Kế hoạch phát triển năng lượng của APEC

Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các nền kinh tế thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hiện tiêu thụ hơn 90% tổng khối lượng năng lượng trên thế giới. Trong đó, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất. Để bảo đảm an ninh năng lượng cho APEC trong vòng 30 năm tới, các quốc gia nhận định cần phải có một kế hoạch phát triển đồng bộ, và các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt. 

Hội thảo về năng lượng sạch được APEC tổ chức năm 2018. Ảnh: AP
Hội thảo về năng lượng sạch được APEC tổ chức năm 2018. Ảnh: AP

Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng

Theo RIA Novosti, tại cuộc hội thảo về đề tài bối cảnh phát triển thị trường năng lượng do APEC tổ chức hồi tháng 12-2019, Trợ lý Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu năng lượng châu Á - Thái Bình Dương, ông David Wogan cho biết, ước tính đến năm 2050, tổng nhu cầu năng lượng của các nước APEC sẽ tăng 21% so năm 2016; tổng nguồn cung dầu trong khu vực APEC sẽ tăng từ 8 đến 10 tỷ tấn. Trung Quốc và Đông - Nam Á sẽ tiêu thụ khoảng 70% tổng khối lượng khai thác năng lượng. 

Dự báo đến năm 2050, các lĩnh vực xây dựng và giao thông ở các nước thành viên APEC sẽ đòi hỏi nguồn cung năng lượng rất lớn. Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhu cầu năng lượng sẽ tăng 28%. Nếu tính cả vận tải hàng không và hàng hải quốc tế, tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong lĩnh vực này sẽ lên đến 30%. Trong ngành công nghiệp, nhu cầu năng lượng để phục vụ sản xuất vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Hiện tại, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này cho đến năm 2050. Theo ông Wogan, Đông - Nam Á là khu vực tăng trưởng nhanh nhất nhờ sự gia tăng mạnh về dân số và hoạt động kinh tế. Nhìn chung, nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu, khí tự nhiên) sẽ vẫn chiếm ưu thế trong toàn bộ nguồn cung năng lượng. Sản lượng khai thác than sẽ giảm và khai thác khí đốt sẽ tăng, do chi phí khai thác khí đốt thấp hơn và sự phát triển nhanh của công nghệ khai thác dầu đá phiến, với thị trường chủ lực là Mỹ. 

Theo báo cáo “Triển vọng năng lượng thế giới” của IEA, trong vòng 10 năm qua, sản lượng sử dụng khí thiên nhiên đã vượt qua sản lượng sử dụng than đá. Đến năm 2030, sản lượng sử dụng khí thiên nhiên trên toàn cầu sẽ tăng đột biến. Các chuyên gia nhận định, khí thiên nhiên là nguồn năng lượng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Từ năm 2001 đến năm 2025, sản lượng khí thiên nhiên sẽ tăng 70%, đạt mức khai thác 4,28 tỷ m³ vào năm 2025, tăng 12% so sản lượng than đá. 

Thực tế cho thấy, nhu cầu năng lượng toàn cầu gia tăng từng ngày song không đồng đều giữa các quốc gia và ngành công nghiệp. Nhu cầu năng lượng lớn nhất thuộc về các quốc gia đang phát triển, chiếm khoảng hai phần ba nhu cầu năng lượng thế giới. Nhu cầu về dầu lửa trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày cũng như dự trữ chiến lược của các nền kinh tế APEC ngày càng tăng cao. 

Trong khi đó, các nước sản xuất dầu mỏ đã đạt mức trần của sản xuất. Hiện nay, mỏ dầu đang khai thác lớn nhất trên thế giới là Ghawar ở Saudi Arabia, với công suất 5 triệu thùng/ngày, được dự báo sẽ không duy trì lâu. Các mỏ dầu quan trọng ở khu vực Trung Đông, biển Bắc Âu cũng đang giảm dần sản lượng khai thác do trữ lượng ngày càng ít đi. Riêng các mỏ dầu tại Iraq có trữ lượng lớn nhưng những bất ổn về chính trị - an ninh tại nước này cản trở quá trình khai thác. Tại Iran, nguồn cung dầu mỏ cũng bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã trở thành thách thức đối với các nhà lãnh đạo APEC trong việc điều chỉnh lượng khai thác sao cho hợp lý, tránh rơi vào xung đột, mâu thuẫn.

Chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng

Theo dự báo của trang nghiên cứu Science Direct, thời gian tới tiêu thụ năng lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng nhanh. Điều quan trọng là các quốc gia cần hiểu rõ việc khai thác và sử dụng năng lượng sao cho đồng đều, từ đó tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu kép của APEC là vào năm 2035 sẽ giảm được 45% nhu cầu sử dụng năng lượng của mức năm 2005; đến năm 2030 tăng gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong khai thác năng lượng hỗn hợp so năm 2010. Giới chuyên gia khuyến nghị, để bảo đảm an ninh năng lượng cho tăng trưởng kinh tế của các nước APEC trong 30 năm tới, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào bốn cách thức sau:

Trước hết, cần sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện đang là mục tiêu ưu tiên hướng tới của nhiều quốc gia. Nếu sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả có thể giảm được từ 15% đến 20% lượng điện tiêu thụ, qua đó giảm việc xây dựng từ 1 - 2 nhà máy điện mới. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, đặc biệt qua việc giảm tiêu thụ dầu mỏ, sẽ đem lại cho các chính phủ những lợi ích lớn như bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Tiếp đó là phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Cùng với tiết kiệm năng lượng, chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống, năng lượng hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, đại dương…) và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng của APEC. Năm 2050, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chiếm tới một nửa sản lượng thương mại và đầu tư toàn cầu. Muốn giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng như hiện nay, khu vực này cần phải bảo đảm an ninh năng lượng và thay đổi hướng phát triển truyền thống phát sinh nhiều carbon, lãng phí tài nguyên, hướng tới tăng trưởng bền vững, tăng cường sử dụng các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng cũng là một hướng đi hiệu quả. Sử dụng năng lượng hiệu quả đòi hỏi công nghệ phức tạp và nguồn vốn đầu tư rất lớn, nên việc huy động vốn cho phát triển ngành năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đổi mới, cải tiến công nghệ để tiêu thụ và tiêu tốn ít năng lượng hơn nhưng vẫn bảo đảm đạt được hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, cần rà soát và thải loại các công nghệ cũ, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng.

Cuối cùng, các nước APEC cần đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là mô hình tăng trưởng mới, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Tăng trưởng xanh là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, xây dựng lại kết cấu hạ tầng để sử dụng mọi nguồn lực hiệu quả hơn, tăng trưởng và phát triển hài hòa, bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng xanh tạo tiềm năng to lớn đề phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “đại nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”.