Kỳ quan metro của Moscow

Sau gần một thế kỷ xây dựng và phát triển, hệ thống tàu điện ngầm (metro) vẫn là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất ở Thủ đô Moscow (Nga). Dưới lòng đất thành phố hơn 12 triệu dân là một bảo tàng lịch sử, văn hóa với vô số điều thú vị, nơi thu hút không chỉ du khách, mà cả người dân Nga.

Moscow có nhiều ga tàu điện ngầm cổ kính.
Moscow có nhiều ga tàu điện ngầm cổ kính.

Thành phố ngầm thời chiến

Đáng lẽ người dân Nga có thể di chuyển dưới lòng đất từ sớm hơn, khi các dự án xây dựng metro đã bắt đầu được phát triển từ thế kỷ 19, song đều không khả thi. Nhiều người cho rằng, thời điểm đó, các giám mục nhà thờ từ chối dự án, coi đây là “giấc mơ tội lỗi” khi coi việc đi xuống lòng đất như là tự hạ thấp con người. Còn lý do chính đáng hơn là kinh tế không cho phép.

Phải đến khi gặp nhà sử học về metro Alexander Popov, câu trả lời mới thêm phần sáng tỏ. Vào thế kỷ 19, thủ đô của Nga vẫn là Saint Petersburg, do đó các kế hoạch xây dựng metro đều phải dành cho thành phố này. Những bản vẽ đầu tiên để tạo ra các đường ray dưới lòng đất đã xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ 19, nhưng vì kinh tế khó khăn sau chiến tranh, nên thay vì xây đường hầm dành cho người đi bộ dưới lòng sông Neva, “thủ đô phương Bắc” Saint Petersburg của nước Nga lại quyết định xây cầu cạn.

Theo tư liệu lịch sử, các dự án metro chi tiết nhất cho cả Moscow và Saint Petersburg được vẽ bởi cùng tác giả. Tại Moscow, người ta lên kế hoạch phá bỏ một số nhà thờ nằm ở những nơi cầu vượt đi qua, điều mà Giáo hội không đồng ý. Thêm nữa, thời điểm đó, Moscow muốn tập trung phát triển xe điện nên các dự án metro được xếp sang một bên. Và rồi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, sau đó là Cách mạng Tháng Mười Nga,… nên các dự án metro vào thời điểm đó bị đình trệ.

Giữa những năm 20 của thế kỷ trước, sau những thăng trầm của Liên Xô (trước đây), dự án metro khả thi trở lại ở Moscow. Do thiếu kinh nghiệm thi công và chưa hình dung hết những khó khăn phía trước, Hội đồng thành phố Moscow quyết định đặt hàng Đức, Pháp và Anh. Vì có địa chất rất đa dạng nên Moscow không chọn dự án riêng biệt nào mà kết hợp cả ba thiết kế và phương án của thành phố, để thông qua bản vẽ. Mùa thu năm 1931, cuộc đào hầm thử nghiệm được triển khai, song tranh cãi về xây dựng khu vực nào, ở độ sâu bao nhiêu vẫn tiếp tục cho đến mùa xuân năm 1933.

Tàu điện ngầm bắt đầu hoạt động vào ngày 15-5-1935. Những bức tường dày với quốc huy và chữ nổi Liên Xô, các ngọn đèn có đế đồng được chạm khắc tinh vi cùng họa tiết hình bông lúa, tranh ghép sứ, đá cẩm thạch,… toát lên vẻ lộng lẫy của metro Moscow. Nhiều người tin rằng, trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945), một thành phố ngầm đã tồn tại trong metro của Moscow. Chúng tôi ghé bến Kurskaya để tìm lại các chi tiết của thư viện thời chiến tranh, đến Chistye Prudy để ngắm nơi một thời là Trụ sở của Bộ chỉ huy tối cao và Văn phòng Stalin, nơi tàu chạy tới không ngừng. Trong các cuộc tập kích của máy bay ném bom Đức, tàu điện ngầm hoạt động ở chế độ tránh bom. Khi đó, phụ nữ, trẻ em trú ẩn tại các nhà ga, còn đường hầm dành cho nam giới. Chúng tôi dò hỏi về những địa điểm từng là cửa hàng bán đồ ăn, tiệm làm tóc trong metro thời chiến tranh, nhưng chẳng ai có thể chỉ chính xác. Họ chỉ nói có biết về điều đó nhưng giờ chỉ còn lại vẻ đẹp cổ kính vượt thời gian.

Nhiều người còn tin rằng, có một mạng lưới liên lạc ngầm bí mật dưới lòng đất Moscow. Cũng có thông tin về những nhà ga bí ẩn từng không xuất hiện trên bản đồ. Còn người bảo vệ ở bến Taganskaya nói với chúng tôi bằng giọng quả quyết, mọi người có thể tự thăm thú và đánh giá hình thái của cấu trúc xây dựng, từ đó có câu trả lời cho riêng mình.

Từ bến Taganskaya, có thể đến hầm số 42, hiện là Bảo tàng Chiến tranh Lạnh. Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, vào năm 2007, căn hầm bí mật này mới được người dân Nga biết đến. Ở độ sâu 65 m so mặt đất, tương đương một tòa nhà 18 tầng, căn hầm số 42 là một trong những cơ sở quân sự bí mật nhất thời Liên Xô. Trong 30 năm, Bộ chỉ huy Không quân tầm xa của Liên Xô đóng quân ở đây. Các sĩ quan chia thành từng nhóm nhỏ, sử dụng lối ra, vào tàu điện ngầm và khoác trên mình quần áo dân sự.

Những điều thú vị

Rời bến Taganskaya, chúng tôi đi lên mặt đất. Cần phải nói lại rằng, bạn hoàn toàn có thể đi từ đầu này đến đầu kia thành phố chỉ bằng một lượt vé metro. Trên đường, tôi gặp Anton đang say sưa đàn hát trong hầm đi bộ sát bến metro. Tiếng hát vang cả lối đi và anh chàng người Nga 30 tuổi tiết lộ đã được nhiều người khen ngợi, tôi tò mò hỏi vì sao Anton không biểu diễn trong metro. Anh cười bảo, nhiều người hâm mộ đang chờ anh trong bến tàu, nhưng vì dịch Covid-19 nên ca sĩ không được diễn trong metro.

Anton tham gia dự án “âm nhạc dưới đất”, chương trình cung cấp địa điểm biểu diễn cho các nghệ sĩ đường phố. Để trở thành ca sĩ của metro, cần đăng ký bằng đơn, vượt qua vòng thử giọng mới có thể biểu diễn. Qua thử thách, họ có thể tự đặt lịch biểu diễn tại hơn 30 điểm nổi tiếng trong lòng đất.

Hành trình khám phá những điều thú vị dưới lòng đất của chúng tôi bất ngờ bị cảnh sát chặn lại, vì trong nhóm có người không đeo khẩu trang. Trong giai đoạn dịch Covid-19, cảnh sát xuất hiện nhiều hơn tại mỗi bến. Có một văn phòng chứa các tài sản bị đánh cắp hoặc bỏ quên trong hệ thống metro của Moscow. Chủ đồ vật không nhất thiết phải đến đó để khai báo, chỉ cần gọi điện hoặc yêu cầu tìm kiếm qua ứng dụng. Hằng tháng, danh sách những đồ vật này được chia sẻ, thường là xe nôi, nồi niêu, nệm hơi, máy dò kim loại và cả luận văn tốt nghiệp…

Mỗi ngày, thủ đô của nước Nga ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới Covid-19, nhưng metro thì vẫn đông như thường. Anastasia, cô gái tại quầy hỗ trợ thông tin ở bến Kievskay phủ nhận việc metro vắng hơn trong đại dịch, dù sự thật là không còn nhiều du khách nước ngoài. Hằng năm, có vô số du khách nước ngoài xuống metro để du ngoạn. Họ muốn tận mắt chứng kiến vẻ đẹp riêng biệt, tìm hiểu lịch sử mỗi nhà ga hiện trên các cửa sổ kính mầu phủ hoa văn, các tác phẩm điêu khắc, bảng lưu niệm, đèn chùm và đường viền trần…

Người Moscow thích đón năm mới ở nhà hoặc ra ngoại ô, nhường không gian metro cho người ở các vùng miền khác. Trong chuyến du lịch lên thủ đô dịp năm mới, người Nga không thể bỏ qua những truyền thống metro phổ biến. Như để may mắn, họ xoa mũi chú chó bằng đồng hay để có cuộc hẹn hò thành công, họ xoa chiếc giày bức tượng một nữ sinh viên trong bến Quảng trường Cách mạng. Dina, cô gái Nga làm nghề phiên dịch, chỉ cho chúng tôi chú gà trống bằng đồng sáng lóa và khuyên những vị khách từ Việt Nam xoa tay lấy may đầu năm. “Có thể không hiệu nghiệm, nhưng những điều này đã là văn hóa metro rồi”, Dina nói. Cô gái tóc vàng, mắt nâu còn nói chắc chắn với chúng tôi rằng, metro Moscow mang phong cách cổ kính vào loại nhất thế giới. Ở Anh, Mỹ hay Trung Quốc, chúng hiện đại hơn, nhưng điều đó không hấp dẫn du khách như ở Moscow.

Metro Moscow là sự giao thoa mềm mại giữa cổ kính và hiện đại. Hàng loạt tàu hiện đại không vách ngăn, trang bị ổ xạc điện thoại, phủ sóng wifi, cùng nhiều tiện ích khác đang lướt nhẹ trên đường ray. Năm 2020, Moscow đã khai trương bảy nhà ga mới, rút ngắn trung bình nửa giờ đi lại của người dân. Năm nay, dự kiến 11 nhà ga mới mở cửa phục vụ hành khách hứa hẹn sẽ là những kỳ quan của Thủ đô nước Nga.