“Hội chứng bỏ quên trẻ em”

Sự cố một bé trai bị bỏ quên trong xe ô-tô đưa, đón học sinh của Trường tiểu học Gateway (Hà Nội) ngày 6-8 vừa qua là sự cảnh tỉnh cho người lớn về “Hội chứng bỏ quên trẻ em” (FBS) ở nước ta. Tại một số quốc gia khác, hội chứng này cũng đã gây ra nhiều vụ việc hết sức đáng tiếc, buộc nhà chức trách cùng các bậc phụ huynh phải nâng cao nhận thức và tìm kiếm giải pháp ngăn chặn.

Bảo vệ và giám sát trẻ em khi lên xe bus trường học tại Mỹ. Ảnh: FRANKLIN FAVORITE.IMAGE
Bảo vệ và giám sát trẻ em khi lên xe bus trường học tại Mỹ. Ảnh: FRANKLIN FAVORITE.IMAGE

Những con số thương tâm

Theo tổ chức Child Safety Europe, trong giai đoạn 2007-2009 đã có 26 trường hợp trẻ em bị sốc nhiệt khi bị bỏ quên trong ô-tô ở Pháp và Bỉ, trong đó có bảy trường hợp tử vong. Tại Canada, một nghiên cứu do Bệnh viện SickKids thực hiện đã kết luận rằng trung bình mỗi năm trên cả nước có một trẻ em thiệt mạng do bị bỏ quên trong ô-tô.

Theo số liệu của Kids and Cars, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu chuyên sâu về an toàn giao thông cho trẻ em, từ năm 1990 đến 2018, có tới 889 trẻ em dưới 14 tuổi ở Mỹ thiệt mạng vì sốc nhiệt sau khi bị người lớn bỏ quên trong ô-tô. Những thống kê này khiến Mỹ là quốc gia có số trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trong ô-tô nhiều nhất thế giới. Và năm 2018 được coi là đỉnh điểm khi có tới 52 trẻ em thiệt mạng vì nguyên nhân này, chủ yếu xảy ra vào mùa hè tại các bang có khí hậu nóng như Texas, Florida, Arizona...

Vào ngày 18-7-2018, một cậu bé ba tuổi ở thành phố Houston (bang Texas) đã tử vong khi bị bỏ lại trên xe bus sau chuyến đi tham quan. Khi nhà chức trách phát hiện ra, cậu bé đã ở trong xe bus ít nhất 3,5 giờ đồng hồ, và nhiệt độ trong xe đo được vào khoảng 45ºC. Ngày 26-7 vừa qua, anh Juan Rodriguez (39 tuổi), nhân viên xã hội sống ở quận Rockland (bang New York) mang theo hai con là cặp song sinh một tuổi cùng đi làm. Tuy nhiên, ông bố này lại để quên hai đứa trẻ ở ghế sau xe ô-tô trong bãi gửi xe ở Bệnh viện Forham Manor suốt tám giờ đồng hồ. Hai đứa trẻ đã tử vong vì sốc nhiệt khi nhiệt độ trong xe lên tới 43ºC.

Trẻ em có nguy cơ tử vong cao hơn người lớn khi ở trong xe dưới trời nắng nóng. Nguyên nhân là do trẻ em có tốc độ tăng nhiệt cơ thể nhanh gấp ba đến năm lần so người trưởng thành trong cùng hoàn cảnh. “Người lớn có diện tích da nhiều hơn, qua đó mồ hôi có thể bay hơi để làm mát cơ thể. Thế nhưng việc đổ mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể ở trẻ em chưa hiệu quả vì cơ thể các em còn nhỏ”, bà Kate Carr, Giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ trẻ em Safe Kids Worldwide giải thích. Khi cơ thể không kịp làm mát, nhiệt độ của trẻ có thể nhanh chóng tăng đến mức nguy hiểm. Nếu nhiệt độ tăng tới 40ºC, các cơ quan quan trọng có thể bắt đầu ngừng hoạt động. Khi ở mức 41 - 42ºC, khả năng tử vong do sốc nhiệt là rất cao.

Những vụ việc thương tâm đã đặt ra cho giới chức trách, nhà nghiên cứu và đặc biệt là các bậc phụ huynh một câu hỏi: Tại sao người lớn lại có thể để quên con trẻ trong một chiếc xe ô-tô? Trong hầu hết trường hợp, đứa trẻ đã ngủ nên không có âm thanh nào nhắc nhở người lớn đưa các bé ra ngoài. Nếu con trẻ ngồi ở ghế sau, thì tầm quan sát của người lớn với chúng cũng bị hạn chế. Ngoài những yếu tố khách quan kể trên thì yếu tố chủ quan do trí nhớ của người lớn được coi là nguyên nhân chính. Thông thường, các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trải qua thời gian làm việc bận rộn và mệt mỏi, nên vô tình quên và bỏ lại trẻ ở ghế sau ô-tô trong thời gian dài. Có tình huống một số phụ huynh cố tình để con cái chờ trong xe để đi mua sắm hoặc thăm hỏi bạn bè. Họ dự định sẽ quay lại sớm, nhưng do đãng trí hoặc vì một số lý do khác mà trì hoãn khiến sự cố đáng tiếc xảy ra sau đó. Trẻ em cũng có thể tự ý trèo vào trong xe nếu người lớn vô tình hay không cẩn thận lúc đóng cửa xe ô-tô.

Sự cố thương tâm của anh Juan Rodriguez là thí dụ điển hình cho việc quá quen với lịch trình đi làm một mình từ nhà tới bệnh viện, do đó anh này vô tình quên mất hai đứa con sinh đôi Luna và Phoenix ở hàng ghế sau. TS Diamond, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Nam Florida (Mỹ) đã phỏng vấn một số cha mẹ có con cái tử vong sau khi bị bỏ lại trong ô-tô và gọi đây là “Hội chứng bỏ quên trẻ em” (FBS). “Khi phụ huynh lái xe và không đưa trẻ đi cùng, họ ở trong trạng thái giống như “chế độ lái tự động” vì lịch trình quen thuộc. Tuy nhiên, trong trường hợp đột xuất có con trẻ đi cùng, nếu đứa bé im lặng và ở khuất tầm mắt, các bậc cha mẹ có thể vô ý đánh mất nhận thức về sự hiện diện của đứa trẻ”, TS Diamond phân tích.

Giải pháp nào ngăn chặn?

Các sự cố trên đều dẫn tới những cái chết thương tâm của trẻ em nên nhà chức trách nhiều quốc gia đã đưa ra mức xử phạt pháp lý đối với bất kỳ cá nhân nào vô tình gây ra tai nạn tương tự cho con trẻ. Tại Mỹ, một số trường hợp đã bị khởi tố hình sự vì tội ngộ sát với những hình phạt nghiêm khắc. Hiện tại, ở Mỹ có 19 tiểu bang ban hành các điều luật cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ khi để trẻ một mình trong ô-tô. Theo báo cáo của tổ chức Kids and Cars, có thêm 15 tiểu bang khác đã đề xuất các điều luật xử phạt tương tự.

Năm 2016, Cassie Barker, một cựu sĩ quan cảnh sát bang Mississippi, đã bị kết án tù 20 năm sau khi đã để xảy ra cái chết của cô con gái ba tuổi Cheyenne Hyer vì để quên bé ở trong ô-tô khi ra ngoài giải quyết việc riêng. Người cha Juan Rodriguez đã gây ra cái chết của hai bé song sinh dù không phải nhận án tù và chỉ nộp phạt 100.000 USD, nhưng điều đó không quan trọng đối với anh bằng sự giày vò lương tâm. “Tôi đau khổ cực độ. Các con tôi đã chết và chính tôi đã giết các con”, anh Juan ân hận nói. Đối với các bậc cha mẹ vô tình để quên con cái khiến các cháu tử vong trong xe, nỗi đau đớn và cảm giác tội lỗi chính là hình phạt nặng nề nhất.

Hầu hết các tổ chức bảo vệ trẻ em đều cho rằng những bộ luật như trên không phải là yếu tố giúp ngăn chặn triệt để, vì hầu như sự cố luôn xảy ra một cách vô tình. Một số ý kiến khác cũng cho rằng các biện pháp nâng cao nhận thức cho người lớn là chưa đủ. Sẽ luôn có khả năng con người vấp phải sai lầm nên cách tốt nhất là kết hợp sử dụng công nghệ tiên tiến để “lấp đầy” những thiếu sót đó.

Mới đây, Mỹ đề xuất một dự luật tạm dịch là “Xe nóng 2019”, trong đó tất cả các xe mới sản xuất phải tích hợp công nghệ nhắc nhở lái xe kiểm tra các ghế hành khách. Thực tế, một vài hãng xe đã cung cấp tính năng như vậy trên xe của mình. Nissan có cảnh báo ghế sau là tính năng tiêu chuẩn trên một số mẫu xe năm 2019. Hyundai cho khách hàng tùy chọn cảm biến để phát hiện hành khách, hàng hóa còn trong xe. Một vài hãng khác thì lựa chọn công nghệ đếm thứ tự đóng cửa xe để nhắc nhở lái xe về hành khách, hay thú cưng còn trong xe…

Ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hệ thống xe bus trường học đưa, đón trẻ đã áp dụng biện pháp kiểm tra trẻ ngủ quên được gần một năm nay. Người lái xe sau khi rà soát xe bằng mắt sẽ phải dùng điện thoại quét trên ba vị trí của xe để xác nhận với phụ huynh và ban quản lý của trường, sau đó mới được tắt máy và ra khỏi xe. Nếu người lái xe bỏ qua bước này, chuông báo động sẽ vang lên và tin nhắn cảnh báo lập tức được phát đi. Vào năm 2018, tại bang Victoria (Australia) đã có hơn 400 xe bus đưa đón học sinh áp dụng hệ thống kiểm tra trẻ em. Ngoài lái xe, mỗi học sinh khi lên, xuống xe đều được lưu giữ thông tin bằng một chiếc máy quét thẻ. Nhà trường và tất cả phụ huynh đều có quyền được truy cập vào dữ liệu thông tin này bất cứ lúc nào. Còn tại Ras Al Khaimah thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng lắp đặt hệ thống cảm biến thông minh trên tất cả các xe bus trường học. Hệ thống cảm biến này sẽ báo động khi phát hiện học sinh, đồ dùng bị bỏ lại trên xe bus trường học khi xe dừng hoặc đóng cửa.

Ông Jan Null, người sáng lập trang web hướng dẫn người lớn về “Hội chứng bỏ quên trẻ con” của Đại học bang San Jose (Mỹ) cho rằng giáo dục, nhận thức và ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa để giúp ngăn ngừa tình trạng tử vong của trẻ do bị người lớn bỏ quên trong ô-tô.