KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY THIẾT LẬP QUAN HỆ VIỆT NAM - CUBA (2-12-1960 - 2-12-2020)

Hình mẫu của quan hệ quốc tế

Đồng chí Fidel Castro (1926 - 2016) là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng Cuba và nước Cộng hòa Cuba. Ông từng là Thủ tướng Cuba từ năm 1959 tới năm 1976, sau đó là Chủ tịch Cuba cho tới khi từ nhiệm vào năm 2008. Ông cũng là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba trong giai đoạn 1965 - 2011. Với người dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro được biết đến là “El Comandante” (Tư lệnh) của Cách mạng Cuba. Và đối với Việt Nam, đồng chí Fidel Castro từng nhận định: “Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN

Tình hữu nghị khăng khít, đoàn kết keo sơn

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2-12-1960. Sau đó, giữa lúc đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho thương binh và nạn nhân chiến tranh. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Cuba cũng đã cử chuyên gia về cầu, đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh và giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học, sau đại học cũng như vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập LHQ.

Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong cuộc mít-tinh có hơn một triệu người Cuba tham dự cùng nhiều khách mời đến từ các nước thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ latin, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Năm 1972, hệ thống đê điều ở miền bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28-8-1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam và mời đặt cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại Thủ đô La Habana. Sau đó, Cuba đã cử Ðại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam tại vùng giải phóng. Cuba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền nam Việt Nam (ngày 23-9-1963) do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez sáng lập. 

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Fidel Castro tới Hà Nội ngày 12-9. Ngày 16-9, không quản ngại nguy hiểm, vượt mọi gian khổ, khó khăn của thời chiến, đồng chí đã từ Hà Nội vào thăm tuyến lửa Quảng Trị, qua các cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu,… rồi ngược Đường 9 đến Đông Hà - nơi vẫn còn nồng mùi thuốc súng và bom đạn của chiến tranh. Đồng chí Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới tới thăm tỉnh Quảng Trị - vùng giải phóng miền nam Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam vừa được ký kết (ngày 27-1-1973). Trong chuyến thăm này, đồng chí Fidel Castro và nhân dân Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm Khách sạn Thắng Lợi tại Hà Nội; Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình); đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì và Xí nghiệp gà Lương Mỹ. Tại buổi chiêu đãi từ biệt của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba tối 16-9-1973 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Mối tình hữu nghị Việt Nam - Cuba xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản đã được thử thách, tôi luyện trong lò lửa cách mạng của nhân dân hai nước. Với truyền thống thủy chung, nhân dân Việt Nam quyết làm hết sức mình để giữ gìn mối tình hữu nghị đó…”(1).

Phát biểu ý kiến tại cuộc mít-tinh chào mừng của Bộ Các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba ngày 2-1-1976 tại La Habana, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đánh giá cao mối tình đoàn kết chiến đấu, những tình cảm đặc biệt thắm thiết của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đối với nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân chúng tôi… Đó là mối tình đoàn kết keo sơn thể hiện trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quan sơn muôn dặm một nhà / Vì trong bốn biển đều là anh em”. Thể hiện trong câu nói chí tình của đồng chí Fidel kính mến, những câu nói đã cổ vũ mạnh mẽ chúng tôi, đi sâu vào tình cảm của mỗi người dân, mỗi người chiến sĩ Việt Nam: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và “Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng Việt Nam muôn lần tươi đẹp hơn”…”(2).

Vào những năm tháng khó khăn trong thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trong bối cảnh Cuba rơi vào “Thời kỳ đặc biệt” (1991 - 1993) với mức tăng trưởng về kinh tế mỗi năm giảm 33%, cũng như sự khó khăn về mọi mặt như xăng, dầu không có, thuốc chữa bệnh thiếu nghiêm trọng, hàng hóa tiêu dùng gần như không còn,… Việt Nam đã mở một chiến dịch quyên góp ủng hộ Cuba 50.000 tấn gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Nhưng từ năm 1995, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất. Tháng 12-1995 và tháng 2-2003, đồng chí Fidel Castro có chuyến thăm thứ hai và thứ ba đến Việt Nam nhằm bày tỏ tình cảm yêu mến, sự ủng hộ hoàn toàn, triệt để, mạnh mẽ nhất đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. 

Tình bạn lý tưởng

Trong giai đoạn 2002 - 2005, Việt Nam đã viện trợ Cuba với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD, gồm bốn dự án về sản xuất lúa gạo, ba dự án về quy hoạch và nuôi trồng thủy sản, hai dự án về sản xuất ngô và đậu đỗ. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á. Việt Nam đã xuất khẩu sang Cuba gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng như máy tính, quạt điện, bóng đèn tiết kiệm điện năng, quần áo, giày dép,… và nhập từ Cuba chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành dược. Phát huy tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba. 

Ngày 29-11-2016, tại lễ tưởng niệm đồng chí Fidel Castro diễn ra tại Quảng trường Cách mạng ở Thủ đô La Habana (Cuba), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Những người Việt Nam chúng tôi luôn khắc sâu trong trái tim mình câu nói bất hủ của đồng chí Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và tại thời khắc thiêng liêng này, chúng tôi một lần nữa xin khẳng định lại tình đoàn kết, chiến đấu, kiên định trước sau như một với những người cộng sản và nhân dân Cuba anh em”.

Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba từng nhận định mối quan hệ giữa hai nước là tình bạn lý tưởng: “Việt Nam và Cuba trở thành hai đội quân xung kích cách mạng chống một tên đế quốc khổng lồ… Hai dân tộc đã gặp nhau, tình hữu nghị tuy mới mẻ nhưng nồng nàn, đượm vẻ truyền thuyết, chiến đấu bên nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau, chia sẻ cho nhau những của cải vật chất ít ỏi của mình không hề tính toán đến sự trả thù của đế quốc Mỹ... Lý tưởng cao đẹp, động lực quan trọng của hai dân tộc chúng ta là giải phóng dân tộc và cả loài người khỏi mọi hình thức áp bức bóc lột, xây dựng một thế giới tự do, tất cả dân tộc đều bình đẳng, sống trong tình hữu nghị vĩ đại, người trong bốn biển đều là nhà”(3).

Nói về 60 năm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera chia sẻ: “Trong lịch sử quan hệ ngoại giao, quan hệ đặc biệt Cuba - Việt Nam là mối quan hệ anh em bền chặt lâu đời do Chủ tịch Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp trong quá khứ, cũng như tiếp diễn và phát triển đến nay. Trong 60 năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi sâu sắc, với những diễn biến phức tạp, khó lường; song Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn kiên trì và quyết tâm đưa mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới nhằm kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp mà hai dân tộc đã dày công vun đắp”.

1- Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 11.

2- Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 16.

3- Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 20 - 21.