Lời cảnh báo từ “Escape room”

Mới đây, năm thiếu nữ 15 tuổi tại Ba Lan đã thiệt mạng do không thể thoát khỏi căn phòng kín vì hỏa hoạn trong khi chơi trò giải đố tên gọi “Escape room”. Vụ việc tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho người chơi của những khu giải trí mô hình này.

Cảnh sát Ba Lan khám nghiệm hiện trường vụ hỏa hoạn. Ảnh: AP
Cảnh sát Ba Lan khám nghiệm hiện trường vụ hỏa hoạn. Ảnh: AP

Vụ hỏa hoạn thương tâm

Ngày 4-1, giới chức trách Ba Lan cho biết, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một phòng chơi game ở thành phố Koszalin, miền bắc Ba Lan khiến ít nhất năm thiếu nữ thiệt mạng và một người đàn ông bị thương nặng. Theo đó, hỏa hoạn bùng phát vào lúc 17 giờ chiều (giờ địa phương) tại phòng trò chơi nhập vai thực tế (Escape room - phòng thoát hiểm) rất phổ biến trong giới trẻ Ba Lan những năm gần đây.

Theo cảnh sát Ba Lan, sau khi dập tắt ngọn lửa bao trùm căn phòng, lính cứu hỏa phát hiện các nạn nhân đã tử vong tại hiện trường. Bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Joachim Brudzinski cho biết, những cô gái thiệt mạng đều 15 tuổi. Trong khi đó, một nhân viên nam 25 tuổi cũng bị bỏng nặng và đã được đưa đến bệnh viện địa phương để điều trị.

Hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP dẫn thông tin từ một nguồn tin cảnh sát tiết lộ, nguyên nhân dẫn đến cái chết của năm cô gái là do ngạt khí carbon dioxide (CO2). Phát biểu trước giới truyền thông, ông Joachim Brudzinski cho biết, các nạn nhân xấu số gặp nạn khi đang tổ chức tiệc sinh nhật cho một cô gái trong nhóm.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Brudzinski bày tỏ sự chia buồn với gia đình các nạn nhân, lấy làm tiếc trước “thảm kịch lớn” đã xảy ra, đồng thời nhấn mạnh cần phải thực hiện các biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn các sự cố tương tự. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Koszalin, ông Piotr Jedlinski đã quyết định để tang một ngày các nạn nhân trẻ tuổi xấu số vào ngày 6-1. Hàng trăm ngọn nến, đồ chơi và hoa trắng được gia đình, bạn bè, người qua đường để lại trước căn phòng xảy ra hỏa hoạn tưởng niệm các nạn nhân.

Theo BBC, điều tra ban đầu của cảnh sát cho thấy, nhiều khả năng đám cháy phát sinh từ một lỗ hổng khí gas trong hệ thống lò sưởi. Nhân viên nam bị bỏng trong vụ hỏa hoạn này khai với cảnh sát rằng, một trong những bình gas trong hệ thống sưởi đã phát ra âm thanh lạ và anh ta không thể sửa được. Sau đó, lửa bắt đầu cháy dữ dội và cắt đường đến cánh cửa của căn phòng bị khóa, nơi các cô gái đang chơi trò giải đố. Nhân viên này đã chạy ra khỏi tòa nhà và yêu cầu người qua đường gọi giúp đỡ, dù vậy, cũng không thể kịp thời dập tắt đám cháy.

Người đàn ông 28 tuổi tên là Milosz S., người thiết kế và quản lý địa điểm trò chơi khiến năm nữ sinh thiệt mạng đã bị giam giữ và chuẩn bị thẩm vấn. Công tố viên Ryszard Gasiorowski cho biết, Milosz S. bị buộc tội “cố ý tạo ra nguy cơ hỏa hoạn” và “vô tình gây ra cái chết” của các cô gái, khi để mặc hệ thống sưởi ấm của khu trò chơi bị lỗi và nơi đây không có lối thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp. Nếu bị kết án, anh ta có thể phải ngồi tù tới tám năm. Theo yêu cầu của các công tố viên, Milosz S. sẽ bị tạm giữ trong ba tháng trong khi cảnh sát tiến hành điều tra vụ án này.

Lời cảnh báo từ “Escape room” ảnh 1

Một căn phòng mẫu trong trò chơi Escape Room. Ảnh: AP

Nâng cao công tác quản lý

Theo BBC, vụ hỏa hoạn trên đã đặt ra những câu hỏi về cách thức tổ chức trò chơi tên gọi Escape room trên thế giới. Escape room xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 2007 dưới dạng một trò chơi điện tử. Bốn năm sau đó, trò chơi này đã được đưa vào đời thực và nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ trên toàn thế giới và thịnh hành cho tới ngày nay. Đây là một trò chơi giải đố mà một nhóm người chơi sẽ bị nhốt vào một căn phòng khóa kín, và phải tìm kiếm các manh mối để thoát ra ngoài trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một giờ đồng hồ).

Trò chơi tạo nhiều hứng thú cho người tham gia vì sự đa dạng về hình thức, từ căn phòng hiện đại, ma quái, nhà tù, bí ẩn, trinh thám cho đến gần gũi và dễ thương… Điểm chung lớn nhất chính là độ khó của các thử thách bắt buộc người chơi phải động não, tận dụng mọi giác quan của mình để phá giải. Tại châu Âu, trò chơi này được cho là xuất hiện lần đầu vào năm 2011, tại Hungary. Đến nay, Thủ đô Budapest của nước này được coi là trung tâm Escape room của thế giới. Trong khi đó, tại Anh, số khu trò chơi giải đố tăng vọt từ bảy khu năm 2013 lên hơn 1.000 năm 2017.

Trước sức hấp dẫn của Escape room, hãng Sony Pictures quyết định đưa trò chơi này lên một bộ phim cùng tên. Sau khi vụ hỏa hoạn nêu trên xảy ra, bộ phim này đã bị giới chức Ba Lan yêu cầu dừng chiếu.

Không chỉ vậy, lực lượng chức năng Ba Lan kiểm tra hơn 200 trong 1.100 địa điểm kinh doanh trò chơi Escape room, và giới chức nước này đã yêu cầu đóng cửa ít nhất 13 khu trò chơi phòng thoát hiểm do không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, các khu trò chơi bị buộc đóng cửa đều có vật liệu dễ cháy nổ nhưng lại không thiết kế lối thoát hiểm hợp lý, đẩy người chơi vào nguy cơ mắc kẹt khi nguy hiểm xảy ra.

Cảnh sát trưởng Jaroslaw Szymchot cho biết trước đó, các cảnh báo an toàn về trò chơi đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng song chính quyền địa phương đã không để tâm phổ biến các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Ba Lan là trường hợp đầu tiên người chơi gặp nạn và tử vong trong một căn phòng trò chơi giải đố. Dù vậy, sau khi vụ việc xảy ra, nhiều quốc gia tại châu Âu đã tiến hành rà soát những địa điểm tổ chức trò chơi này. Qua đó, lực lượng an ninh các nước cũng phát hiện nhiều sai phạm trong phòng cháy, chữa cháy của các chủ kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ sự an toàn của khách hàng.

Giới phân tích cho rằng, vụ việc vừa qua đã cho thấy sự lơ là trong công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu nhà chức trách Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung. Cần phải thắt chặt việc kiểm soát, đưa ra những chế tài thật nghiêm khắc, có hình phạt thật nặng đối với những sai phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy.