Nguy cơ IS trỗi dậy tại Đông - Nam Á

Cùng với việc đối phó với đại dịch Covid-19, Philippines còn phải đối mặt nguy cơ trỗi dậy của lực lượng cực đoan ủng hộ tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là nguy cơ lớn về an ninh và nếu không kiểm soát tốt sẽ rất dễ trở thành mối nguy hiểm không chỉ trong phạm vi biên giới Philippines mà còn ở Đông - Nam Á, nơi có khoảng 250 triệu tín đồ Hồi giáo, nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau khu vực Trung Đông. 

Các binh sĩ Philippines bảo đảm an ninh trên đảo Jolo. Ảnh: GETTY IMAGES
Các binh sĩ Philippines bảo đảm an ninh trên đảo Jolo. Ảnh: GETTY IMAGES

Hiểm họa từ Abu Sayyaf

Các vấn đề liên quan phong trào Hồi giáo cực đoan đã và đang trở thành một thách thức an ninh lớn đối với Philippines trong nhiều năm qua, nhất là ở phía nam như khu vực Bangsamoro (thuộc đảo Mindanao) và vùng đảo Solo - nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Hồi giáo. 

Theo Asia Times, các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, với nhiều hoạt động chống phá bằng cả biện pháp ôn hòa và bạo lực. Ra đời năm 1972, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) là một trong những tổ chức thánh chiến Hồi giáo vũ trang lớn đầu tiên ở Philippines, hoạt động với mục đích đòi quyền tự trị cao hơn cho Khu tự trị Hồi giáo Bangsamoro tại vùng Mindanao. Tách ra khỏi MNLF từ năm 1984, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) có quan điểm cứng rắn hơn MNLF, với tham vọng thành lập một nhà nước Hồi giáo riêng ở Mindanao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, MILF dần thiên về phương án giành thêm quyền tự trị thông qua thỏa hiệp với chính quyền và chấp nhận ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Philippines vào năm 2019. 

Một tổ chức đáng chú ý khác là Abu Sayyaf, thành lập năm 1989, đây là nhóm Hồi giáo cực đoan với mục tiêu dùng mọi biện pháp, kể cả khủng bố, để triệt tiêu ảnh hưởng của Thiên chúa giáo và thành lập một nhà nước Hồi giáo Mindanao. Những hoạt động bạo lực khét tiếng của Abu Sayyaf khiến tổ chức này bị coi là một nhóm khủng bố, ngay cả từ phía cộng đồng Hồi giáo trong nước. Chính phủ Philippines cho rằng nhóm Abu Sayyaf có mối quan hệ mật thiết với tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah tại Đông - Nam Á và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Abu Sayyaf cũng được cho là đã nhận tài trợ về tài chính, vũ khí và lập kế hoạch mở rộng từ al-Qaeda.

Do đó, Philippines được coi là một trong những vùng đất màu mỡ để tổ chức khủng bố IS ưu tiên nhắm đến nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại Đông - Nam Á, sau khi tổ chức khủng bố này bị mất lãnh thổ ở Iraq và Syria. Từ cuối năm 2014, Abu Sayyaf đã tung một số đoạn video lên internet, trong đó tuyên bố ủng hộ IS. Giai đoạn 2016 - 2019, IS đã dần xuất hiện tại Đông - Nam Á sau khi lôi kéo thành công sự ủng hộ của khoảng 30 nhóm phiến quân địa phương, đặc biệt tại Malaysia, Indonesia, Philippines,… trong đó không ít nhóm tới từ Philippines và đặc biệt là Abu Sayyaf. Thậm chí, thủ lĩnh của Abu Sayyaf là Isnilon Hapilon còn được IS công nhận là kẻ đứng đầu chi nhánh IS tại khu vực.

Theo AP, với sự hậu thuẫn từ IS, giữa năm 2017, Abu Sayyaf đã phối hợp với nhóm Maute (ra đời năm 2012, cũng là nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines tuyên bố trung thành với IS) tiến hành đánh chiếm TP Marawi ở Mindanao. Phải mất hơn năm tháng, Chính phủ Philippines mới tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân này. Đến cuối năm 2019, dù không thể tái diễn hoạt động khủng bố liều lĩnh như trước, song nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan ủng hộ IS ở Philippines vẫn tồn tại và tiếp tục ẩn náu chờ dịp trỗi dậy. Những vụ tiến công khủng bố vẫn diễn ra rải rác ở Philippines. Cuối năm 2018, nhóm chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF) thực hiện vụ đánh bom tự sát vào Trung tâm mua sắm South Seas ở TP Cotabato. Đầu năm 2019, Abu Sayyaf gây ra vụ đánh bom Nhà thờ chính tòa trên đảo Jolo, tỉnh Sulu. Mới đây nhất, ngày 24-8, hai vụ nổ bom liên tiếp cũng xảy ra trên đảo Jolo, tình nghi do các tay súng Hồi giáo có liên hệ IS gây ra, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và gần 80 người bị thương, bao gồm cả binh sĩ, cảnh sát, dân thường. 

Địa bàn mới của IS?

Theo AP, sau khi đánh mất nhiều lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria, IS tìm cách củng cố và phát triển lực lượng tại những địa bàn ngoài Trung Đông, trong đó có Đông - Nam Á. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và trở nên tồi tệ, kế hoạch phát triển lực lượng của IS tại Philippines có cơ hội diễn ra thuận lợi hơn, bởi chính phủ nước này phải dành nhiều thời gian đối phó dịch bệnh, phần nào lơ là công tác kiểm soát an ninh. Thực tế cho thấy, sự chú ý dành cho cuộc chiến chống dịch hiện nay khiến Philippines khó lòng bảo đảm nhân lực, vật lực cần thiết trước mối nguy an ninh đến từ các nhóm Hồi giáo cực đoan được IS hậu thuẫn. 

Về nguồn lực nước ngoài, từ năm 2017, Mỹ đã hỗ trợ chính quyền Tổng thống Duterte hàng triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan, nhưng sức mạnh của các nhóm Hồi giáo chống đối chưa suy giảm nhiều. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, sự thay đổi trong chính sách vĩ mô của Mỹ với trọng tâm là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cũng khiến nguồn viện trợ dành cho Manila bị hạn chế. Ngoài ra, tình trạng tồi tệ do đại dịch Covid-19 có thể khiến một bộ phận người dân, đặc biệt là những người Hồi giáo yếu thế chịu nhiều thiệt hại, trở nên mất niềm tin vào năng lực của chính quyền, từ đó dễ bị lôi kéo bởi các luồng quan điểm cực đoan. 

Không chỉ ở Philippines, IS cũng đang rình rập tại một số quốc gia khác ở khu vực Đông - Nam Á để âm mưu thành lập căn cứ. Nguy cơ IS tràn vào khu vực trở nên rõ ràng hơn khi các chuyên gia an ninh cảnh báo, có khoảng 1.000 công dân Ðông - Nam Á từng đến Syria và Iraq để gia nhập hàng ngũ IS và đang trên đường hồi hương. Với việc IS mất dần kiểm soát tại các cứ địa ở Trung Đông - châu Phi, nhiều khả năng các chiến binh thánh chiến gốc Ðông - Nam Á sẽ trở về quê nhà. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các “chân rết” của IS, nguy cơ Ðông - Nam Á trở thành một căn cứ và là nơi tuyển mộ chiến binh mới của IS không chỉ là sự cảnh báo.

Viện Nghiên cứu chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Philippines đề xuất, chính phủ các nước Đông - Nam Á nên xây dựng một danh sách theo dõi các nghi phạm khủng bố chung của toàn khu vực. Tổ chức này cũng đề xuất Indonesia, Malaysia và Philippines nên xây dựng các bản nghiên cứu thực chất về chủ nghĩa cực đoan xuyên biên giới, từ đó vạch ra một bản đồ chi tiết và cập nhật các mạng lưới cực đoan xuyên quốc gia trong khu vực và đề ra các giải pháp đối phó thích hợp.