Kế hoạch phòng thủ chiến tranh mạng

Ngày 1-4 vừa qua, Nga thông báo sẽ thử nghiệm ngắt kết nối toàn bộ quốc gia khỏi mạng internet toàn cầu. Động thái trên được xem là cuộc thử nghiệm khả năng phòng thủ an ninh mạng của nước này để xây dựng một mạng lưới internet độc lập, bảo vệ Nga khỏi mối đe dọa từ bên ngoài.

Tổng thống Nga V.Putin tham dự Diễn đàn Kinh tế mạng của Nga. Ảnh: KREMLIN.RU
Tổng thống Nga V.Putin tham dự Diễn đàn Kinh tế mạng của Nga. Ảnh: KREMLIN.RU

Ngày 28-3 vừa qua, Cơ quan Giám sát truyền thông Nga đề xuất các nhà khai thác viễn thông bắt đầu thử nghiệm hệ thống lọc lưu lượng truy cập, nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng độc lập, bảo đảm hoạt động của các trang web trong trường hợp không kết nối được với các máy chủ internet nước ngoài. Đây được cho là bước đầu tiên trong việc ngắt kết nối với internet toàn cầu, tạo ra mạng lưới internet riêng của nước Nga. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật ngắt kết nối với internet toàn cầu để tạo lập một mạng internet tự chủ tên gọi “Runet” (Internet in Russia).

Theo Hãng thông tấn TASS, trước đây, như phần lớn các nước khác trên thế giới, Nga cho phép dữ liệu được đi qua các máy chủ ở nước ngoài, tuy nhiên điều này khiến nguy cơ dữ liệu rò rỉ và bị can thiệp cao hơn bao giờ hết. Do đó, việc ngắt kết nối với internet toàn cầu được đưa ra nhằm mục đích xây dựng một mạng internet độc lập, bảo vệ Nga khỏi mối đe dọa bên ngoài. Cuộc thử nghiệm này cũng nằm trong khuôn khổ “Chương trình Quốc gia về kinh tế số” nhằm thu thập dữ liệu để xây dựng Runet với một số khái niệm như: “hệ thống lọc nội dung”, “cơ chế chặn”, thậm chí là “phép thử chủ quyền”.

Giới chức Nga đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ điều hướng 95% lưu lượng internet của nước này chỉ lưu chuyển ở nội bộ quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề xuất xây dựng một phiên bản riêng chỉ sử dụng tại Nga của hệ thống định tuyến tên miền (DNS), vốn đang được sử dụng phổ biến trên mạng internet toàn cầu. Hiện tại có 12 tổ chức giám sát các máy chủ chính cho DNS song không máy chủ nào đặt tại Nga. Do đó, hệ thống này được cho là thành phần chủ chốt của Runet khi các nhà cung cấp dịch vụ mạng lên kế hoạch ngắt kết nối quốc gia này khỏi phần còn lại của internet quốc tế.

Ước tính, đến thời điểm này, chi phí xây dựng Runet là khoảng 30 tỷ rub (khoảng 450 triệu USD), thay vì 20 tỷ rub (hơn 300 triệu USD) theo dự kiến ban đầu. Đây được cho là chưa phải con số cuối cùng để tạo ra cơ sở hạ tầng độc lập giúp internet không bị gián đoạn hoạt động ở Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh mạng.

Kế hoạch phòng thủ chiến tranh mạng ảnh 1

Một đơn vị tác chiến điện tử của quân đội Nga. Ảnh: RIA NOVOSTI

Theo BBC, những đồn đoán về việc Nga ngắt kết nối với internet toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga khi đó, phủ nhận thông tin, cho rằng việc này là chưa cần thiết. Chính phủ Nga trước đó đã kiểm soát quyền tự do internet một cách chặt chẽ từ việc bắt buộc người dân đăng ký truy cập wifi công cộng cho đến vấn đề blog cá nhân. Năm 2014, các nhà lập pháp Nga đã đề xuất các công ty nước ngoài cần phải lưu trữ dữ liệu liên quan nước này trên lãnh thổ Nga để bảo đảm vấn đề an ninh mạng.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc Nga thay đổi chiến lược và gấp rút tiến hành ngắt kết nối với internet toàn cầu, xây dựng mạng lưới internet độc lập được cho là hoàn toàn có cơ sở. Trong ba năm gần đây, nước này đang chịu sự đe dọa trừng phạt từ các nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Mỹ, khi Nhà trắng công bố Chiến lược An ninh quốc gia 2018, trong đó cáo buộc nhiều cuộc tiến công mạng nhằm vào Mỹ đến từ Nga, Trung Quốc, Iran và CHDCND Triều Tiên. Dù đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ này, nhưng Nga vẫn không nhận được sự tin tưởng của phương Tây.

Trong một bài phát biểu vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chính sách thông tin, Công nghệ thông tin, Truyền thông của Hạ viện Nga Leonid Levin cho biết: “Phương Tây kêu gọi gia tăng áp lực với đất nước chúng ta, buộc chúng ta phải nghĩ đến các biện pháp bổ sung để bảo vệ chủ quyền nước Nga trong không gian mạng. Việc Nga ngắt kết nối khỏi mạng máy tính toàn cầu là một trong các kịch bản có thể xảy ra khi mà căng thẳng quốc tế leo thang”.

Nhằm chuẩn bị cho Runet, giữa tháng 3 vừa qua, Quân đội Nga đã thử nghiệm xây dựng mạng lưới riêng có tên Mạng truyền tải thông tin đa dịch vụ (MTSS). Dự án dự kiến kéo dài trong hai năm, giai đoạn đầu sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Mạng MTSS sử dụng đường truyền cáp quang, có công cụ tìm kiếm riêng và dịch vụ điện toán đám mây phục vụ nhu cầu của lực lượng. Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, MTSS sẽ không kết nối với mạng internet toàn cầu để tránh bị tin tặc tiến công. MTSS có nhật ký ghi lại hoạt động và danh tính của quân nhân. Cơ sở dữ liệu trong MTSS sẽ cập nhật liên tục thông tin về các hoạt động của tất cả các quân, binh chủng trong lực lượng vũ trang Nga.

Ngay khi được công bố, thông tin về việc ngắt kết nối với mạng internet toàn cầu của Chính phủ Nga đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhà phân tích chính trị Yuri Samonkin, người ủng hộ kế hoạch này cho rằng: “Runet đóng vai trò như một “túi khí an toàn” trong trường hợp gặp tai nạn”. Nhà phân tích này cũng nhận định, một mạng lưới riêng cũng giúp Nga đề phòng trường hợp bị xâm nhập từ thế giới bên ngoài nhằm phục vụ những mục đích xấu. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet ở Nga cũng đồng tình với các mục tiêu của dự luật này, nhưng băn khoăn các biện pháp triển khai về mặt kỹ thuật. Họ cho rằng việc làm đó có thể gây ra những gián đoạn lớn với hoạt động internet của nước Nga. Trong nhiều năm, người dân và doanh nghiệp Nga đã và đang hoạt động sâu, rộng vào internet thế giới. Khi ngắt kết nối internet toàn cầu, nhiều khả năng là người dân Nga sẽ phải chia tay với các dịch vụ tiện ích cung cấp từ nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, khi internet đã phát triển một cách rộng khắp, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân, việc Nga quyết định áp đặt cả một hệ thống kiến trúc mới cho nó sẽ là bài toán khó khăn.