Nạn bạo lực băng đảng ở Mexico

Vụ việc chín người trong một gia đình người Mỹ bị một nhóm vũ trang phục kích và sát hại ở vùng biên giới với Mexico một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực băng đảng tại quốc gia Trung Mỹ này vẫn rất đáng báo động. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, mới nhậm chức cuối năm ngoái, đang đứng trước thách thức sớm triển khai các giải pháp đối phó. Trong đó, việc đề nghị phía Mỹ hỗ trợ cũng được Chính phủ Mexico tính đến.

Đoàn xe chở gia đình gồm chín người Mỹ bị băng đảng Mexico phục kích sát hại. Ảnh: YOUTUBE
Đoàn xe chở gia đình gồm chín người Mỹ bị băng đảng Mexico phục kích sát hại. Ảnh: YOUTUBE

Bất chấp pháp luật

Theo The New York Times, ngày 4-11 vừa qua, chín thành viên trong một gia đình người Mỹ đã bị một băng đảng có vũ trang phục kích và bắn chết trên một con đường ở khu vực Rancho de la Mora, nằm giữa bang Chihuahua và Sonora gần biên giới Mỹ. Các nạn nhân đều là người Mỹ, đã định cư ở khu vực biên giới Mexico từ nhiều năm nay.

Giới chức địa phương nghi ngờ băng đảng tội phạm ma túy đã nhầm gia đình này với băng nhóm đối thủ. Cách đây 10 năm, hai thành viên khác của gia đình này cũng từng bị bắt cóc và sát hại khi còn ở Mỹ do đối đầu với các băng đảng ma túy tại vùng biên giới hai nước. Trong một thông cáo chung, chính quyền hai bang Chihuahua và Sonora cho biết, lực lượng vệ binh quốc gia, quân đội và cảnh sát liên bang đã được tăng cường trong khu vực sau khi có báo cáo về vụ việc.

Cảnh sát địa phương cho biết, khu vực Rancho de la Mora là “điểm nóng” hoạt động của các băng nhóm tội phạm và buôn lậu ma túy. Chính phủ Mexico đã phải triển khai quân đội đến đây để hỗ trợ lực lượng an ninh địa phương truy quét và trấn áp các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, tính từ năm 2006 đến nay, vẫn có hơn 250.000 vụ giết người xảy ra tại đây.

Tháng 12-2018, khi mới lên nhậm chức, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã thừa nhận tình trạng các băng đảng tội phạm hoành hành là một vấn đề lớn của Mexico, đồng thời từng cam kết sẽ giải quyết rốt ráo tình trạng này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lên tiếng sau vụ việc chín công dân Mỹ thiệt mạng. Ông Trump cho rằng, cần huy động lực lượng mạnh hơn để triệt hạ bạo lực băng đảng. Ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng, nếu Mexico cần hoặc yêu cầu giúp đỡ thì Mỹ luôn sẵn lòng tham gia quét sạch những nhóm tội phạm: “Đây là thời điểm để Mexico, với sự giúp đỡ của Mỹ, phát động cuộc chiến với các băng đảng ma túy và quét sạch chúng. Đôi khi, muốn tiêu diệt một đội quân thì phải cần tới một đội quân khác”. Về phần mình, Tổng thống Obrador cũng đáp lại về khả năng cân nhắc hợp tác an ninh giữa hai bên sau vụ thảm sát trên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mexico nhận định sự can thiệp của nước ngoài là không cần thiết để giải quyết vấn đề này.

Ông Obrador cũng từ chối đề nghị của người đồng cấp Mỹ về việc triển khai binh sĩ Mỹ tới khu vực biên giới giữa hai nước để hỗ trợ cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Tổng thống Mexico nhấn mạnh nước này sẽ “hành động độc lập, theo Hiến pháp cũng như phù hợp độc lập và chủ quyền của mình”. Ông cũng cam kết các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Mexico sẽ làm việc để bảo đảm công bằng cho các nạn nhân thiệt mạng.

Đâu là giải pháp đối phó?

Bạo lực băng đảng được xem là “ung nhọt” lâu năm tại Mexico. Vụ việc vừa qua cũng đặt chính phủ của Tổng thống Obrador vào tình thế cấp bách phải sớm giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh này. Mức độ bạo lực ở quốc gia Trung Mỹ đã cao đến mức kỷ lục trong những năm gần đây, trong khi các chính phủ tiền nhiệm cũng chưa tìm ra được giải pháp ngăn chặn. Theo Viện Thống kê quốc gia Mexico, đã có tới 35.964 vụ giết người vào năm 2018, và đây trở thành năm bạo lực nhất trong lịch sử Mexico hiện đại.

Thống kê còn ghi nhận, vào năm 2006, khi cựu Tổng thống Felipe Calderon tuyên bố thực thi cuộc chiến chống ma túy, tình trạng bạo lực thậm chí đã gia tăng hơn cả những năm trước đó. Trước đó, giới chức nước này ước tính mỗi năm có khoảng 10.000 vụ giết người. Con số này hiện nay đã tăng gấp ba lần. Bạo lực không chỉ tăng vọt kể từ năm 2006, mà số lượng các băng đảng ma túy cũng tăng lên nhanh chóng, với tổng giá trị từ các hoạt động buôn bán ma túy lên tới 29 tỷ USD.

Các chuyên gia an ninh nhận xét, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các băng đảng ma túy và tội phạm hoạt động ở Mexico phần lớn là do biện pháp trấn áp chưa hiệu quả. Nhiều ý kiến cũng chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Calderon, khi chỉ tập trung vào việc bắt giữ các tên trùm ma túy. Biện pháp này vô hình trung đến sự chia nhỏ các nhóm tội phạm thành nhiều đầu mối, qua đó làm gia tăng số băng đảng theo cấp số nhân.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của Mexico đang bị chia rẽ giữa hai luồng ý kiến: một nhóm đề xuất biện pháp “cứng” là trấn áp mạnh tay các băng đảng ma túy; một nhóm ủng hộ giải pháp “mềm” để tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Nicola Morfini, giảng viên Khoa Chính trị và Xã hội học tại Trường Kinh doanh IPADE (Mexico), cả hai giải pháp này đều có những hạn chế nhất định.

Theo ông Morfini, một mặt Chính phủ Mexico không được phép dung túng cho các nhóm tội phạm hay bất kể hoạt động nào của chúng, nhưng mặt khác cũng phải chịu áp lực về hạn chế tình trạng bạo lực ở nước này. Cuộc chiến chống ma túy tại đây diễn ra phức tạp do nhiều băng đảng đã tồn tại lâu dài và thâm nhập từng ngóc ngách đường phố cũng như đời sống người dân. Thậm chí, còn có cả một “ngành công nghiệp đen” đi kèm phục vụ các băng đảng. Đó là chưa kể, nhiều tổ chức tội phạm quyền lực đã bắt tay với giới chức khiến cho các cuộc điều tra thường đi vào ngõ cụt. Mối quan hệ “đi đêm” giữa băng đảng và quan chức không dễ để giải quyết một sớm một chiều. Khó khăn nữa là địa bàn hoạt động của các nhóm này thường ẩn sâu ở sa mạc, trong rừng rậm hoặc các khu đô thị đông dân cư. Trong khi đó, lực lượng an ninh chống ma túy lại chưa được trang bị đầy đủ cũng như huấn luyện chuyên biệt để có thể phản ứng nhanh trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Giới chức nước này cũng lo ngại, việc phát động cuộc chiến chống ma túy nhiều khả năng sẽ gây ra rủi ro cao cho dân chúng. Người dân có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động quân sự, hoặc bị bắt làm lá chắn hoặc con tin trong quá trình truy quét các băng đảng. Trong khi đó, tỷ lệ thành công khi ngồi vào bàn để thuyết phục một băng đảng bạo lực “đầu hàng” thì như là chuyện… viễn tưởng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ Mexico phải xây dựng một chiến lược mới để giải quyết tình trạng an ninh cấp thiết. Trước mắt, giới chức Mexico đang nỗ lực củng cố năng lực hoạt động của lực lượng an ninh trước khi có thể đi đến quyết định sử dụng sức mạnh quân sự hay không. Các nhà nghiên cứu nhận định, về trung hạn, Mexico phải tăng nguồn lực để củng cố các tổ chức thực thi pháp luật và gia tăng an ninh tại các nhà tù.

Cho đến nay, do hoạt động tội phạm không ngừng gia tăng, nhiều khu vực của Mexico vẫn phải đặt trong tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai các thay đổi cần thiết trong chiến lược chống các băng đảng ma túy lại tốn không ít thời gian, thậm chí nhiều năm, đòi hỏi sự thống nhất và nối tiếp giữa các đời tổng thống. Đây cũng là bài toán hóc búa đối với ông Obrador khi nhiệm kỳ của ông đã trải qua gần một năm mà vẫn chưa xác định được hướng đi rõ ràng cho chiến lược an ninh.

Nhà nghiên cứu Morfini cho rằng, trong thời gian tới, chính phủ của Tổng thống Obrador phải thiết lập một chiến lược dài hạn, với các mục tiêu rõ ràng để thoát khỏi nạn buôn lậu ma túy lâu năm này. Theo ông, nếu Mexico không đề ra được những giải pháp tiến bộ và tiếp diễn việc phát động chiến tranh đối với tội phạm có tổ chức như các chính quyền tiền nhiệm, thì e rằng đất nước này sẽ lại rơi vào một chu kỳ bạo lực không lối thoát.