Mốc son của tình hữu nghị Việt - Nga

Cách đây 40 năm, từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” được phóng lên, đưa phi hành gia V. Gorbatko của Liên Xô (trước đây) và Phạm Tuân của Việt Nam vào vũ trụ. Đến nay, chuyến bay vũ trụ phối hợp Xô - Việt này vẫn được xem là một sự kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân hai nước. 

Hai phi hành gia Phạm Tuân (trái) và Gorbatko sau chuyến bay lịch sử. Ảnh: SPUTNIK NEWS
Hai phi hành gia Phạm Tuân (trái) và Gorbatko sau chuyến bay lịch sử. Ảnh: SPUTNIK NEWS

Chuyến bay lịch sử

Theo 12apr.su, 21 giờ 33 phút ngày 23-7-1980 (giờ Moscow), từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” rời khỏi bệ phóng, đưa Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô V.Gorbatko lên vũ trụ, thực hiện chuyến du hành tám ngày trước khi trở về Trái đất vào ngày 31-7-1980. Họ trải qua những ngày tháng lịch sử trên trạm quỹ đạo “Chào mừng 6” cùng hai nhà du hành vũ trụ khác của Liên Xô là L.Popov và V.Riumin. 

Sau khi được phóng lên thành công, đúng như dự kiến, lúc 23 giờ 2 phút (giờ Moscow) ngày 24-7-1980, tàu “Liên hợp 37” đã cập cảng trạm quỹ đạo “Chào mừng 6”. Lúc 2 giờ 15 phút ngày 25-7-1980, con tàu kết nối với trạm khi nắp trạm mở ra, Phạm Tuân cùng V.Gorbatko “trôi” vào trạm quỹ đạo. Một cuộc gặp gỡ vui vẻ đã diễn ra trong không gian. Những vị khách mang nhiều món quà từ Trái đất lên vũ trụ, gồm thư, báo, bưu kiện từ người thân và quà lưu niệm, rau, củ và trái cây tươi. 

Ngày 25-7-1980, phi hành đoàn Xô - Việt bắt tay thực hiện ngay những nghiên cứu khoa học đầu tiên trong chuyến hành trình của mình. Mục đích là thu thập dữ liệu về ảnh hưởng của không trọng lực đối với quá trình tăng trưởng và phát triển, cũng như cấu trúc hình thái của cây bèo - đối tượng nghiên cứu được các nhà khoa học Việt Nam đề xuất. Trong thí nghiệm này, các loại đèn đặc biệt đã được sử dụng để mô phỏng ánh sáng mặt trời, bảo đảm quá trình quang hợp. Phi hành đoàn Xô - Việt cũng đã tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu phản ứng của hệ tuần hoàn đối với tình trạng không trọng lực, cũng như các vấn đề khác thuộc lĩnh vực sinh học vũ trụ và tham gia bảo trì trạm quỹ đạo…

Ngày 26-7-1980, tài liệu, dụng cụ và thiết bị cá nhân từ tàu vũ trụ “Liên hợp 37” được chuyển sang tàu vũ trụ “Liên hợp 36” - con tàu có nhiệm vụ đưa các phi hành gia Việt Nam và Liên Xô trở về Trái đất. Sau bữa trưa chung, các phi hành gia tiếp tục chương trình nghiên cứu đã đề ra. Một trong những thí nghiệm chính của ngày làm việc thứ hai là thử nghiệm tác động của áp lực lên nửa thân dưới, một phần của tổ hợp thí nghiệm về lưu thông máu. Hai phi hành gia Phạm Tuân và V.Gorbatko đã thay nhau vào vai người kiểm tra và được kiểm tra để tiến hành thí nghiệm. 

Cũng trong chuyến bay lịch sử này, với sự trợ giúp của các loại máy ảnh chụp địa hình khổ lớn, máy ảnh đa vùng, máy quang phổ và các loại dụng cụ khác, phi hành đoàn Xô - Việt đã thực hiện viễn thám Trái đất. Mục đích của thí nghiệm này là nghiên cứu về môi trường tự nhiên. Qua theo dõi, các phi hành gia đã thu được nhiều thông tin cần thiết về lãnh thổ Việt Nam, gồm cả sự phát triển của rừng, dòng chảy các con sông… Các quan sát về lốc xoáy nhiệt đới cũng được đưa vào chương trình.

Trong những ngày tiếp theo, khối lượng và nội dung nghiên cứu được phi hành đoàn Xô - Việt thực hiện trở nên phức tạp hơn. V.Gorbatko và Phạm Tuân tiếp tục tiến hành xác định các thông số về hô hấp và khả năng sống của phổi bằng các thiết bị hỗ trợ khác nhau. Kết quả của thí nghiệm được so sánh với dữ liệu của các cuộc khảo sát trước và sau chuyến bay. Những nghiên cứu này giúp bổ sung vào các khuyến nghị nhằm cải thiện hiệu suất vật lý của phi hành gia trong những chuyến công tác. Cũng từ vũ trụ, hai phi hành gia tiếp tục quan sát Trái đất và thực hiện các thí nghiệm trên thực vật, đồng thời quan sát các vòng cung xích đạo và nghiên cứu quỹ đạo…  Các thí nghiệm y tế nghiên cứu bản chất của quá trình trao đổi chất và trạng thái của các hệ thống điều tiết chính trong cơ thể con người, hay các triệu chứng rối loạn tiền đình phát sinh trong chuyến bay vào vũ trụ cũng được tiến hành… 

Ngày 30-7-1980, sau khi hoàn thành các thí nghiệm trên thực vật và viễn thám Trái đất, V.Gorbatko và Phạm Tuân tham gia công tác chuẩn bị cho tàu vũ trụ “Liên hợp 36” trong chuyến trở về. Ngày 31-7-1980, V.Gorbatko và Phạm Tuân đảm nhận công việc trong tàu “Liên hợp 36” đưa hai phi hành gia trở về Trái đất. Lúc 18 giờ 15 phút, phi hành đoàn Xô - Việt kết thúc thành công hành trình lịch sử, sau khi hạ cánh tại địa điểm cách thành phố Dzhezkazgan khoảng 180 km về phía đông nam. 

Siết chặt tình hữu nghị

Sau khi hạ cánh, phi hành đoàn Xô - Việt đã hoàn thành chuyến bay lịch sử và được các bác sĩ, chuyên gia, nhà báo Liên Xô và Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Các phi hành gia mau chóng được đưa đến thành phố Dzhezkazgan. Tại đây, họ được chào đón theo truyền thống Liên Xô với bánh mì, muối, hoa và được trao chứng nhận danh hiệu Công dân danh dự của thành phố. Sau đó, các phi hành gia đến Baikonur, nơi họ tiếp tục đón nhận tình cảm yêu quý của cư dân thành phố và các chuyên gia về vũ trụ, trước khi bắt tay vào các bài kiểm tra y tế, công tác chuẩn bị tài liệu báo cáo về công việc trên quỹ đạo, cũng như thảo luận với các chuyên gia về kết quả của các cuộc thí nghiệm…  Tám ngày trong không gian, Phạm Tuân và đồng nghiệp đã thực hiện tổng cộng 142 vòng bay quanh Trái đất, tiến hành hàng chục thí nghiệm y tế, viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất... Hai nhà du hành vũ trụ cũng tiến hành một số thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, nhiều thí nghiệm về thực vật…

Theo thông tin từ Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, tại một sự kiện diễn ra ở Hà Nội mới đây nhân kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Xô - Việt, Trung tướng Phạm Tuân bày tỏ tự hào được vinh dự thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên của một người Việt Nam, một người châu Á vào năm 1980. Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, có chuyến bay đáng nhớ này là nhờ sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô. Liên Xô không những dành sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và khôi  phục, xây dựng đất nước, mà còn giúp đỡ Việt Nam về khoa học - công nghệ, tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng tham gia công cuộc khám phá, nghiên cứu vũ trụ. 

Chia sẻ về chuyến bay lịch sử 40 năm trước, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, ông tham gia khóa huấn luyện của Liên Xô nhằm đào tạo nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ mất một năm bốn tháng, Phạm Tuân đã hoàn thành chương trình đào tạo mà không có sai sót nào, từ rèn luyện sức khỏe đến học tập, thi cử. Trong quá trình đào tạo, Phạm Tuân được lĩnh hội kiến thức từ những phi công giàu kinh nghiệm và đầy tận tâm. Với Trung tướng Phạm Tuân, chuyến bay và thời gian làm việc cùng nhà du hành vũ trụ V.Gorbatko thể hiện quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô. Mối quan hệ đó được thiết lập từ Trái đất, trên bầu trời, dưới biển và cả trong vũ trụ.

Tham tán Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, ông V.Bublikov khẳng định, ngày 23-7 hằng năm là ngày lễ thật sự trong quan hệ Nga - Việt. Đây là dịp để mọi người được lắng nghe những câu chuyện về chuyến bay vũ trụ phối hợp Xô - Việt lịch sử. Chuyến bay thể hiện sự đoàn kết, bên nhau của người dân hai nước. Tại các buổi lễ kỷ niệm, các đại biểu khẳng định, chuyến du hành vũ trụ 40 năm trước có ý nghĩa to lớn đối với việc đạt được các thành tựu khoa học vũ trụ thông qua quan sát và chụp ảnh Trái đất, tiến hành các thí nghiệm trong suốt những ngày làm việc của phi hành gia trên quỹ đạo.

40 năm đã trôi qua song những câu chuyện về chuyến bay vũ trụ phối hợp Xô - Việt lịch sử vẫn thường được nhắc tới. Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Liên Xô (trước đây), cũng như Liên bang Nga ngày nay. Chuyến bay cũng đặt nền móng ban đầu cho sự hợp tác giữa hai nước về khoa học - công nghệ, nhất là trong lĩnh vực không gian, vũ trụ.