Hiểm họa từ “Thử thách cá voi xanh”

Trên mạng xã hội những ngày qua, thông tin về trò chơi có tên gọi “Thử thách cá voi xanh” đã xuất hiện ở Việt Nam khiến nhiều người không khỏi lo ngại, bởi nó có thể ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí cả tính mạng người chơi. Lo ngại đó là xác đáng, bởi đến nay, trò chơi “Thử thách cá voi xanh” đã lan rộng và gieo rắc nỗi sợ hãi đến nhiều nước trên thế giới.

Biếm họa của GOAN
Biếm họa của GOAN

50 ngày thử thách rùng rợn

“Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) là một hiện tượng trên internet được phát hiện lần đầu vào khoảng đầu năm 2016 tại Nga, khi Galina Mursaliyeva, một nhà báo nổi tiếng của nước này điều tra về hàng loạt vụ tự sát của một nhóm thành viên trên Vkontakte, một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Nga. Theo điều tra của Mursaliyeva, những thiếu niên tự sát trong nhóm kể trên đều từng tham gia một trò chơi tên gọi “Thử thách cá voi xanh” trên mạng xã hội.

Daily Mail cho biết, trò chơi này lấy cảm hứng từ hành vi tự tử của cá voi xanh trong thực tế, khi chúng lao lên bãi biển để tự kết thúc cuộc sống của mình. Khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”, trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” trò chơi này đưa ra, với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian.

Ban đầu, những thử thách chỉ đơn giản như vẽ hình một chú cá voi xanh, trò chuyện với người cùng tham gia thử thách, nghe một bản nhạc mà “người quản lý” gửi tới. Về sau, mức độ thử thách tăng dần như xem phim kinh dị, ra nghĩa địa lúc nửa đêm, thậm chí sử dụng dao lam để rạch và tạo hình cá voi trên cơ thể mình... Sau khi hoàn thành, tất cả các thử thách này đều phải được chụp ảnh và báo cáo với “người quản lý”. Đỉnh điểm của trò chơi là vào ngày thứ 50, người chơi nào tự kết liễu đời mình thì được coi là giành chiến thắng.

Không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia “Thử thách cá voi xanh”. Những kẻ quản lý trò chơi này luôn thận trọng khi thông qua mạng xã hội để lựa chọn người chơi. Chúng thường chọn người trong độ tuổi vị thành niên, bởi những người này chưa suy nghĩ thấu đáo, liều lĩnh, dễ bị dụ dỗ và thích thể hiện bản thân; hoặc những người cô độc, sống nội tâm, hay bị bạn bè hoặc người thân cô lập. Thành viên mới muốn tham gia cũng phải được giới thiệu bởi một người đang chơi và thông qua sự chấp thuận của người đứng đầu.

Moscow Times dẫn lời một số chuyên gia tâm lý cho biết, dù chỉ là một trò chơi, song khi “dấn thân” vào, hầu hết người chơi đều không thể từ bỏ cho đến phút cuối cùng, dù biết trước những nhiệm vụ được giao sẽ ngày một đáng sợ và kết cục gì đang chờ đợi họ. Trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ, kẻ cầm đầu thường trò chuyện với người chơi qua mạng xã hội hoặc đôi khi là thực hiện cuộc gọi video để tạo dựng niềm tin, dần dần nắm bắt tâm lý nhằm dẫn dắt họ hoàn thành hết các nhiệm vụ. Thậm chí, những kẻ này còn tổ chức các hoạt động mang tính tập thể để các thành viên chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, đồng thời khuyến khích những người mới tham gia thử thách. Trong trường hợp không thể dùng lời lẽ “ngon ngọt” để dụ dỗ người chơi hoàn thành thử thách, kẻ quản lý sẽ chuyển sang biện pháp đe dọa gây hại tới chính người chơi và những người thân chung quanh họ.

Hiểm họa từ “Thử thách cá voi xanh” ảnh 1

Giao diện trò chơi nguy hiểm trên smartphone. Ảnh: WORLDNEWS

Hiểm họa khó lường

Theo Liberation, “Thử thách cá voi xanh” ban đầu chỉ xuất hiện trên mạng xã hội Vkontakte của Nga, nhưng sau đó nhanh chóng lan sang khắp các mạng xã hội khác như Twitter, Facebook, Instagram, Snapchat… Chỉ trong vòng sáu tháng, từ tháng 11-2015, có khoảng 130 vụ tự sát của thanh, thiếu niên nước này được cho là đều xuất phát từ “Thử thách cá voi xanh”.

Tháng 2-2017, trong quá trình khám xét nhà hai nữ sinh người Nga là Yulia Konstantinova (15 tuổi) và Veronika Volkova (16 tuổi) để điều tra nguyên nhân họ nhảy xuống từ một tòa nhà cao tầng ở thành phố Ust-Ilimsk, cảnh sát Nga phát hiện những đồ vật kỳ lạ liên quan những chú cá voi xanh. Trước khi thực hiện hành động tự sát, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, Yulia thậm chí đã chia sẻ hình ảnh chụp chung với một con cá voi xanh, biểu tượng của trò chơi nguy hiểm kể trên kèm dòng trạng thái “Kết thúc”. Trong nhiều vụ tự sát khác, lực lượng chức năng cũng phát hiện những điều kỳ lạ tương tự.

Từ Nga, trò chơi nguy hiểm này lan đến nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà chức trách cho biết, dù mang nhiều cái tên khác nhau như “Suicide Game” (Trò chơi tự sát), “The Silent House” (Ngôi nhà im lặng), “Sea of ​​Whales” (Biển cá voi) hay “Wake me up at 4:20 am” (Hãy đánh thức tôi lúc 4 giờ 20), thực chất các trò chơi này đều có cách thức hoạt động như “Thử thách cá voi xanh”. Thời gian gần đây, nhiều vụ tự sát ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil, Bulgaria, Ai Cập,… đều được cho là liên quan những trò chơi này.

Tại Việt Nam, những ngày qua cũng xuất hiện thông tin “Thử thách cá voi xanh” đã xâm nhập một trường THCS ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dù vậy, sau khi tiến hành kiểm tra, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè chính thức xác nhận không có chuyện trò chơi “Thử thách cá voi xanh” xuất hiện trên địa bàn.

Trước tình trạng lan rộng của “Thử thách cá voi xanh”, chính quyền các quốc gia đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm của trò chơi này, đồng thời đưa ra các hình thức xử lý những kẻ dụ dỗ, kích động thanh, thiếu niên tham gia trò chơi.

Mới đây, chính quyền Ai Cập yêu cầu Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm mọi người không thể truy cập trò chơi nguy hiểm trên. Các trò chơi khuyến khích tự tử khác cũng nằm trong danh mục bị cấm và cần loại bỏ. Tại Ấn Độ hay Brazil, các buổi diễn thuyết về tác hại, lợi ích của mạng xã hội nói chung và “Thử thách cá voi xanh” nói riêng đã liên tục được các nhà chức trách tổ chức nhằm giúp học sinh tránh xa cạm bẫy. Mạnh tay hơn, ở Trung Quốc, mọi hình ảnh, nội dung liên quan “Thử thách cá voi xanh” đều bị gỡ bỏ hoặc làm mờ nhằm ngăn chặn triệt để trào lưu này xâm nhập. Bên cạnh đó, những ai bị phát hiện có ý định tuyên truyền trò chơi này đều nhanh chóng bị bắt giữ và nhận các mức phạt nặng.

Dù vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều quan trọng là nhận thức của chính thanh, thiếu niên bởi đây là lứa tuổi đang phát triển, thay đổi tâm lý nên dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Nắm bắt được điều này, một số nước đã thiết lập các đường dây nóng chuyên tư vấn những khúc mắc, tình cảm cho lứa tuổi vị thành niên. Ở đây, các tư vấn viên sẵn sàng lắng nghe, tâm sự và dành cho các em lời khuyên hữu ích nhằm giúp các em tránh được lời dụ dỗ từ phía những tên chủ trò. Ngoài các biện pháp từ cộng đồng, theo các chuyên gia, trong mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cũng nên để ý, quan tâm và dành thời gian trò chuyện với con em mình để các em có được trạng thái tinh thần thoải mái, tránh xa những cám dỗ, ảnh hưởng tiêu cực từ internet.