Cuộc đua điều chế vaccine

Trung Quốc, Nga, Mỹ, Australia và các quốc gia châu Âu đang đạt nhiều bước tiến quan trọng trong cuộc đua điều chế vaccine chống virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Dù vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng nguy hiểm thì thời điểm ra mắt loại vaccine đạt hiệu quả thật sự vẫn còn chưa rõ ràng, nên các nhà khoa học kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và bào chế vaccine.

Nhân viên y tế tại Trung Quốc kiểm tra mẫu vaccine tiềm năng. Ảnh: XINHUA
Nhân viên y tế tại Trung Quốc kiểm tra mẫu vaccine tiềm năng. Ảnh: XINHUA

Cuộc chạy đua lịch sử

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), cộng đồng khoa học thế giới đã lập tức khởi động tiến trình nghiên cứu, phát triển loại vaccine phòng bệnh. Với mục tiêu cấp bách là đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng và có nguy cơ tàn phá toàn cầu, việc điều chế vaccine chống Covid-19 nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành cuộc chạy đua gay cấn trong lịch sử khoa học y tế của nhân loại.

Theo South China Morning Post (SCMP), trong cuộc đua này, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên tiến hành nghiên cứu và phát triển vaccine theo 5 lộ trình kỹ thuật. Đến nay, tại Trung Quốc, đã có một số loại vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đạt tiến độ nhanh nhất là vaccine của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, hợp tác với Công ty dược phẩm CanSino nghiên cứu phát triển. Loại vaccine này được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vào ngày 12-4 vừa qua, công bố kết quả vào tháng 5, đang triển khai giai đoạn ba. Cũng trong tháng 4, Trung Quốc đã thúc đẩy hai loại vaccine khác, do Viện Nghiên cứu chế tạo sản phẩm sinh học Vũ Hán phối hợp nghiên cứu phát triển cùng một công ty hoạt động trong ngành công nghệ sinh học, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai. Ngày 11-7 vừa qua, Trung Quốc cũng tiến hành khởi công xây dựng cơ sở sản xuất vaccine phòng Covid-19 đầu tiên tại TP Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang, với tổng số vốn đầu tư khoảng 360 triệu USD, hiệu suất khoảng 10 triệu liều/năm, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 3-2021.

Các nỗ lực điều chế vaccine phòng Covid-19 cũng đã được tăng tốc tại Mỹ, nơi đến nay vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. The Guardian cho biết, tháng 5-2020, Tổng thống Donald Trump khởi động chương trình Operation Warp Speed, kêu gọi các công ty chế tạo dược phẩm và cơ quan chính phủ nỗ lực rút ngắn thời gian điều chế thành công vaccine, với mục tiêu làm ra 100 triệu liều trước cuối năm 2020. Trong khi Công ty dược Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19, thì hãng thuốc khổng lồ Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioTech cũng đã thúc đẩy loại vaccine tiềm năng, sau khi ghi nhận tạo ra các phản ứng miễn dịch trên người. Pfizer và BioTech dự kiến triển khai thử nghiệm giai đoạn cuối vào cuối tháng 7 này, với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên.

Còn tại Nga, theo Cơ quan Giám sát quyền lợi người tiêu dùng (Rospotrebnadzor), các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu virus và Công nghệ sinh học Vector ở TP Novosibirsk đã phát triển thành công các nguyên mẫu vaccine ngừa Covid-19, dựa trên sáu nền tảng công nghệ khác nhau. Quá trình thử nghiệm đã được bắt đầu để phân tích liều lượng, cũng như mức độ hiệu quả của các nguyên mẫu, với hy vọng có thể điều chế thành công vaccine vào ba tháng cuối năm nay. Ngày 13-7 vừa qua, Đại học Y Sechenov ở Moscow tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 trên người, sau khi các thử nghiệm được Viện Dịch tễ và Vi trùng học tiến hành từ ngày 18-6. Giám đốc Viện Ký sinh trùng, Bệnh Truyền nhiễm nhiệt đới, thuộc Đại học Y Sechenov cho biết, quá trình kiểm tra mức độ an toàn của vaccine trên người đã thành công.

Trong khi đó, tại châu Âu, loại vaccine do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển được thử nghiệm lâm sàng từ hôm 23-4 đã bước sang giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca thành lập tại Anh đã ký hợp đồng với các chính phủ ở châu Âu, nhằm cung cấp một loại vaccine tiềm năng chống Covid-19. Theo thông tin từ đại diện của AstraZeneca, công ty này có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Nếu thuyết phục được nhà chức trách, việc giao hàng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2020, với số lượng lên đến 400 triệu liều. Đây là hợp đồng đầu tiên của Liên minh vaccine châu Âu (IVA), gồm Pháp, Đức, Italia và Hà Lan, với mục đích cung cấp nguồn vaccine ổn định cho các nước thành viên càng sớm càng tốt.

Tại Australia, ngày 13-7 vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 trên người. Các tình nguyện viên được tiêm hai liều trong bốn tuần và được theo dõi phản ứng trong vòng một năm. Dự kiến kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 9 năm nay. GS Paul Young, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, chưa thể khẳng định thời điểm có vaccine, song ông hy vọng trong vòng 12 tháng tới nhóm sẽ cho “ra lò” những liều đầu tiên.

Cần tăng cường hợp tác giữa các nước

Trong bối cảnh yêu cầu rút ngắn thời gian điều chế vaccine phòng Covid-19 trở nên vô cùng cấp bách, cuộc chạy đua nghiên cứu, chế tạo loại vaccine này đã được triển khai theo “con đường đặc biệt”. Để giảm thời gian sản xuất, một số công ty dược phẩm Trung Quốc đã “đi tắt đón đầu”, bố trí nhà máy trước khi vaccine nghiên cứu được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ sớm bắt đầu sản xuất loại vaccine cho Đại học Oxford, dù thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn thành.

Mục tiêu mà các công ty dược phẩm và tổ chức khoa học quốc tế đặt ra là điều chế vaccine phòng Covid-19 trong vòng từ 12 đến 18 tháng. Nếu thành công, đây sẽ là loại vaccine có tốc độ nghiên cứu phát triển nhanh nhất nhân loại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không mấy lạc quan về điều này. TS Vương Tú Hoa, nhà khoa học hàng đầu tại Phòng Nghiên cứu Acumen (Singapore) cho rằng, tỷ lệ thất bại trong nghiên cứu và phát triển vaccine có thể hơn 90%, mức độ khó khăn vượt xa so dự kiến. Theo TS Vương Tú Hoa, ngoài tính an toàn và hiệu quả, công hiệu của vaccine có thể duy trì trong bao lâu, bao nhiêu liều mới có hiệu quả và mất bao lâu hệ thống miễn dịch của cơ thể mới có phản ứng. Tất cả đều cần thời gian để đánh giá, đôi khi còn phải nhờ đến sự may mắn. Theo ông Paul Hudson, Giám đốc điều hành Hãng dược Sanofi của Pháp, thế giới cần ít nhất một năm nữa mới có thể tìm ra một loại vaccine phòng Covid-19 hiệu quả.

Reuters cho biết, trên thế giới hiện có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đây là đợt đầu tư vào nghiên cứu khoa học lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về thời điểm ra đời loại vaccine phòng Covid-19 hiệu quả. Bởi việc nghiên cứu, phát triển, phổ biến vaccine là một quá trình lâu dài, có thể mất khoảng vài năm, hoặc thậm chí cả chục năm. Thí dụ, vaccine ngừa bệnh quai bị, một trong các loại vaccine được điều chế thành công nhanh nhất trong lịch sử nhân loại, cũng phải mất đến bốn năm. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giới học giả đánh giá, vaccine phòng Covid-19 không chỉ là phương án hữu hiệu để chiến thắng dịch bệnh, mà còn có thể trở thành “tài sản chiến lược” trong cuộc đại khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. Ý nghĩa của cuộc đua điều chế vaccine này vượt ra khỏi khuôn khổ về các giá trị y học, có thể liên quan các vấn đề an ninh, chính trị và chiến lược quốc tế. Thậm chí, có nhà khoa học nhận định, nước nào có vaccine sẽ giống như đang sở hữu “vũ khí hạt nhân” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây. Điều quan trọng nhất lúc này là liệu có thể nhanh chóng điều chế thành công vaccine phòng Covid-19 hay không. Vì một khi đã có vaccine, sẽ có phương án cho mối lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, đồng thời giúp triển khai mạnh mẽ các kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo giới phân tích, đối với nhiều quốc gia, việc đưa ra thị trường loại vaccine phòng Covid-19 hiệu quả đầu tiên sẽ là cơ hội để chứng tỏ về năng lực nghiên cứu khoa học đạt đến trình độ cao. Dù khó có thể tránh được sự cạnh tranh, song các nhà khoa học kêu gọi các nước cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và điều chế vaccine. Điều này không chỉ là minh chứng cho sự hợp tác để cùng thắng lợi, mà còn vì nền y học và sức khỏe toàn cầu.