hộ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Gruzia đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, không thể lôi kéo Mỹ và NATO tham gia vào cuộc chiến mà họ chỉ đứng ngoài hô hào ủng hộ Gruzia, lên án Nga. Gruzia cũng không ngờ tới hành động can thiệp quân sự kiên quyết, dứt khoát của Nga. Chính Gruzia đã tạo điều kiện để Nga chứng tỏ cho phía Gruzia hiểu hậu quả của chính sách “thân phương Tây” và đường lối gia nhập NATO của Gruzia. Hành động sử dụng vũ lực của Gruzia đã làm cho việc giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia thụt lùi nhiều năm sau. Quyết định sai lầm của Tổng thống Saakashvili cũng gây hại cho chính uy tín bản thân ông, đồng thời gia tăng mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. 

Đối với Nga, việc Gruzia tiến công Nam Ossetia không bất ngờ, bởi Moscow đã có tính toán từ trước, vấn đề chỉ là thời điểm. Hành động Nga đưa quân tiến công vào các mục tiêu quân sự của Gruzia cũng chứng tỏ Nga sẵn sàng hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, “nhân dịp” này cảnh báo các nước Ukraine, vùng Baltics, Azerbaijan về hậu quả “theo đuôi phương Tây” chống lại Nga. Ngoài ra, đây còn là “lời đáp trả” của Nga đối với các bước đi chèn ép Nga của Mỹ và phương Tây, đáp lại sự kiện Kosovo, khi Mỹ bất chấp sự phản đối của Nga “đơn phương công nhận Kosovo độc lập”.

Có thể thấy, nếu nhìn từ bên ngoài thì “cuộc chiến 5 ngày” của Nga ở Gruzia năm 2008 chỉ là hậu quả từ cuộc xung đột dai dẳng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Gruzia với Nam Ossetia, Abkhazia, song đằng sau đó là cuộc cạnh tranh địa - chính trị chiến lược giữa Nga và Mỹ - phương Tây trong quá trình tái định hình trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Dù chỉ diễn ngắn ngày với cường độ thấp, quy mô hạn chế, nhưng cuộc chiến đã tác động sâu sắc tới cục diện chính trị - quân sự thế giới và khu vực; được coi là dấu hiệu mở đầu quá trình sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991).