Người góp phần ngăn chiến tranh thế giới thứ ba

Tháng 10-1962, sau thất bại trong sự kiện Vịnh con lợn, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy ra lệnh bao vây cấm vận đối với Cuba. Từ đó, cuộc đối đầu giữa Liên Xô (trước đây) và Mỹ lên đến đỉnh điểm, hai bên đe dọa tiến công hạt nhân lẫn nhau. Nhưng sau đó, Washington quyết định khởi động đàm phán để giải tỏa căng thẳng với Moscow, nhờ đó đã tránh nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ ba với các hiểm họa được dự báo vô cùng tàn khốc. Cuộc thương thuyết có ý nghĩa lịch sử này bắt đầu từ nỗ lực của một nhà tình báo huyền thoại của Liên Xô, người được phương Tây biết đến với biệt danh “Ngài X bí ẩn”. 

Alexander Feklisov (giữa) với các nhà nghiên cứu ra quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Ảnh: TASS
Alexander Feklisov (giữa) với các nhà nghiên cứu ra quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Ảnh: TASS

Những vỏ bọc tại Mỹ và Anh

Theo Tass.ru, “Ngài X bí ẩn” tên thật là Alexander Semenovich Feklisov, sinh ngày 9-3-1914 tại Moscow trong một gia đình có 5 anh em, cha làm công nhân đường sắt, mẹ làm nội trợ. Sau khi tốt nghiệp trung học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ban ngày Feklisov phải đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, tối đến mới tham gia các khóa ôn thi đại học. Tháng 5-1939, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ sư thông tin Moscow, Feklisov được tuyển chọn vào một trường đào tạo của ngành tình báo. Hoàn thành khóa học, Alexander được điều đến làm việc ở Phòng Đối ngoại thuộc Tổng cục An ninh, Ủy ban Nội vụ quốc gia.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cấp trên lên kế hoạch cử Feklisov sang Mỹ công tác. Tổ chức đánh giá cao khả năng của Feklisov, nhưng muốn được bổ nhiệm lên cấp cao hơn, anh còn phải đáp ứng điều kiện là người đã có gia đình. Trong khi đó, chàng thanh niên Feklisov vẫn chưa có người yêu (sau này, đến năm 1944 anh mới kết hôn). Cấp trên lo ngại rằng, Feklisov có thể bị một nữ điệp viên nước ngoài “tiến công” rồi bị tuyển mộ ngược làm việc cho đối phương. Trưởng phòng Fedor Budkov trách Feklisov: “Đến một cô vợ mà anh cũng không kiếm được thì làm sao mà tuyển mộ được điệp viên?”. Nhưng cuối cùng, lãnh đạo vẫn quyết định cử Feklisov đi Mỹ vì trong tay họ không có lựa chọn nào tốt hơn. Nhiệm vụ chính của Feklisov ở Mỹ là theo dõi sát tình hình, nắm các dấu hiệu có thể diễn ra đàm phán giữa Mỹ và Đức quốc xã, cũng như khả năng các nước này kết hợp để chống Liên Xô. 

Cuối tháng 2-1941, Feklisov đến New York với tên mới là Alexander Fomin. Dưới vỏ bọc là nhân viên tập sự tại Tổng Lãnh sự quán Liên Xô, Feklisov đã thu được thông tin có giá trị về những sáng chế mới trong lĩnh vực điện tử, trang thiết bị quân sự và không quân. Trong đó, đáng chú ý có bản vẽ và hướng dẫn xây dựng nhà máy sản xuất urani-235, tài liệu về máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ là chiếc Lockheed F-80 Shooting Star, các hệ thống radar, tàu ngầm...

Mùa xuân năm 1946, Feklisov kết thúc nhiệm kỳ ở Mỹ về nước, được bố trí công tác tại Bộ Ngoại giao Liên Xô. Một năm sau, Feklisov được cử sang London (Anh) dưới vỏ bọc là Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên Xô. Mặc dù mọi hoạt động của Feklisov đều bị lực lượng phản gián Anh theo dõi gắt gao, ông vẫn duy trì được liên lạc và hợp tác với nhóm mạng lưới điệp viên của Liên Xô ở Anh, thu được nhiều thông tin mật về âm mưu, ý đồ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu. 

Thông tin giá trị nhất mà Feklisov thu được trong quá trình hoạt động ở Anh là từ nhà vật lý gốc Đức Klaus Fuchs. Nhờ hợp tác với Fuchs, Feklisov đã thu được tài liệu tuyệt mật về lò phản ứng hạt nhân, kết quả của các cuộc thử nghiệm vũ khí mới và đặc biệt là sơ đồ cùng quy trình chế tạo bom khinh khí. Nhưng khi Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử năm 1949, cơ quan an ninh Mỹ và Anh đã phát hiện ra hoạt động tình báo của Fuchs. Sau khi nhà vật lý Klaus Fuchs bị bắt, lo ngại Fuchs sẽ không giữ được bí mật, Moscow lập tức rút Feklisov về nước. Nhưng điều mà họ lo ngại đã không xảy ra: Fuchs đã không khai ra Feklisov.

“Giải cứu” thế giới

Năm 1960, Feklisov được bổ nhiệm làm cố vấn của Đại sứ quán Liên Xô tại Washington (Mỹ), vẫn hoạt động dưới tên Alexander Fomin. Ngày 26-10-1962, giữa lúc sự chú ý của cả thế giới đang đổ dồn vào các sự kiện tại Vịnh con lợn, trong một nhà hàng nhỏ ở Washington, có hai người đang ngồi trò chuyện, đó là John Scali - nhà bình luận chính trị của kênh truyền hình ABC, và bạn của ông là Alexander Fomin. Họ đang thảo luận về tình hình Vịnh con lợn, những diễn biến có thể xảy ra và về biện pháp mà Liên Xô có thể đáp trả nếu Mỹ tiến công Cuba.

Feklisov chủ động cho Scali biết rằng, đáp lại hành động gây hấn của Mỹ đối với Cuba, Liên Xô có thể ra đòn tiến công trả đũa nhằm vào Tây Berlin (Đức). Thất bại về mặt hình ảnh này đối với Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so tác động đối với Liên Xô từ đòn tiến công của Mỹ vào Cuba. Feklisov cũng nói thêm, luôn có những giải pháp thỏa hiệp, nhưng chúng cần được tìm kiếm từ cả hai phía. 

Cuộc gặp gỡ này diễn ra không ngẫu nhiên. Nhà báo Mỹ là người có quan hệ gần gũi với các thành viên trong đội ngũ của Kennedy, do đó nội dung cuộc trò chuyện đã nhanh chóng được chuyển đến Tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ Xô - Mỹ đang trên bờ vực đổ vỡ, hai bên không có bất cứ một cuộc tiếp xúc chính thức nào, nhiệm vụ đặt ra là làm sao để lập trường của ban lãnh đạo Liên Xô được chuyển đến Tổng thống Mỹ một cách nhanh nhất có thể, để hai bên có thể bắt đầu thương lượng, loại trừ nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Hiểu rõ thời gian còn lại chỉ còn tính bằng giờ, Feklisov quyết định đến gặp nhà báo Mỹ.

Sau đó phóng viên Scali đã truyền đạt lại những gì mà Feklisov nói đến Tổng thống John F.Kennedy. Vài giờ sau, thông qua Scali, Tổng thống Mỹ nêu ra các điều kiện giải quyết cuộc xung đột Caribbe: “Nếu Liên Xô rút các bệ phóng tên lửa khỏi Cuba, Mỹ cam kết sẽ dỡ bỏ phong tỏa và hứa sẽ không tiến hành các hành động quân sự hay hoạt động thù địch nào khác chống lại Cuba”.

Nhận được tin, Feklisov lập tức đến gặp Đại sứ Liên Xô tại Washington, nhưng vị đại sứ lại từ chối báo cáo về Moscow với lý do không có thẩm quyền thực hiện các cuộc đàm phán quan trọng như vậy. Bất chấp các nguy cơ có thể sẽ phải đối mặt, Feklisov vẫn quyết định tự mình gửi điện mật về Moscow. Nội dung bức điện đã nhanh chóng được báo cáo cho lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Sau đó, lãnh đạo hai cường quốc bắt đầu quá trình đàm phán.

Đáp lại yêu cầu rút tên lửa khỏi Cuba, Khrushchev yêu cầu Mỹ loại bỏ mối đe dọa chính đối với Liên Xô, đó là các tên lửa “Jupiter” mà Mỹ bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kennedy đã đồng ý với một điều kiện, đó là tất cả được tiến hành bí mật vài tháng sau khi tên lửa được rút khỏi Cuba. Thỏa thuận cuối cùng đã đạt được, đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã chấm dứt. 

Năm 1964, nhiệm kỳ công tác của Feklisov ở Mỹ kết thúc. Trở về đất nước, ông làm việc tại Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) của Liên Xô. Sau đó bốn năm, ông là lãnh đạo một cơ quan quan trọng của KGB. Năm 1974, Feklisov xin từ chức sau 35 năm cống hiến cho ngành tình báo. Ông tiếp tục làm công tác cố vấn cho đến khi nghỉ hưu hẳn vào năm 1986. Năm 1996, nhà tình báo huyền thoại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Feklisov mất ngày 26-10-2007 ở tuổi 93, đúng vào ngày kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử với John Scali, cuộc gặp đã cứu cả thế giới tránh được nguy cơ chiến tranh hạt nhân với những hậu quả có thể vô cùng tàn khốc.