Hoàng đế mãn triều và “Hoàng triều Cương thổ”

Bảo Đại - vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn là một ông vua được chính kẻ thù của đất nước mình đào tạo và xếp đặt ngôi vị. Sử liệu trong và ngoài nước đã ghi lại khá đầy đủ về những trang đời của cựu hoàng. Trong loạt bài này, qua tham khảo nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi xin biên soạn những nét chính nhắc lại một quãng đời ngắn của Bảo Đại trong những dòng sử cuối sự nghiệp chấp chính. Đó là đoạn đời suy tàn của con rối chính trị mà cái gọi là “Hoàng triều Cương thổ” là một ghi dấu thể hiện tham vọng viển vông của vị Quốc trưởng nô lệ…

Cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và hai con Phương Liên và Phương Dung.
Cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và hai con Phương Liên và Phương Dung.

Kỳ 1: Quân cờ vớt giữa cuộc cờ tàn

Lịch sử vốn có những khúc quanh co và cuộc đời Bảo Đại cũng vậy. Từ một người ít nhiều để lại ấn tượng tốt đẹp trong việc trả lại đất nước cho nhân dân, vị cựu hoàng lại trở thành tội đồ và để lại vết nhơ lịch sử trong những ngày “hồi loan” với vai trò một con rối chính trị của ngoại bang. 

Những ngày tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta dâng lên như vũ bão, đập tan ách đô hộ 80 năm trường của thực dân Pháp và chấm dứt sự trị vì của nhà nước phong kiến. Trước năm vạn nhân dân tập trung ở Ngọ Môn của Kinh thành Huế, ngày 30-8-1945, Bảo Đại, Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Trong diễn văn thoái vị, ông ta đã nói một câu nổi tiếng: “Trẫm muốn làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và sự trân trọng những năm tháng chấp chính của Bảo Đại, đã mời phế đế tham gia Chính phủ lâm thời với chức trách cố vấn. 

Nếu cuộc đời Bảo Đại chỉ dừng lại với vai trò “cố vấn Vĩnh Thụy” thì lịch sử và nhân dân sẽ nhìn ông với con mắt cảm thông. Ông sẽ được yên nghỉ giữa nghĩa trang dòng tộc trong sự kính trọng của hậu nhân sau khi tạ thế, chứ không chịu cảnh lưu lạc xứ người, chết trong cô độc và nhận những sự oán trách. Nhưng khổ nỗi, Bảo Đại không đi theo con đường thẳng của “công dân một nước tự do”, như lời ông ta thề thốt…

Theo tư liệu lịch sử, năm 1946, trong chuyến tham gia phái đoàn của Chính phủ VNDCCH sang Trung Quốc, Bảo Đại đã ở lại nước ngoài. Cuộc đào thoát này, tất nhiên đã có sự sắp đặt trước và cũng trùng với âm mưu của thực dân Pháp và các thế lực thân Pháp nhằm vớt vát canh bạc cuối cùng cho sự níu kéo quyền lợi của họ tại Việt Nam. Cũng cần nhớ lại, trong những ngày lịch sử, khi tại Thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam độc lập và chính phủ mới đã ra mắt giữa rừng cờ hoa thì ở Sài Gòn, quân đội Anh đã mở đường cho quân đội Pháp trở lại chiếm đóng ở nhiều nơi, dưới sự chỉ huy của tướng Leclerc. Người Pháp muốn giữ sào huyệt cuối cùng của họ là xứ “Nam Kỳ tự trị”. Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã phải rút ra bưng biền để bắt đầu một cuộc kháng chiến mới. Giới chức thực dân, từ Nam Kỳ, đang cố gắng tính toán vươn ra nhiều đường để phục hồi địa vị cai trị trên toàn xứ Đông Dương; trong đó, chúng tìm cách dựng lại nền quân chủ nhà Nguyễn như một chiêu bài. Bảo Đại, dù không được người Pháp thật sự coi trọng, nhưng vẫn là một quân cờ vớt mà họ bày ra giữa cuộc cờ tàn…

Cựu hoàng đã nghĩ đến lối thoát êm thấm là tìm đến một vùng đất tự do, tránh áp lực chính trị chi phối và chờ cơ hội. Tháng 4-1946, từ Trùng Khánh, Bảo Đại tới Côn Minh và sau đó là Hồng Công, đất Trung Quốc nhượng địa Anh. Ở Hồng Công, ông ta theo dõi tình hình trong nước và biết là Pháp đang quyết biến Nam Kỳ thành xứ tự trị; hội nghị trù bị Đà Lạt thất bại, chuyển sang Fontainebleau. Cựu hoàng cũng khấp khởi mừng khi tin từ Sài Gòn đến tai, trong mưu đồ lập lại ngôi vua, giới cai trị Pháp vẫn nhắc nhở đến cái tên Bảo Đại. Trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo toàn dân bước vào chặng đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ thì sự hé mở cho trang đời mới của “ông cố vấn đào ngũ” đang lưu vong trên đất Hồng Công là cuối tháng 1-1947, trùm mật thám Pháp ở Đông Dương là Cousseau gửi cho chính phủ Paris một bức giác thư nói đến việc phục hồi “cơ cấu quân chủ cổ truyền” ở Việt Nam. Một sứ giả của Cao ủy Pháp cũng đã qua Hồng Công móc nối và thuyết phục cựu hoàng. Tiếp đó, hai nhân vật Piguon và Toree, những kẻ quyết định chính sách của “Cộng hòa Nam Kỳ” chính thức lên tiếng về “giải pháp Bảo Đại”. Hầu hết giới quan lại cai trị Pháp quyết liệt thúc đẩy thực thi giải pháp chính trị này, vì họ cho rằng, cựu hoàng có tính cách mềm yếu, dễ uốn nắn, lúc nào cũng cần tiền ăn chơi nên không khó mua chuộc. Theo phân tích của ông Hoàng Trọng Miên trong cuốn “Cựu hoàng Bảo Đại”: “Bảo Đại lâu nay không phải là người sinh sự quyết liệt… Một nước Việt Nam trong hình thức “thống nhất và độc lập” đặt dưới quyền Bảo Đại sẽ làm yên lòng mọi người, đảm bảo cho mọi người quyền lợi tư bản và trấn an dư luận ở chính quốc”. Thời điểm này, ngay tại xứ “cảng thơm”, ngoài các người đẹp Hoàng Tiểu Lan, Mộng Điệp, cựu thần Nguyễn Đệ rồi Phan Văn Giáo - một chủ tiệm thuốc Tây mang quốc tịch Pháp, luôn theo hầu bên cạnh, nay lại thêm nhiều kẻ lui tới xin thề bồi trung thành với Bảo Đại. Những kẻ “bảo hoàng” này không quan tâm vận mệnh dân tộc, họ chỉ hầu hạ “con át chủ bài” của Pháp hòng kiếm chút địa vị khi ông cựu hoàng có cơ hội quay trở lại vị trí “quân trưởng”. Trong số đó, có cựu Thượng thư Bộ lại Ngô Đình Diệm, người sau này dựa vào Mỹ để phế truất “vị Quốc trưởng vĩ đại” mà mình đã thề nguyền sống chết. Còn ở trong nước, Mặt trận đoàn kết quốc gia của Nguyễn Văn Sâm phát tuyên cáo kêu gọi mở cuộc thương thuyết với Pháp và ca tụng “ngài công dân Vĩnh Thụy” là một người ở trên mọi đảng phái, phe phái…

Tháng 7-1947, trả lời phỏng vấn báo Union Frangaise của Pháp xuất bản ở Sài Gòn, cựu hoàng tuyên bố: “Nếu tất cả người Việt Nam đều tin tưởng ở tôi, nếu sự có mặt của tôi có thể góp sức để tái lập mối quan hệ giao hảo giữa dân tộc chúng tôi và người Pháp, tôi sẽ vui lòng trở về nước. Tôi không theo Việt Minh mà cũng không chống lại họ. Tôi không thuộc về một đảng phái nào cả… Hòa bình sẽ trở lại mau chóng nếu người Pháp sẵn lòng nhìn nhận rằng tinh thần dân tộc của chúng tôi ngày nay không còn phải như mười năm về trước”. Bảo Đại chính thức ngả bài, khi ngày 4-9-1947, công bố một thông điệp yêu cầu lãnh tụ tất cả các đảng phái hiện có, không phân biệt xu hướng chính trị, đến Hồng Công tường trình thực tế quốc nội, giúp cựu hoàng “kiện toàn những biện pháp thực hiện một nền hòa bình lâu dài trong danh dự”. Ngày 9-9-1947, 24 đại biểu quốc gia và nhân vật thân Pháp đã bay qua Hồng Công. Tại đây, họ đã đồng ký bản tuyên cáo lên án Việt Minh và “đồng thanh yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại, đại biểu xứng đáng duy nhất của dân tộc Việt Nam, đứng ra cầm quyền và mở cuộc thương thuyết với nước Pháp để vãn hồi hòa bình ở Việt Nam và thực hiện thống nhất, độc lập cho xứ sở”. Trong khi đó, tại Hà Đông, Cao ủy Pháp Bollaert đọc một diễn văn bày tỏ thái độ của Pháp, rằng Pháp có trách nhiệm về phòng thủ và ngoại giao cho Việt Nam ở trong Liên hiệp Pháp; Pháp sẽ trông nom thiết lập một quy chế đặc biệt cho những dân tộc thiểu số ở Việt Nam…

Bảo Đại đã thật sự nhúng chàm, mầu chàm của thực dân Pháp và của các thế lực tay sai người Việt “liền khúc ruột” quyền lợi với thực dân Pháp. Trước hết, từ những cuộc thương thuyết nhùng nhằng nhằm “vòi vĩnh” với Pháp ở Hồng Công, Geneve và sự cung phụng của đám hầu cận cơ hội, Bảo Đại từ đời sống lưu vong nghèo khó của một phế đế đã trở nên đầy đủ tiện nghi của một khách du lịch vương giả. Cựu hoàng biết cách khai thác lợi thế khi Việt Minh đang “choảng” cho đội quân viễn chinh Pháp những đòn chí mạng trên khắp cả nước; nước Pháp thực dân đang cần sự có mặt của ông ta. Ngày 5-6-1948 tại Vịnh Hạ Long, cùng tướng Nguyễn Văn Xuân - Thủ tướng “Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam”, Bảo Đại ký với Cao ủy Bollaert một bản thỏa hiệp trao quyền “độc lập cho nước nhà” mà nội dung ngoại đàm là “quân sự, ngoại giao, kinh tế của nước Việt Nam vẫn do Pháp đảm nhận”. Điều khoản thứ hai trong tuyên bố này ghi rõ: “Nước Việt Nam cam kết tôn trọng mọi quyền hạn và quyền lợi của các tư nhân Pháp, cam kết bảo đảm các căn bản dân chủ, và dành quyền ưu tiên sử dụng các nhà chuyên môn cố vấn Pháp trong mọi nhu cầu tổ chức nội bộ và khuếch trương kinh tế của mình”. Ngay buổi tối hôm đó, khi bản văn tự nô lệ vừa ký chưa ráo mực, Bảo Đại đã đáp máy bay đi Pháp. Cuộc đoàn tụ cùng cựu Hoàng hậu Nam Phương và các con tại lâu đài Thorenc bên bờ biển Cannes cùng những hưởng lạc vô độ từ nguồn đài thọ không cần tính toán của ngân quỹ Pháp đã bồi thêm sức lực cho ông cựu hoàng tiếp tục tự nguyện làm “vua của một nước nô lệ”. 

Màn kịch mới đã bắt đầu, mà về sau chính ông ta cay đắng thừa nhận với những kẻ tâm phúc: “Người Pháp họ nói ngoài miệng vậy thôi, chớ thực ra không có giải pháp nào gọi là giải pháp Bảo Đại, mà chỉ có giải pháp của Pháp”. Còn lúc này thì Bảo Đại đang chờ ngày “hồi loan”…

(Còn nữa)