Cuộc khủng hoảng nước sạch tại Ấn Độ

Với khoảng 600 triệu người thiếu nước sinh hoạt, Ấn Độ tiếp tục phải đối mặt cuộc khủng hoảng nước được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử. Và Chính phủ Ấn Độ đứng trước bài toán đầy cam go về cung cấp nước cho người dân bởi nguồn nước ngầm dần cạn kiệt, trong khi nhiều địa phương vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước thay thế.

Các nguồn nước ngầm ở Ấn Độ đang trở nên cạn kiệt. Ảnh: WN
Các nguồn nước ngầm ở Ấn Độ đang trở nên cạn kiệt. Ảnh: WN

Nguồn nước ngầm cạn kiệt

Tại Vasant Kunj, một trong những khu ổ chuột lớn nhất và nghèo nhất ở thành phố South Delhi (Ấn Độ), những ngày qua diễn ra một cảnh tượng không mấy dễ chịu. Mỗi khi xe chở nước tiến vào khu vực, nhiều người vội vã lao tới với những tiếng la hét tranh chỗ lấy nước. Hàng trăm thùng nhựa rỗng nằm thành hàng trên mặt đất nứt nẻ, khô cằn chờ được chứa nước. Đã 10 ngày trôi qua kể từ lần cuối họ được nhận lượng nước ít ỏi. Khoảng 600 lít nước để nấu nướng, tắm giặt cho một hộ dân ở khu ổ chuột này trong 10 ngày thật sự là “cơn ác mộng”.

Ở khu ổ chuột Vasant Kunj, người dân sống trong các túp lều lợp mái tôn. Dưới cái nóng 40 độ C, mỗi túp lều không khác gì một chiếc lò nướng. Chị Fatima Bibi (30 tuổi) cho hay, cả nhà chị đều trông chờ vào lượng nước nhỏ giọt mỗi ngày. Người dân cần nước để nấu nướng, dọn dẹp, tắm giặt,… nên nhiều người sẵn sàng bỏ việc để ở nhà chờ xe chở nước. Việc các xe nước đến mà không có khung giờ cụ thể khiến tình trạng chờ đợi kéo dài cả ngày. Nhiều hộ dân tại Vasant Kunj mỗi ngày chỉ dám dùng nửa thùng để tắm, có ngày còn không dám tắm rửa để tiết kiệm nước. Nhiều gia đình phải dùng nước rửa rau để giặt quần áo, thậm chí nước được “tái sử dụng” đến ba hoặc bốn lần.

Theo báo cáo gần đây của Niti Aayog, một tổ chức nghiên cứu chính sách thuộc Chính phủ Ấn Độ, quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử. CNN dẫn báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Down to Earth có trụ sở tại Mumbai cho biết, dự kiến tại 21 thành phố lớn của Ấn Độ, các nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt vào năm 2020. Báo cáo của Niti Aayog cũng ước tính, khoảng 100 triệu người, bao gồm người dân tại các thành phố lớn như New Delhi, Bangalore hay Hyderabad sẽ sớm đối mặt tình trạng thiếu nước do không có nước ngầm. Thách thức cũng đặt ra với chính quyền New Delhi, khi Ấn Độ là quốc gia nông nghiệp và 80% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu cho mùa màng.

Nguyên nhân khiến người dân tại nhiều nơi ở Ấn Độ rơi vào thảm cảnh thiếu nước chủ yếu do quốc gia Nam Á phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm. Đại diện quản lý nước đô thị thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường phân tích, một số bang thực thi chính sách miễn phí điện, hay hỗ trợ tài chính cho nông dân trong việc khai thác nước ngầm bằng cách đào giếng, lắp đặt đường ống,... dẫn đến lãng phí nước, khiến các nguồn nước ngầm cạn kiệt. Và biến đổi khí hậu khiến tình trạng thiếu nước càng thêm trầm trọng. Mùa đông ngắn hơn, mùa hè dài hơn, mưa gió thất thường gây hạn hán và khủng hoảng nông nghiệp.

Thực tế, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt không phải gần đây mới trở thành vấn đề nhức nhối của Ấn Độ. Năm 2018, tại thành phố Shimla thuộc bang Himachal Pradesh, người dân rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt nước sử dụng, gây ra cảnh tượng tranh giành nước và “mafia nước sạch” lộng hành. Dân làng phải đi bộ cả chục km để tìm nước hoặc trả cái giá “cắt cổ” để mua nước. Giao thông đường thủy tại Ấn Độ cũng phải chịu thảm họa ô nhiễm, khi hàng tỷ lít nước thải, bao gồm hóa chất và nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường mỗi ngày.

Cuộc khủng hoảng nước sạch tại Ấn Độ ảnh 1

Người dân Ấn Độ nhận nước từ các xe cấp nước khẩn cấp. Ảnh: CNN

Thách thức không nhỏ

Trong bối cảnh Ấn Độ đang phát triển và hàng triệu người thi nhau đổ về các thành phố, tình trạng thiếu nước được dự đoán ngày càng tồi tệ. Để khắc phục thiếu hụt nguồn nước, nhiều người đã tự nghĩ cách. Thay vì ngồi đợi các chuyến xe tiếp tế, Fatima Bibi - người “có tiếng nói” trong khu ổ chuột Vasant Kunj, đã tự xây bể ngầm để chứa nước mưa. Cô cũng gom tiền vay mượn từ hàng xóm để lắp đặt máy bơm nước phục vụ sinh hoạt. Fatima Bibi cho rằng, dù đây là giải pháp thô sơ song rất cần thiết ở thời điểm vô cùng khó khăn hiện tại.

Nhiều nông dân Ấn Độ tìm cách thay thế các biện pháp tưới tiêu cũ bằng các kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước hơn, dù khá tốn kém. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp này còn chậm và chưa được áp dụng trên toàn quốc. Chính quyền Thủ đô New Delhi có kế hoạch triển khai công tác dự trữ nước tại từng hộ dân, cùng với đó là áp dụng các hình thức thưởng dành cho những người tiết kiệm nước, phạt các hộ dân làm lãng phí nước.

Chính quyền New Delhi hiện đang xem xét mua các vùng chứa nước trong nỗ lực xây dựng các hệ thống cung cấp nước hiệu quả hơn. Cùng các nỗ lực của chính phủ, nhiều công ty khởi nghiệp cũng tích cực nghiên cứu, triển khai phương thức cải thiện hiệu quả việc sử dụng nước và quản lý nước thải. Dù mới chỉ được áp dụng với quy mô nhỏ và chưa tập trung, song giới chuyên gia lạc quan rằng, những giải pháp của các công ty khởi nghiệp hoàn toàn “có ích”, nếu được áp dụng trên quy mô lớn. Điển hình là cái tên Retas, một trong các công ty sáng tạo, do ba sinh viên tốt nghiệp năm 2016 thành lập, tập trung thu gom và quản lý nước mưa. Ankit Magan, Giám đốc Công ty Retas cho biết, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến con người mất tập trung vào dự trữ nước, những kỹ thuật hiện đại là rất cần thiết nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt lâu dài cho người dân.

Theo Jyoti Sharma, người sáng lập kiêm Chủ tịch của FORCE, một tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ về vệ sinh và bảo tồn nguồn nước, Ấn Độ có dân số đông thứ hai thế giới nhưng lại quá ít nước. Trong số 1,3 tỷ người, nhiều người chưa lường được hậu quả của vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Sharma cảnh báo, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng, thiếu nước có thể trở thành vấn đề toàn cầu, thậm chí ảnh hưởng cục diện thế giới. Sharma cũng vẽ ra một tương lai, trong đó các quốc gia đủ nước và tài nguyên, chủ yếu là các nước phát triển ở bắc bán cầu, có thể tiếp cận các nguồn nước trước các quốc gia nghèo hơn ở châu Á, châu Phi. Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế Water Aid, Pakistan, Ethiopia và bang California của Mỹ là các quốc gia và khu vực đang chịu chung cảnh khan hiếm nước sạch.

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, trong khi ngành công nghiệp sản xuất hiện đại tiêu thụ một khối lượng nước khổng lồ, khiến nhiều khu vực đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Theo Telegraph, trong các khu vực có xung đột, nước bẩn khiến nhiều trẻ em thiệt mạng hơn là bom đạn. Nguy cơ tử vong do tiêu chảy gây ra đối với trẻ em dưới 15 tuổi cao gấp ba lần so với bạo lực.

LHQ ước tính, dân số thế giới tăng lên chín tỷ người vào năm 2040 và trữ lượng nước ngọt trên Trái đất chỉ đáp ứng 70% nhu cầu. Các báo cáo gần đây cho biết, khoảng một phần tám dân số thế giới, tương đương gần một tỷ người, hiện không có nước sạch để uống, trong khi khoảng một phần năm dân số thế giới không đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt. Trong bối cảnh đó, bảo vệ nguồn nước không chỉ là trách nhiệm của Ấn Độ, mà còn của tất cả các quốc gia trên toàn cầu.