Huyền thoại “Con đường sống”

Trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, trận chiến phá vỡ vòng vây thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg) của Nga là cuộc phòng thủ dài ngày nhất của quân đội Liên Xô (trước đây) trước phát-xít Đức. Trong cuộc chiến này, tuyến đường vận tải qua hồ Ladoga ở Leningrad mang tên “Con đường sống” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đó là lối đi duy nhất vào thành phố, phục vụ tiếp tế lương thực, súng, đạn, thuốc chữa bệnh cũng như sơ tán người dân. 

Tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên hồ Ladoga. Ảnh: VODA.ORG.RU
Tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên hồ Ladoga. Ảnh: VODA.ORG.RU

Tuyến đường chiến lược trên băng

Từ Saint Petersburg, xe đưa chúng tôi đến thăm tổ hợp bảo tàng và khu tưởng niệm “Con đường sống” tại tỉnh Leningrad. Các tư liệu tại bảo tàng và tài liệu báo chí đặc tả lại 872 ngày khốc liệt khi TP Leningrad bị phong tỏa (từ ngày 8-9-1941 đến 27-1-1944). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát-xít Đức muốn nhanh chóng kết liễu Leningrad, vì cho rằng điều đó sẽ khiến Moscow phải chịu thất bại. Nhưng kế hoạch của quân Đức đã đổ vỡ.

Không thể đánh nhanh thắng nhanh, phát-xít Đức quyết định cô lập Leningrad. Theo đó, đường cao tốc và đường sắt kết nối Leningrad với các địa phương khác bị cắt đứt, tuyến đường duy nhất còn lại là băng qua hồ Ladoga. Tháng 10-1941, công việc chuẩn bị xây dựng tuyến đường băng qua hồ bắt đầu. Các thợ lặn đã nỗ lực củng cố công trình bằng tất cả các phương tiện có được, lặn xuống dưới lớp băng và tỉ mỉ lắp đặt giá đỡ. Dọc theo con đường này, họ xây dựng các nhà kho, căn cứ và trạm hỗ trợ kỹ thuật. Và một con đường dài 27 km được thiết kế trên mặt băng, từ Kokkorevo ở bờ tây sang bờ đông Kobona của hồ Ladoga, đã ra đời.

Để xe tải chở hàng tấn hàng hóa đi qua được mặt hồ, độ dày của lớp băng phải đạt ít nhất 20 cm. Tại vịnh Shlisselburg của hồ Ladoga, lớp băng có đủ độ dày yêu cầu hình thành trong 11 ngày, thời tiết phải là -5 độ C. Sáng 20-11-1941, một tiểu đoàn vận tải bằng ngựa đã xuất phát từ bờ tây ở làng Kokkorevo sang bờ đông. Chiều tối cùng ngày, đoàn xe đến Kobona, chất đầy bột mì và quay lại ngay trong đêm. Họ đến Osinovets ở bờ tây vào ngày 21-11, giao 63 tấn bột mì cho người dân.

Ngày 22-11, một đoàn xe cơ giới được điều sang bờ đông, gồm 60 phương tiện do xe trượt tuyết kéo. Trong tháng 11, trung bình mỗi ngày có hơn 100 tấn hàng được vận chuyển dọc tuyến. Đầu tháng 12, nhờ băng cứng hơn, khối lượng này tăng lên mức 300 tấn và đến cuối tháng thì đạt khoảng 1.000 tấn/ngày. Kể từ đầu năm 1942, con đường hoạt động ổn định và tiếp tục được sử dụng vào mùa đông 1942 - 1943, không chỉ để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đạn dược,… mà còn để chuẩn bị cho một cuộc tiến công nhằm phá vỡ vòng vây phong tỏa Leningrad.

Các nhà sử học nhận định, việc xây dựng một con đường băng qua hồ Ladoga là một ý tưởng quá táo bạo, khi vào năm 1941, hồ Ladoga vẫn chưa được khám phá đầy đủ về các lớp băng. Trên thực tế, bất kể lớp băng dày đến đâu, sau 10 ngày, con đường phải được dịch chuyển vì băng bắt đầu nứt và các lỗ thủng đã hình thành. 

Hai con đường tiếp tế huyết mạch 

Trước khi đến gần “Con đường sống”, cũng như nhiều người, chúng tôi chỉ biết đến đoạn đường băng qua mặt hồ Ladoga, chứ chưa từng nghe đến hai đoạn đường quan trọng khác trên đất liền, cũng được xem là những “Con đường sống”. Đoạn đầu tiên nằm ở phía đông hồ Ladoga. Trước đây, để tập kết hàng hóa tại điểm trung chuyển Kobona rồi từ đó mới vượt hồ sang bờ tây, người dân phải vận chuyển bằng đường sắt đến ga Voybokalo, sau đó chất hàng lên ô-tô rồi vượt qua quãng đường 32 km. Đoạn đường này đối mặt nhiều hiểm nguy nhất. Các máy bay Đức liên tục bay trên cao, đuổi theo từng chiếc ô-tô hay các chiến sĩ Liên Xô phía dưới.

Tuyến đường thứ hai nằm ở phía tây hồ Ladoga. Lúc đầu, hàng hóa sau khi cập bờ từ phía đông chỉ được vận chuyển bằng đường bộ dài 55 km đến Leningrad. Do đó, đoạn đường này nhanh chóng bị hư hỏng, do lượng xe trọng tải lớn qua lại cũng như bị máy bay Đức ném bom. Để khắc phục, người dân mau chóng xây dựng đường vào nhà ga mang tên “Hồ Ladoga” gần làng Osinovets và sau đó hầu hết hàng hóa được vận chuyển đi bằng đường sắt. Chỉ có hàng hóa đặc biệt được vận chuyển bằng đường bộ, như đạn pháo, vũ khí… 

Nhìn trên bản đồ, có thể thấy rõ “Con đường sống” gồm ba đoạn: Từ ga Voybokalo đến Kobona dài 32 km, từ Kobona đến Kokkorevo (trên băng) dài ít nhất 27 km và từ Kokkorevo đến Leningrad dài 55 km. Những năm 60 của thế kỷ trước, đoạn đường từ Kokkorevo đến Leningrad đã được rút ngắn 10 km. Theo các nhà nghiên cứu, con đường đã được “nắn thẳng” rất nhiều và nếu một công trình như vậy xuất hiện trong thời gian Leningrad bị phong tỏa, thì việc cung cấp nhu yếu phẩm cho thành phố sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Quân đội Liên Xô đã quyết tâm bảo vệ “Con đường sống” cả từ mặt đất lẫn trên không. Máy bay Đức oanh tạc không chỉ tuyến đường trên băng mà còn tất cả các con đường khác, cũng như cầu, cảng, các khu vực bốc dỡ hàng hóa. Để xây dựng và sửa chữa các đoạn đường hỏng hóc, nhiều trung đoàn bảo trì đường bộ được thành lập. Nhiều phụ nữ và trẻ em từ các vùng khác được gửi đến hỗ trợ bốc xếp, điều khiển giao thông như một người lính. Trên đất liền, những con đường liên tục hư hỏng phải tu bổ, đắp cát, san lấp, xây cầu thường xuyên.

Bất chấp mọi khó khăn trong suốt gần 900 ngày Leningrad bị phong tỏa, những chiếc xe đã vận chuyển hơn một triệu tấn lương thực theo “Con đường sống” và sơ tán khoảng 1,5 triệu người.

Hiện nay, để bảo tồn các giá trị lịch sử, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ, đồng thời phát triển du lịch, chính quyền tỉnh Leningrad đã đầu tư sửa chữa, bảo tồn, xây dựng nhiều công trình phục vụ các tuyến du lịch dọc “Con đường sống”. “Con đường sống” cũng được vinh danh là một trong những tuyến đường du lịch khám phá lịch sử ấn tượng nhất ở phía tây bắc nước Nga.

Các tour du lịch đa dạng được thiết kế riêng cho những đối tượng khác nhau. Cụ thể, tour “Con đường sống - Đường tới tương lai” dành riêng cho trẻ em, được xây dựng với dạng thực hiện các nhiệm vụ trò chơi du ngoạn. Với các gia đình, tour “Con đường ký ức nhiều thế hệ” mang lại cho cha mẹ và con cái cơ hội cảm nhận tầm quan trọng của sự giúp đỡ từ những người thân trong cuộc sống, cũng như sự tiếp nối các thế hệ. Trong khi đó, tuyến “Con đường ký ức” dành cho các cựu chiến binh, gồm những câu chuyện lịch sử gắn với Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cuộc phong tỏa Leningrad. Bên cạnh đó, tuyến “Con đường dũng cảm” dành cho giới trẻ, với hành trình độc lập bằng đường sắt, giúp làm quen với từng cột mốc, tượng đài. Còn đối với các vận động viên, ban tổ chức xây dựng tour đi bộ, đạp xe hoặc trượt tuyết mang tên “Con đường sức mạnh”.

Vào những ngày cuối tháng 4, đi trên con đường rải nhựa huyền thoại từ trung tâm Saint Petersburg về phía sát hồ Ladoga, chúng tôi tới một cột mốc mầu trắng được ghi tên “Con đường sống”. Cũng trên cung đường này, chúng tôi gặp nhiều người dân dừng lại ở những khu tưởng niệm nổi tiếng mang tên “Bông hoa cuộc đời” hay “Con đường thép” - tượng đài gồm hai nửa vòm cuốn không khép kín, hoặc khu rừng nơi hàng trăm thân cây bạch dương trắng được cuốn vải đỏ, tượng trưng cho gần 900 ngày đêm phong tỏa mà người dân Leningrad đã phải chịu đựng với bao hy sinh, tổn thất. 

Cả nước Nga đang trong những ngày kỷ niệm 76 năm Chiến thắng phát-xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là 76 năm Ngày Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 - 9-5-2021). Những ngày này, “Con đường sống” tấp nập người đến thăm. Họ mang theo những bông hoa đỏ, cúi mình trước tượng đài tôn vinh những người đã anh dũng bảo vệ quê hương với một ý chí kiên cường và sự nhẫn nhịn đầy sắt thép, vượt qua mọi khó khăn và đau đớn, dành hết sức lực cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ đất nước.