Cuốn bách khoa toàn thư tình báo

Ba ngày sau sinh nhật kỷ niệm 103 tuổi, ông A.N Botyan, người được mệnh danh là “Bách khoa toàn thư” của tình báo Liên Xô (trước đây), từng chỉ huy chiến dịch bảo vệ thành phố Krakow khỏi sự phá hủy của quân đội Đức Quốc xã năm 1945, vừa qua đời vào rạng sáng 13-2.

Lâu đài cổ nơi phát-xít Đức giấu thuốc nổ nhằm phá hủy các công trình lịch sử của TP Krakow. Ảnh: FFOLAS
Lâu đài cổ nơi phát-xít Đức giấu thuốc nổ nhằm phá hủy các công trình lịch sử của TP Krakow. Ảnh: FFOLAS

Sĩ quan tình báo huyền thoại của Liên Xô, ông A.N Botyan sinh ngày 10-2-1917 trong một gia đình nông dân Ba Lan. Tháng 2-1939, ông gia nhập quân đội Ba Lan và chỉ sau một tháng ông đã được cử đi học tại Trường Hạ sĩ quan pháo Phòng không. Tại đây, do học xuất sắc, ông được phong cấp hạ sĩ quan - cấp bậc thường chỉ được trao cho học viên sau khi tốt nghiệp. Đến tháng 8 cùng năm, theo mật lệnh đột xuất, Tiểu đoàn pháo Phòng không số 3, nơi ông phục vụ, được điều động tới biên giới phía tây ở vùng Poznan (Ba Lan) để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Ở đó, ông là khẩu đội trưởng khẩu đội pháo phòng không và đã xuất sắc chỉ huy bắn rơi ba máy bay Đức.

Sau khi trở thành công dân Liên Xô và dạy học tại một trường tiểu học, với kinh nghiệm thực chiến và khả năng phán đoán tình huống xuất sắc, năm 1940, ông Botyan được cử theo học tại trường tình báo trực thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) của Liên Xô, và tham gia nhiều hoạt động tình báo thành công. Tháng 6-1941, ông được biên chế trong thành phần Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập đặc nhiệm trực thuộc Cục 4 của NKVD. Ông được trải qua các khóa học quân sự thực tế trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến bảo vệ Thủ đô Moscow, tham gia các chiến dịch đột kích hậu phương địch ở vùng ngoại ô. Tháng 1-1943, Botyan được đặc phái đến hậu phương của kẻ thù tại các khu vực phía tây Ukraine, Belarus. Tại đây, có thời gian ông hoạt động độc lập và đôi khi trong thành phần của các đơn vị du kích.

Đặc biệt, Botyan đã trực tiếp chỉ huy các toán quân tiến hành chiến dịch đánh bom một ủy ban an ninh của Đức tại thành phố Ovruch, vùng Zhytomyr thuộc Ukraine, sau khi nhận tin có một đoàn thanh tra từ Đức đang ở đây. Kết quả của chiến dịch là tiêu diệt khoảng một trăm sĩ quan Đức Quốc xã, đập tan chiến dịch cấp chiến lược “nhổ cỏ tận gốc” một số khu vực ở Ukraine của quân Đức Quốc xã. Nhờ việc ngăn chặn được chiến dịch này, Botyan và các đồng đội đã cứu sống hàng chục nghìn dân thường.

Cuốn bách khoa toàn thư tình báo ảnh 1

Ông Aleksei Botyan được tặng thưởng nhiều huân, huy chương trong sự nghiệp hoạt động tình báo. Ảnh: SPUTNIK

Tháng 5-1944, theo chỉ thị của trung tâm, Botyan chỉ huy một nhóm khoảng 30 trinh sát viên sang Ba Lan thực hiện nhiệm vụ trinh sát vị trí và hướng cơ động của địch trong khu vực thành phố Krakow. Nhờ thông thạo tiếng Ba Lan và văn hóa địa phương, cũng như có khả năng tổ chức tốt, ông đã tiến hành phối hợp chiến dịch tác chiến hiệp đồng với các lực lượng khác nhau ở địa phương, giải cứu dân thường Ba Lan bị bắt làm tù binh và thu giữ số lượng lớn vũ khí, đạn dược.

Tuy nhiên, chiến công nổi tiếng nhất của ông là chiến dịch giải cứu thành phố Krakow khỏi sự phá hủy của quân đội Đức Quốc xã vào năm 1945. Cuối năm 1944, nhóm tình báo viên của ông Botyan đã bắt giữ một kỹ sư bản đồ người Ba Lan làm việc tại Sở chỉ huy các đơn vị hậu cần của quân đội Đức Quốc xã. Nhờ vậy, họ đã có được bản đồ các công trình phòng thủ thành phố Nowy Sacz, gần Krakow, nơi có tòa lâu đài cổ bên trong chứa một lượng lớn đạn dược và thuốc nổ. Quân đội Đức chuẩn bị số đạn dược và thuốc nổ này để chống lại quân đội Liên Xô, đồng thời khi cần thiết sẽ phá hủy những công trình lịch sử của Krakow như con đập trên sông Dunajec và các cây cầu.

Ngoài ra, ông Botyan đã thuyết phục được một người Ba Lan khác có cấp hàm sĩ quan đang làm việc cho Đức mang vào tòa lâu đài một khối thuốc nổ. Trong thời khắc ác liệt của cuộc tiến công phát-xít Đức do Hồng quân Liên Xô tiến hành sáng 18-1-1945, khối bộc phá đã được kích nổ, khiến kho đạn của kẻ thù bị phá hủy hoàn toàn. Do đó, phát-xít Đức đã không thể gài mìn để phá hủy các mục tiêu đã lên kế hoạch sẵn tại Krakow. Ông Botyan kể: “Người Đức không muốn nổ tung Krakow, mà là đập Rozhnov trên sông Dunajec ở thị trấn Novy Sacz gần đó. Nếu điều này xảy ra, Krakow sẽ bị ngập lụt và cuộc tiến công của Hồng quân Liên Xô sẽ phải dừng lại”.

Những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống phát-xít, nhóm tình báo do ông Botyan chỉ huy hoạt động tại hậu phương của địch trên một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ông Botyan còn làm việc tại Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Liên Xô nhiều năm và nhiều lần tham gia thực hiện những nhiệm vụ đầy khó khăn, phức tạp ở nước ngoài. Sau đó, ông giúp lập ra đơn vị tình báo đối ngoại đặc biệt mang tên Vympel, sau này trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên bang Nga.

Năm 1983, ông Botyan về hưu với quân hàm đại tá, nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại các cơ quan tình báo của Liên Xô với cương vị là chuyên gia cố vấn cho đến năm 1989. Ông trở thành nguyên bản nhân vật chính trong cuốn sách “Thiếu tá Vykhr” của nhà văn Julian Semenov và bộ phim cùng tên nói về chiến dịch giải cứu thành phố Krakow của Ba Lan.

Với những chiến công kể trên, ông vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước và quân đội. Nhà tình báo kiệt xuất đã được nhận hai Huân chương Cờ đỏ, các Huân chương Cờ đỏ Lao động và Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất, cũng như nhiều huy chương, và kỷ niệm chương “Nhân viên an ninh quốc gia danh dự”. Với lòng dũng cảm và sự anh dũng được thể hiện trong chiến dịch giải cứu Krakow vào những năm tháng chiến tranh, cũng như chiến dịch ngăn chặn quân phát-xít phá hủy thành phố này, ngày 10-5-2007, theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, Đại tá về hưu Botyan đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga.

Chia sẻ với hãng tin Nga RIA Novosti, ông I. Morozov, cựu nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga nói: “A.N Botyan có kinh nghiệm hoạt động tình báo tuyệt vời, là cuốn bách khoa toàn thư tình báo thật sự, đồng thời là tấm gương cho các đồng nghiệp trẻ tuổi noi theo”.

Theo lời của ông I. Morozov, sở dĩ Đại tá Botyan đạt được những thành tích như vậy bởi ông luôn thể hiện lòng nhiệt huyết, tận tâm với nghề, là người luôn đưa ra các đề xuất tham mưu chiến lược và giải pháp “đúng và trúng”. Trong cuộc sống thường ngày, ông là người cởi mở, gần gũi và được đồng nghiệp yêu mến, nể phục.

Sau khi nhận tin A.N Botyan qua đời ở tuổi 103, Tổng thống Nga V. Putin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga D. Medvedev đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông. Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga đã ra thông cáo thể hiện sự thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của sĩ quan tình báo vĩ đại. “Một con người vĩ đại, nhà tình báo huyền thoại, Anh hùng Nga Aleksei Nikolayevich Botyan đã qua đời. Thật khó có thể chấp nhận sự thật này. Ông là một tượng đài kiên cố và vĩnh cửu và sẽ vẫn sống mãi trong trái tim của chúng tôi”, thông cáo nêu rõ.