Cuộc xung đột dai dẳng

Người dân ở quốc gia Trung Đông Yemen đang tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc xung đột tại nước này gây ra. Sự kiện lực lượng vũ trang Houthi chiếm thành phố Amran của Yemen năm 2014 chính là ngòi nổ cho cuộc xung đột phức tạp và tàn khốc, đẩy đất nước này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người chết và bị thương. 

Một tay súng Houthi trước tòa nhà đổ nát sau trận không kích của liên quân Hồi giáo. Ảnh: ARAB NEWS
Một tay súng Houthi trước tòa nhà đổ nát sau trận không kích của liên quân Hồi giáo. Ảnh: ARAB NEWS

Cuộc chiến ủy nhiệm

Theo TASS, ngòi nổ dẫn đến chiến tranh ở Yemen bắt nguồn từ năm 2011, khi phong trào biểu tình “Mùa xuân Arab” lan rộng trên khắp khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Hệ quả là ngày 25-2-2012, Tổng thống Yemen, Ali Saleh bị lật đổ, ông Mansour Hadi lên nắm chính quyền. Dù được quốc tế công nhận song chính quyền của Tổng thống Mansour Hadi không thể kiểm soát cục diện khi phải đối mặt sự phản đối của phong trào ly khai, nổi dậy từ các lực lượng như Houthi (phong trào Hồi giáo kết hợp với chính trị và vũ trang đại diện cho người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shi’ite ở Sadah, miền bắc Yemen vào những năm 90 của thế kỷ trước) và al-Qaeda. 

Kể từ đó, Yemen chìm dần vào trạng thái rối ren. Tháng 7-2014, lực lượng Houthi đã tiến hành cuộc tiến công nhằm vào thành phố Amran. Sau khi chiếm thành phố này ngày 8-7-2014, Houthi tiếp tục tiến công và chiếm được Thủ đô Sana’a vào tháng 9-2014. Với mục đích lấy lại quyền lực từ tay Tổng thống Mansour Hadi, một số binh sĩ trung thành với cựu Tổng thống Saleh đã gia nhập lực lượng Houthi, thành lập liên minh với phiến quân. Sau vài tháng, lực lượng Houthi đã chiếm được thêm một số tòa nhà hành chính, dinh Tổng thống và cảng Hodeidah, Tổng thống Hadi phải chạy trốn về phía nam tới thành phố Aden. Đây là thành phố cảng lớn thứ hai của Yemen, hiện được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Hadi. 

Ngày 25-3-2015, sau khi các lực lượng vũ trang Houthi xâm nhập và chiếm sân bay Aden, Tổng thống Hadi đã phải lưu vong đến Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Từ đây, cuộc xung đột nội bộ giữa các phe phái ở Yemen đã bị biến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, với sự tham gia của nhiều quốc gia. Tại đây, liên minh quốc tế do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng đầu, với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh, chính thức phát động cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi, vốn được hậu thuẫn từ Iran. Trong khi đó, liên minh giữa các lực lượng vũ trang Houthi và Tổng thống Ali Saleh chỉ tồn tại trong vài tháng vì thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Các lực lượng vũ trang Houthi nghi ngờ ông Saleh liên lạc với Saudi Arabia, trong khi cựu Tổng thống cho rằng Houthi muốn kiểm soát mọi thứ. 

Ngày 2-12-2017, khi xung đột đang diễn ra ở Thủ đô Sana’a, phiến quân Houthi cho nổ tung chiếc xe của ông Saleh rồi tuyên bố ông đã chết. Trong hai ngày 6 và 13-12-2018, tại Stockholm (Thụy Điển), LHQ tổ chức một hội nghị với các bên tham gia cuộc xung đột ở Yemen, tiến hành ký thỏa thuận đình chiến giữa lực lượng Houthi và phái đoàn của Chính phủ Yemen. Thỏa thuận này quy định lệnh ngừng bắn ở khu vực Hodeidah, nơi diễn ra công tác hỗ trợ nhân đạo quốc tế. Thỏa thuận cũng quy định về việc trao đổi tù nhân và đoàn quan sát viên của LHQ. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận kéo dài hơn 5 tháng, đến tháng 5-2019, thì lực lượng Houthi mới rời khỏi cảng Hodeidah, nhường chỗ cho lực lượng của LHQ. 

Đến giữa tháng 5-2019, máy bay không người lái của Yemen đã tiến công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, khiến một đường ống dẫn dầu lớn ngừng hoạt động. Tiếp đó, từ ngày 6-6 đến đầu tháng 7-2019, Houthi đã phát động ít nhất ba cuộc tiến công vào Sân bay quốc tế Abu Dhabi, khiến một người chết và hơn 50 người bị thương. Liên quân đã đáp trả bằng cách tăng cường không kích vào Sana’a và miền bắc Yemen. Ngày 14-9-2019, phiến quân Houthi tiếp tục sử dụng máy bay không người lái tiến công hai cơ sở sản xuất dầu của Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia, khiến nước này tổn thất gần sáu triệu thùng dầu mỗi ngày.

Từ cuối tháng 9-2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi, nhưng tình trạng bạo lực vẫn không suy giảm. Cuộc xung đột tại Yemen đến nay đã khiến hàng chục nghìn người chết, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Hiện tại, giới chức Riyadh một mặt tuyên bố duy trì các kênh đàm phán, mặt khác khẳng định vẫn đáp trả các cuộc tiến công của phiến quân.

Tương lai nào cho Yemen?

Là một cuộc chiến kéo dài, đáng lẽ Yemen sẽ trở thành tiêu điểm trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Thế nhưng, dù chiến sự đang diễn ra ác liệt, cái tên Yemen như vẫn dần bị lãng quên. Quy mô của cuộc chiến này không hề nhỏ hơn chiến sự ở Syria, nhưng do không có nước lớn nào trực tiếp can dự vào cuộc xung đột nên không thu hút sự quan tâm như các cuộc xung đột khác. 

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS), cuộc chiến ở Yemen giống như một cuộc xung đột giữa các bộ lạc. Ở khu vực Trung Đông, có những quốc gia khi xảy ra chiến tranh chỉ là sự đối đầu giữa các lãnh chúa. Do đó, cho dù là lực lượng vũ trang Houthi, phe ly khai Hội đồng chuyển tiếp miền nam (STC), chính quyền Tổng thống Hadi, Saudi Arabia, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ,... thì cuộc chiến ở Yemen vẫn chỉ là cuộc xung đột nội bộ, không có nhiều sự khác biệt với những cuộc chiến tranh của các tù trưởng từ nhiều thế kỷ trước, có chăng điểm mới chính là các loại vũ khí hiện đại trong tay họ. 

Những tác động từ nhiều bên tham gia cuộc chiến tại Yemen thời gian qua đã cản trở các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở nước này do LHQ làm trung gian hòa giải. Các nhà phân tích nhận định, nếu các bên liên quan tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì mọi hậu quả đau thương đều đổ lên đầu dân thường vô tội. Yemen từ một đất nước vốn được coi là “tươi đẹp và hạnh phúc” nay đã bị tàn phá nghiêm trọng, “chia năm xẻ bảy” bởi xung đột và nội chiến. Kể từ tháng 3-2015 đến nay, cuộc chiến này đã khiến hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 80% dân số cần hỗ trợ lương thực. 

Với tình hình chiến sự vẫn đang “dầu sôi lửa bỏng” và chưa có hồi kết như hiện nay, thì những số liệu trên chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Báo cáo của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) hồi cuối năm 2019 cảnh báo, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới; nửa triệu người sẽ thiệt mạng, trong đó có hơn 300 nghìn người sẽ chết do nghèo đói, không được chăm sóc y tế và các nguyên nhân liên quan. Và thế giới sẽ phải gánh vác một chiến dịch cứu trợ nhân đạo lớn hơn, đắt đỏ hơn gấp nhiều lần kế hoạch cứu trợ Yemen trị giá 4,2 tỷ USD của LHQ năm 2019. 

Cuộc chiến Yemen đã bước sang năm thứ sáu, đất nước này tiếp tục chứng kiến ​​những cuộc giao tranh ác liệt giữa các bên. Mặc dù Thỏa thuận Riyadh đã được kích hoạt, song nếu các bên liên quan tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết xung đột, thì cuộc chiến sẽ càng dai dẳng. Bất ổn ở Yemen có thể châm ngòi cho một cuộc chiến sắc tộc toàn khu vực. Với lợi ích, mâu thuẫn chồng chéo, các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen vẫn chưa có hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này vẫn còn xa vời.