EU siết chặt “hộ chiếu vàng”

Mới đây, Liên hiệp châu Âu (EU) khởi động tiến trình pháp lý nhắm vào chương trình “hộ chiếu vàng” gây tranh cãi của Cộng hòa Cyprus và Malta. Chương trình này đang tạo những khe hở trong việc nhập quốc tịch châu Âu để nhiều đối tượng, trong đó có cả tội phạm, trở thành công dân “lục địa già”, được quyền đi lại tự do và cư trú ở bất cứ đâu trong lãnh thổ 27 nước EU. 

EU sẽ siết chặt việc cấp hộ chiếu trong thời gian tới. Ảnh: AFP
EU sẽ siết chặt việc cấp hộ chiếu trong thời gian tới. Ảnh: AFP

Đổi tiền lấy quốc tịch

Cuối tháng 8 vừa qua, hãng thông tấn Al-Jazeera của Qatar đã khiến truyền thông thế giới xôn xao khi công bố một tài liệu mật mang tên “The Cyprus Papers” (tạm dịch là “Hồ sơ Cyprus”). Hồ sơ này đã cho thấy thông tin về tình trạng người nước ngoài giàu có, dù không đủ tiêu chuẩn, vẫn có thể sở hữu tấm “hộ chiếu vàng” của Cyprus và Malta. 

Hiện, 17 nước châu Âu bán thẻ cư trú thời hạn tối đa 5 năm, thậm chí có ba nước châu Âu bán hộ chiếu thời hạn 10 năm. AFP cho biết, để có hộ chiếu Bulgaria, người mua chỉ cần nộp nửa triệu euro (hơn 580.000 USD), không nhất thiết phải cư trú ở Bulgaria. Theo điều tra của Al-Jazeera, để có được “hộ chiếu vàng” của Cyprus, người nộp đơn cần có khoản đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào nền kinh tế đảo quốc này. Trong số những người mua “hộ chiếu vàng” có nhiều chính trị gia, thành viên hội đồng quản trị các doanh nghiệp nhà nước,... của nhiều quốc gia nằm ngoài EU. Trong khi đó, để có hộ chiếu Malta, người có nhu cầu chỉ cần một khoản đóng góp chưa tới một triệu USD, kèm điều kiện là phải mua bất động sản tại quốc đảo này. 

Điều đáng nói, mặc dù giới chức Cyprus khẳng định đã kiểm tra lý lịch của những người xin thị thực, song tài liệu “The Cyprus Papers” cho thấy hàng chục nhân vật đã bị kết án vì rửa tiền hoặc tham nhũng từ hơn 70 quốc gia vẫn mua được “hộ chiếu vàng” từ Cyprus. Những quốc gia có số người tham gia chương trình này nhiều nhất đến từ Nga, Trung Quốc và Ukraine. 

Để minh chứng cho tiết lộ trên, ngày 12-10, Al-Jazeera đã đăng tải một đoạn băng ghi âm, trong đó một phóng viên đóng giả là đại diện của một doanh nhân có tiền án tại quốc gia mình sống, đang tìm cách mua quốc tịch tại Cyprus, đã liên hệ trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội Cyprus, ông Demetris Syllouris. Theo đoạn băng ghi âm, ông Demetris Syllouris đã cam kết tạo điều kiện cho người này lấy được hộ chiếu. Ông Demetris Syllouris là nhân vật quan trọng thứ hai trên chính trường Cyprus sau Tổng thống Nicos Anastasiades, vì thế đoạn ghi âm rò rỉ đã khiến người dân nước này vô cùng bất bình. Sau đó, do sức ép của dư luận, ông Syllouris đã phải từ chức. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu, ông khẳng định mình vô tội và tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng chống lại những cáo buộc ông vi phạm pháp luật.

Theo The Guardian, hộ chiếu của Cyprus và Malta từ lâu được coi là “hộ chiếu vàng”, có ý nghĩa quan trọng với các cá nhân muốn vào châu Âu. Là hai quốc gia thành viên của EU (cùng gia nhập năm 2004), hộ chiếu của Cyprus và Malta cho phép người sở hữu có quyền đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tự do ở 27 quốc gia thành viên EU. 

Việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài tại Cyprus bắt đầu từ năm 2007 nhằm đổi lấy các khoản đầu tư lớn. Sau khủng hoảng kinh tế năm 2013, chính sách này được đẩy mạnh hơn. Trong khi đó, Malta bắt đầu chương trình này từ năm 2014. Việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài nói trên đã giúp Cyprus thu về khoảng 8,2 tỷ USD trong những năm qua. Còn tại Malta, tính đến năm 2017, nước này đã cấp hơn 2.000 hộ chiếu và thu được khoảng 850 triệu USD.

Giới chức EU vào cuộc

Theo The New York Times, chính sách “đổi tiền lấy quốc tịch” tại Cyprus và Malta đã giúp các đối tượng xấu, miễn là có tiền, có thể thâm nhập EU dễ dàng, di chuyển tự do theo Hiệp ước Schengen về đi lại tự do trong lãnh thổ EU với những mục tiêu khác nhau, như tìm kiếm các mức thuế thấp, giáo dục ưu việt, thậm chí chạy trốn các bản án,... gây ra những nguy cơ tiềm tàng.

Sau khi hãng thông tấn Al-Jazeera công bố các tài liệu liên quan, Cyprus cho biết quốc gia này sẽ dừng chương trình “hộ chiếu vàng” bắt đầu từ ngày 1-11 tới, song vẫn tiếp tục xử lý số đơn đã nhận. Trong khi đó, chính quyền Malta đề xuất thêm quy định khắt khe hơn cho những người có nhu cầu cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, EU cho rằng những biện pháp trên là chưa thỏa đáng, đồng thời lo ngại hai đảo quốc này sẽ cho ra đời những chính sách tương tự.

Ngày 20-10, giới chức EU đã quyết định mạnh tay hơn khi khẳng định vừa khởi động tiến trình pháp lý nhắm vào chương trình “hộ chiếu vàng” gây tranh cãi của Cyprus và Malta. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, sẽ khởi kiện hai nước trên lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì đã vi phạm nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU, gây ra những mối nguy hại cho khối này. Phó Chủ tịch EC, ông Maros Sefcovic thông báo các thủ tục tố tụng đã bắt đầu ngay từ ngày 20-10 vừa qua.

Hiện, ngoài Cyprus và Malta, một số quốc gia khác trong khu vực như Bulgaria, Luxembourg hay Slovakia,… cũng có chương trình này. Tuy nhiên, chính sách của Cyprus và Malta được cho là quá dễ dàng khi cho phép cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bắt buộc những người này phải sống tại nước đó, hoặc thậm chí không có mối liên hệ thực chất nào với nước họ có quyền công dân. Chính sự lỏng lẻo đó khiến chương trình “hộ chiếu vàng” có nguy cơ bị lợi dụng. 

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, từ năm 2008 tới năm 2018, EU đã đón hơn 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình “hộ chiếu vàng”. Ước tính, cơ chế nói trên đã đem lại cho EU đến 25 tỷ euro đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 năm.

Dù vậy, một số quan chức châu Âu đã nhiều lần lên tiếng phản đối chương trình “hộ chiếu vàng”, cho rằng so lợi nhuận mà nó đem lại thì chương trình này mang lại những nguy cơ tiềm tàng và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Năm 2019, EC đã công bố một báo cáo điều tra về chương trình nói trên, trong đó nêu bật các rủi ro về bảo mật, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và nguy cơ để lọt cho tội phạm nước ngoài cư trú, đi lại tự do trong lãnh thổ EU. Những tài liệu do Al-Jazeera công bố mới đây đã cho thấy những phân tích đúng đắn trước đó của EC. 

Trước những động thái pháp lý mới của EU nhắm vào Cyprus và Malta, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh và kêu gọi cải cách để loại bỏ hoàn toàn các chương trình “hộ chiếu vàng” trên toàn châu Âu. Cao ủy phụ trách tư pháp của EU, ông Didier Reynders cũng khẳng định trao quyền công dân là đặc quyền của các quốc gia thành viên, song các quyền và điều kiện của quốc tịch châu Âu không nên bị lợi dụng bởi các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của từng quốc gia. 

Giới phân tích cho rằng, EU sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chương trình “hộ chiếu vàng” hay “thị thực vàng”, qua đó ngăn chặn ý đồ trục lợi của một số quốc gia thành viên cũng như bảo đảm uy tín của khối không bị lợi dụng.