Kiến trúc sư của ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (sinh ngày 15-5-1921) được xem là người thầy của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam, là người đi tiên phong, đặt nền móng cho công tác xây dựng và phát triển đội ngũ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Nhiều đóng góp quan trọng và sáng kiến đổi mới mang tính đột phá của ông đã được chia sẻ tại Tọa đàm khoa học “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại” tổ chức tại Hà Nội ngày 16-4 vừa qua.

Quang cảnh buổi tọa đàm tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi tọa đàm tại Hà Nội.

Sáng kiến mang dấu ấn Nguyễn Cơ Thạch

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Khoan nhấn mạnh rằng, giai đoạn cuối những năm 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước ta đang chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, và: “Ông Nguyễn Cơ Thạch giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1980 trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn. Đất nước trải qua giai đoạn kinh tế trì trệ, đời sống thiếu thốn, các nước đồng minh như Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã. Còn về đối ngoại, đất nước rơi vào tình thế bị bao vây cô lập do vấn đề Campuchia. Khó khăn liên tiếp đặt nước ta vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và đó cũng là lúc đặt ra yêu cầu cho ngành ngoại giao tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, tiến tới bình thường hóa quan hệ với các nước, đẩy lùi bao vây cấm vận, phát triển kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, tình hình thay đổi nhưng đội ngũ chưa thay đổi, trình độ kiến thức, nghiệp vụ về các lĩnh vực kinh tế đều còn yếu vì trước đó, toàn bộ ngành ngoại giao cũng như các ngành khác đều phải lao vào chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp hầu như còn rất thiếu. Và PTT Vũ Khoan chia sẻ: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đi tiên phong, đưa ra chủ trương quyết liệt và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng ngành ngoại giao ngay khi đất nước vừa mới ra khỏi chiến tranh và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các chủ trương của ông Nguyễn Cơ Thạch đề ra bao gồm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, gấp rút bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, cải tiến tổ chức bộ máy và phương pháp làm việc,... đã được triển khai rất thành công.

Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng nhận định đây là giai đoạn mà nền ngoại giao của Việt Nam đánh dấu nhiều nỗ lực mở rộng quan hệ quốc tế, với việc Việt Nam trở thành thành viên không chính thức của Phong trào không liên kết (năm 1976), thành viên Liên hợp quốc (năm 1977),… đồng thời gia nhập nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng. Tuy vậy, do vấn đề Campuchia, việc triển khai công tác ngoại giao của Việt Nam giai đoạn này cũng vô cùng thử thách.

Tuy nhiên, nhiều sáng kiến ngoại giao đa phương ở thời kỳ này, như sáng kiến tổ chức tiệc rượu “Cocktail party” đã được Việt Nam hưởng ứng và thực hiện thành công. Theo ghi chép trong cuốn Ngoại giao Việt Nam (1945 - 2000) của NXB Chính trị Quốc gia, sáng kiến trên được nêu ra ngày 29-7-1987 trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Việt Nam và Indonesia tại TP Hồ Chí Minh. Đây là sáng kiến để các bên gặp gỡ, trao đổi ý kiến, bàn bạc nhằm tháo gỡ các bế tắc trong tiến trình giải quyết vấn đề. “Cocktail party” được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) năm 1987, khi đó Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch họp với các bên Campuchia và đã làm chuyển động tình hình theo hướng tích cực, có lợi cho Việt Nam. Sáng kiến có sự tham gia của các bên Campuchia và Việt Nam cùng các nước có liên quan, được coi như một hội nghị không chính thức, giúp các phái Campuchia cũng như hai khối nước khác nhau ở thời điểm đó là ASEAN (do Indonesia đại diện) và ba nước Đông Dương (do Việt Nam đại diện) có thể ngồi lại với nhau, điều hòa lập trường khác biệt. Sáng kiến này đưa đến một kết quả tốt đẹp, mở ra quá trình đối thoại nhằm giải quyết hòa bình và mở đường cho việc cải thiện quan hệ Việt Nam và ASEAN.

Tầm nhìn của “tư lệnh ngành”

Theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đóng vai trò chủ chốt đưa ngành ngoại giao góp phần quan trọng vào khôi phục kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề. Ông là nhà lãnh đạo ngoại giao dẫn đầu đoàn Việt Nam lần đầu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) năm 1989, nối lại quan hệ với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức của LHQ, bước đầu mở ra quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.

Trong các chuyến công tác, ông luôn chủ động tìm hiểu kinh nghiệm các nước về chống lạm phát, cải cách, mở cửa, về khái niệm kinh tế thị trường,… qua đó góp phần đổi mới tư duy kinh tế phục vụ công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế sau này. Ông Toàn nhớ lại: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đưa về Việt Nam và yêu cầu dịch, phát hành cuốn sách của hai nhà kinh tế Mỹ. Đó là cuốn “Kinh tế học” của Paul A.Samuelson và William D.Nordhaus, đề cập sâu khái niệm kinh tế thị trường, khi đó còn rất mới, thậm chí chưa xuất hiện ở Việt Nam. Ông cũng đứng ra tổ chức, đề xuất mời nhiều trí thức Việt kiều về nước hoặc mời các giáo sư kinh tế nổi tiếng nước ngoài đến Việt Nam nói chuyện về lý thuyết kinh tế tư bản hay kinh tế thị trường, để phổ cập các kiến thức mới đó tới các cán bộ lãnh đạo và nhân viên Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, đối với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đối ngoại và xây dựng ngành ngoại giao là hai mảng công tác có quan hệ mật thiết, luôn gắn bó chặt chẽ. Nhiều cán bộ kỳ cựu trong ngành ngoại giao vẫn còn nhớ từng nhiều lần nghe “tư lệnh ngành” Nguyễn Cơ Thạch nhắc nhở mọi người thường xuyên đọc sách, cập nhật kiến thức để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công việc.

Viết về nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trên tờ The Washington Post tháng 11-1980, nhà báo Elizabeth Becker từng dẫn lời các cán bộ Việt Nam cũng như nhiều nhà ngoại giao quốc tế, bày tỏ ngưỡng mộ ông vì sự thông minh, tinh tế, hóm hỉnh và kiên cường. Đó là những ấn tượng của một nhà báo nước ngoài về “tư lệnh ngành” ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ, được viết ra hết sức khách quan, trung thực.

Còn theo Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, một vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tâm niệm nữa là yêu cầu phải tăng cường công tác nghiên cứu, lý luận của các cán bộ ngành ngoại giao. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất coi trọng công tác nghiên cứu, đã yêu cầu cán bộ ngành ngoại giao muốn làm tốt nhiệm vụ thì phải nghiên cứu và phải xuất phát từ những việc cơ bản nhất; đồng thời cho triển khai hàng loạt sáng kiến giúp xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, như thành lập các viện và ban nghiên cứu; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu; sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao để biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ…

Tọa đàm “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại” là sự kiện chính thức đầu tiên mở đầu chuỗi hoạt động từ nay tới giữa tháng 5 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15-5-1921 - 15-5-2021).