Kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ của Nhật Bản

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vào Thái Bình Dương. Quyết định này của Tokyo đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về mức độ an toàn của nước nhiễm phóng xạ khi được đổ ra biển, bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định quá trình xả thải này phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà máy phải bơm nước làm nguội khi các lò hạt nhân bị nóng chảy năm 2011. Ảnh: AFP
Nhà máy phải bơm nước làm nguội khi các lò hạt nhân bị nóng chảy năm 2011. Ảnh: AFP

Các bồn chứa quá tải

Ngày 13-4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố nước này sẽ xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 xuống biển. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của ông Suga với các thành viên Chính phủ Nhật Bản. Ông Suga cho biết: “Việc thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý là vấn đề không thể tránh khỏi đối với việc ngừng hoạt động Nhà máy Fukushima số 1”.

Theo Thủ tướng Nhật Bản, sau khi xây dựng xong các cơ sở hạ tầng có liên quan việc xả thải, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả nước trong hai năm tới và quá trình này dự kiến kéo dài trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản cam kết giám sát quá trình xả thải trong điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, cũng như thực hiện những bước đi vững chắc để ngăn chặn thiệt hại cho ngành thủy, hải sản và môi trường. Trước đó, tháng 2-2020, một ủy ban của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từng đưa ra kết luận, việc xả nước đã qua xử lý ra biển và làm bay hơi nước đều là phương án khả thi.

Việc dồn ứ nước nhiễm phóng xạ tại Nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản bắt nguồn từ trận động đất khủng khiếp mạnh 9 độ richter ngày 11-3-2011. Trận động đất đã kích hoạt sóng thần, dẫn đến tình trạng mất điện ở các lò phản ứng từ số 1 đến 4. Hậu quả là các lò 1, 2 và 3 bị nóng chảy, buộc ban lãnh đạo nhà máy phải bơm nước biển làm nguội. Bên cạnh đó, nước ngầm tại khu vực cũng bị nhiễm phóng xạ.

Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, việc xả thải là cần thiết bởi hiện tại, khối lượng nước tại Nhà máy Fukushima số 1 đã hơn 1,25 triệu tấn, gần vượt quá sức chứa của các bồn đặt trong khuôn viên nhà máy. Dự kiến, tới mùa thu năm 2022 sẽ không còn chỗ chứa dành cho loại nước nhiễm phóng xạ. Giới chức Nhật Bản cam kết, trước khi thải ra biển, nước trong các lò hạt nhân đã được xử lý bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết chất phóng xạ, chỉ còn lại chất triti. Tuy nhiên, nồng độ triti sẽ được làm loãng theo tiêu chuẩn an toàn do Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định trước khi được xả ra biển.

Triti là chất phóng xạ sản sinh trong quá trình hoạt động bình thường của các nhà máy điện hạt nhân. IAEA cho rằng, nước nhiễm triti không gây nguy cơ nhiều cho cơ thể con người ngay cả khi uống vào nếu hàm lượng thấp và sẽ sớm bị bài tiết. Trong khi đó, theo các chuyên gia Nhật Bản, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 từng xả triti ra biển vào năm 2010 và đến nay không gây hậu quả nào. IAEA cũng chỉ ra rằng, các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới như Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á của Trung Quốc, Nhà máy Callaway tại Mỹ, Nhà máy Darlington của Canada cũng từng xả thải nước có chứa triti ra biển.

Kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ của Nhật Bản -0
Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ của nhà máy sắp trở nên quá tải. Ảnh: AP 

Những ý kiến trái chiều

Sau khi thông báo của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra, ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA đã hoan nghênh quyết định trên, đánh giá đây là bước tiến quan trọng trong công tác tháo dỡ Nhà máy Fukushima số 1. Người đứng đầu IAEA cũng khẳng định, phương pháp mà Nhật Bản lựa chọn vừa khả thi về mặt kỹ thuật, vừa phù hợp thông lệ quốc tế. Việc xả nước một cách có kiểm soát ra biển được các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành trên khắp thế giới thực hiện thường xuyên dựa trên tiêu chuẩn môi trường và an toàn nghiêm ngặt. Để bảo đảm an toàn và minh bạch, IAEA sẽ cử nhóm đánh giá đến Nhật Bản để giám sát việc xả thải.

Trong cuộc gặp hôm 18-4 vừa qua với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Thủ đô Seoul, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Mỹ tin tưởng Chính phủ Nhật Bản đang tham vấn đầy đủ với IAEA. IAEA đã thiết lập một quy trình rất nghiêm ngặt và Mỹ hoàn toàn tin rằng Nhật Bản đã cân nhắc tất cả lựa chọn và rất minh bạch về quyết định này”. Ông Kerry cũng cho biết, Washington sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Nhật Bản “như mọi quốc gia, để bảo đảm không có mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nào”.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc và Trung Quốc bày tỏ phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, sau khi có thông tin về kế hoạch xả thải của Tokyo, các quan chức Seoul cùng những người đồng cấp Trung Quốc đã có cuộc họp khẩn. Trong cuộc họp, giới chức Hàn Quốc và Trung Quốc đều quan ngại sâu sắc, cho rằng Tokyo đã vội vã đưa ra quyết định xả thải mà không tham vấn các nước láng giềng.

Theo Yonhap News, Hàn Quốc cho rằng nước nhiễm xạ trong các bể chứa tại nhà máy Fukushima không chỉ chứa triti mà còn có các chất phóng xạ nguy hiểm khác. Mặc dù đã được xử lý nhưng khoảng 70% lượng nước này còn chứa các chất có hại khác như cesi, stronti hay iodine. 

Trước “những nguy cơ tiềm ẩn” từ quá trình xả nước thải của Nhật Bản, Bộ trưởng Đại dương Hàn Quốc Park Jun-young cam kết, nước này sẽ nỗ lực bằng mọi cách để bảo vệ người dân và tăng cường giám sát các loại hải sản nhập khẩu. Bộ Đại dương Hàn Quốc cũng lên kế hoạch chuẩn bị các biện pháp ứng phó cụ thể, trong đó có việc tăng cường kiểm tra nồng độ phóng xạ tại các vùng biển trong hải phận nước này và mở rộng kiểm tra các loại hải sản nhập khẩu. Dù vậy, ông Park cho rằng ưu tiên hàng đầu là tác động để phía Nhật Bản xem xét lại quyết định xả thải. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thậm chí yêu cầu xem xét khả năng đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Trước phản ứng gay gắt từ phía các nước láng giềng, ngày 19-4 vừa qua, giới chức Nhật Bản đã đề cập khả năng các chuyên gia Hàn Quốc có thể tham gia nhóm chuyên gia do IAEA dẫn đầu nhằm giám sát việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. “Hàn Quốc có thể cử nhân lực tham gia đội giám sát kế hoạch do IAEA dẫn đầu, tuy nhiên vấn đề này còn tùy thuộc quá trình tham vấn giữa IAEA và Chính phủ Hàn Quốc”, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koichi Aiboshi cho biết.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi phía Nhật Bản thể hiện sự minh bạch và thông báo cho tất cả các quốc gia liên quan về những hành động của mình. Bà Zakharova nhấn mạnh, Nga đang chờ đợi Nhật Bản có những giải thích chi tiết hơn, đồng thời đề nghị Tokyo không gây khó khăn cho hoạt động kinh tế của các quốc gia khác, kể cả trong ngành đánh bắt cá.

Giới phân tích cho rằng, xả thải nước nhiễm phóng xạ dù đã qua xử lý ra biển là vấn đề khiến cộng đồng quan ngại. Do đó, Chính phủ Nhật Bản nên cẩn trọng trong các bước đi và cần tham vấn các bên liên quan trước khi quyết định hành động.