Người khiến hàng triệu người Mỹ đốt thẻ quân dịch

Muhammad Ali (1942 - 2016), võ sĩ quyền Anh số một nước Mỹ, người chưa thua một trận đấu nào trước tuổi 25 nhưng cũng là người đã đồng ý ngồi tù, chấp nhận bị chính quyền Mỹ tước bỏ mọi danh hiệu và quyền mưu sinh… chỉ để không tham gia cuộc chiến xâm lược Việt Nam. 

Muhammad Ali (giữa) tới phiên tòa xét xử ông vì phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Ảnh: WIKIPEDIA
Muhammad Ali (giữa) tới phiên tòa xét xử ông vì phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Ảnh: WIKIPEDIA

“Cách mà tôi muốn sống”

Theo The New York Post, ngày 3-6-2016, khi Muhammad Ali (tên khai sinh Cassius Marcellus Clay Jr.) nằm xuống ở tuổi 74, báo chí thế giới đã nhắc đến cụm từ “Chiến tranh Việt Nam” bên cạnh tên ông. Bởi năm 1966, là một công dân Mỹ nhưng ông đã phản đối dữ dội cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Mỹ. Muhammad Ali, lúc đó 24 tuổi, đã từ chối gia nhập quân đội với lý do: “Tôi không được chọn cửa sinh ra, nhưng tôi được phép chọn cách mà tôi muốn sống”. 

Ở Mỹ thời kỳ đó, người da mầu không được quyền bình đẳng như người da trắng, thậm chí bị phân biệt chủng tộc nặng nề. Trong cuộc đời thi đấu quyền Anh lẫy lừng của Muhammad Ali, ông từng chua xót nhận ra: “Trận đấu quyền Anh thường diễn ra giữa hai người da mầu để người da trắng xem giải trí”. Trở về Mỹ sau khi giành Huy chương vàng Olympic tại Italia năm 1960, ông nhận ra ánh hào quang đã vụt tắt khi bị một nhà hàng chỉ dành cho người da trắng từ chối phục vụ.

Ngày 28-8-1963, mục sư người da mầu Martin Luther King đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” từ những bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincoln: “Một trăm năm trước, một người Mỹ vĩ đại, người mà chúng ta hôm nay vinh dự được đứng dưới bóng tượng đài của ông, đã ký Tuyên ngôn giải phóng nô lệ… Một trăm năm sau, người da mầu vẫn cô độc trên hòn đảo của đói nghèo ngay giữa đại dương của phồn thịnh vật chất. Một trăm năm sau, họ vẫn héo mòn bên rìa xã hội Mỹ, tự thấy mình như những kẻ tha hương ngay trên quê hương mình. Và chúng ta đến đây hôm nay để nhắc nhở đất nước về nỗi xót xa này”. Sự kiện khiến Muhammad Ali nhận ra bộ mặt thật của nước Mỹ và ông đã trở thành một người theo tư tưởng của Martin Luther King, Jr. 

“Tại sao tôi phải mặc quân phục rồi đi cả vạn dặm để thả bom và nã đạn vào những người da vàng Việt Nam, trong khi nhiều người khác như tôi đang bị gọi là mọi đen ở đây, bị đối xử tàn tệ và quyền con người cơ bản của họ đều bị phủ nhận? Không, tôi sẽ không đi xa từng ấy để giết người và hủy hoại một đất nước nghèo khác chỉ vì những người da trắng muốn nô lệ hóa tất cả những người có mầu da tối hơn trên thế giới”. Muhammad Ali lúc đó đã suy nghĩ như vậy.

Chính phủ Mỹ vốn dĩ muốn đưa “võ sĩ quyền Anh số một nước Mỹ” đi lính để nâng cao sĩ khí cho đội quân xâm lược. Phát biểu ý kiến trước truyền thông và công chúng ở Chicago ngày 10-5-1967, Muhammad Ali đã bày tỏ: “Thật ra, họ nói mỗi lần tôi lên võ đài cũng là một lần tôi ra trận, theo một cách nào đó. Nhưng thi đấu trên võ đài khác một trời một vực so việc sang Việt Nam cầm súng bắn giết. Quyền Anh không thể giống với ra trận bằng súng máy, súng chống tăng, lựu đạn và máy bay thả bom. Mục tiêu của tôi là thi đấu quyền Anh và chiến thắng trong sạch. Nhưng trong chiến tranh, mục đích là giết hại người vô tội. Nguyên tắc hoạt động của chiến tranh là thế”.

Nhận “cú đấm ngược” từ Muhammad Ali, chính quyền Mỹ đã nhanh chóng có hình thức xử lý để “làm gương”. Muhammad Ali bị tước đai vô địch, nộp phạt 10.000 USD và nhận 5 năm tù. Ngoài ra, nhà vô địch quyền Anh còn bị tước cả hộ chiếu và giấy phép hành nghề trên đất Mỹ. 

Tuy nhiên, phong trào phản chiến, như đốt thẻ quân dịch, tại nước Mỹ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ đó với sự tham gia của cả Bill Clinton (sinh năm 1946, Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993 - 2001). Tổng cộng có 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Phong trào đòi thả Muhammad Ali cũng nổ ra, dần lan rộng và thu hút nhiều vận động viên, người hâm mộ quyền Anh cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhờ đó mà cuối cùng chính quyền Mỹ và Liên đoàn quyền Anh của nước này đã nhượng bộ. Năm 1971, Muhammad Ali được trả tự do.

Sau khi giã từ sự nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước, Muhammad Ali tham gia nhiều hoạt động xã hội, các sứ mệnh nhân đạo và chương trình của LHQ mang tên “Thông điệp hòa bình”. Năm 1985, chính quyền Mỹ còn phải “muối mặt” đề nghị ông thương thảo vấn đề giải phóng những người Mỹ bị bắt cóc ở Lebanon. 

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng thể hiện niềm ngưỡng mộ dành cho Muhammad Ali trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2012: “Ông ấy rất độc đáo. Khi ông ấy mạo hiểm tất cả để phản đối chiến tranh Việt Nam, mọi chuyện đáng lẽ đã có thể hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ông ấy, song chuyện đó đã không xảy ra. Bởi vì, như mọi người đã thấy, ông ấy hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cho việc trả giá trước những quyết định và đức tin của mình”.

Điều đặc biệt là Muhamad Ali đã từng đến Việt Nam vào tháng 5-1994, chỉ ba tháng sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Hơn một năm sau đó, vào ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Coi Cuba là hình mẫu cho lý tưởng

Theo CNN, Muhammad Ali là người có mối quan hệ khá thân thiết với nhà lãnh đạo cách mạng Cuba, Fidel Castro. Với tư cách nhà hoạt động nhân đạo và chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, ông xem Chủ tịch Cuba Fidel Castro như một người đồng chí.

Một sự kiện khiến Muhammad Ali phấn chấn, đó là vào năm 1994, Nelson Mandela được bầu là vị Tổng thống da mầu đầu tiên của Nam Phi, một bước ngoặt lịch sử đánh dấu kết thúc thắng lợi của cuộc đấu tranh hơn 40 năm của người da mầu nơi đây chống lại chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng gốc thực dân châu Âu. Năm đó, Chủ tịch Fidel Castro đã sang Nam Phi để chúc mừng Nelson Mandela. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã bày tỏ: “Tôi là một người trung thực và không bao giờ tôi quên rằng trong những giây phút đen tối nhất của đất nước chúng tôi, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Apartheid, Fidel đã ở bên cạnh chúng tôi”. 

Chính vì vậy, năm 1996, Muhammad Ali đã tới Cuba và ở lại thăm “hòn đảo tự do” trong năm ngày. Chủ tịch Fidel Castro đã mời ông trò chuyện riêng. Ấn tượng với phong cách của Chủ tịch Fidel Castro và nền thể thao Cuba, ông đã trở lại Cuba vào năm 1998. Chủ tịch Fidel Castro từng nói: “Thể thao nên là quyền của con người, không phải là quyền của giới giàu có”, bởi số người chơi thể thao ở Cuba trước Cách mạng Cuba năm 1959 rất ít ỏi và chỉ là dành cho những người thuộc gia đình thượng lưu hoặc giàu có. Trong chế độ độc tài Cuba thân Mỹ Fulgencio Batista, các khu thể thao thể hiện sự phân biệt chủng tộc khi có hai khu dành riêng cho người da mầu và da trắng. 

Ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, Chủ tịch Fidel Castro đã xóa bỏ tất cả những sự phân biệt này. Với chính sách thể thao hướng về nhân dân của Chủ tịch Fidel Castro, tại Cuba tất cả các trường tiểu học, trung học đều dạy giáo dục thể chất và thể thao là môn học bắt buộc. Do đó, với dân số chỉ hơn 11 triệu người nhưng Cuba là cường quốc Olympic ở châu Mỹ. Điều này khiến Muhammad Ali tỏ ra thán phục. Đặc biệt, trong số các vận động viên Cuba tham dự Olympic, Muhammad Ali ấn tượng nhất chính là Teofilo Stevenson, người ba lần liên tiếp giành Huy chương vàng quyền Anh hạng nặng.