“Cuộc chiến” với mạng xã hội

Ngày 18-2 vừa qua, mạng xã hội nhiều người sử dụng nhất thế giới là Facebook đã quyết định hạn chế mọi người dùng ở Australia truy cập hoặc đăng tải tin tức trên mạng xã hội này. Đây được xem là động thái đáp trả việc Chính phủ Australia đề xuất điều luật yêu cầu Facebook, Google và các mạng xã hội khác trả phí cho các thông tin được đăng tải. Sự kiện này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội và vai trò quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, hạn chế các tác động tiêu cực, nhất là trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ.

Biếm họa của NIELS BO BOJESEN
Biếm họa của NIELS BO BOJESEN

Nền tảng ảo, lợi ích thật

Chỉ trong vài năm, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã trở thành những nền tảng tương tác quan trọng cho người dùng internet toàn cầu, đồng thời cung cấp lượng thông tin khổng lồ. Tính đến quý IV - 2020, với khoảng 2,8 tỷ người dùng thường xuyên truy cập, Facebook là mạng xã hội lớn nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram… đang tác động tiêu cực tới xã hội. Trong cuộc khảo sát do Công ty thăm dò ý kiến cộng đồng Honest Data thực hiện, khoảng 24% - 33% người dân Australia, Canada, Anh, Mỹ và Pháp được hỏi cho rằng mạng xã hội có nhiều tác động tiêu cực.

Trên chính “quê nhà” Mỹ, có tới 54 triệu người (tương đương 32%) bày tỏ sự thất vọng về những “mặt trái” của Facebook. Ông McGinn, cựu chuyên gia cấp cao của  Facebook cho biết: “Người dùng chủ yếu lo ngại những vấn đề như Facebook ảnh hưởng đến trẻ em thế nào, mạng xã hội có khả năng gây nghiện ra sao, nền tảng này khuyến khích tư tưởng cực đoan như thế nào”… Cụ thể, Facebook đã từng vướng vào vấn đề pháp lý với chính quyền vì gây ảnh hưởng tiêu cực tới người sử dụng. Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Facebook, ông Mark Zuckerberg từng phải điều trần trước một Ủy ban của Hạ viện Mỹ về vấn đề thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu người dùng sau sự cố rò rỉ thông tin của 87 triệu tài khoản. 
 
Ngoài ra, không ít người lo ngại về sự “bành trướng” của các công ty công nghệ này trong cả lĩnh vực truyền thông. Năm 2013, Công ty truyền thông BuzzFeed (Mỹ) cho biết, lưu lượng truy cập từ các trang web tin tức của hãng như BuzzFeed, The New York Times, Thought Catalog… đã giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ truy cập trên mạng xã hội tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, lượng người dùng truy cập vào các đường link trên Facebook dẫn đến các trang web tin tức của BuzzFeed đã tăng từ 62 triệu lên 161 triệu lượt vào năm 2013. Tại Australia, theo báo cáo tin tức kỹ thuật số năm 2020 của Reuters, từ năm 2018 đến nay có tới 40% số người sử dụng Facebook để tìm kiếm tin tức.
 
Năm 2018, Ủy ban Cạnh tranh & Người tiêu dùng Australia (ACCC) tiến hành một cuộc điều tra về tác động của Google, Facebook đối với sự cạnh tranh trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo. Kết quả cho thấy, những “gã khổng lồ” công nghệ đã thu về phần lớn doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực truyền thông. Ước tính, cứ mỗi 78 USD chi cho quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Australia, có tới 63 USD trong đó dành cho Google và Facebook.

Không chỉ áp đảo về lợi nhuận quảng cáo, tầm ảnh hưởng của Facebook còn giống như “quyền lực vô hình” tại các hãng tin tức. Trả lời phỏng vấn của BBC, nhiều nhà báo Australia tiết lộ việc không ít tòa soạn, hãng tin nước này đề ra các mục tiêu ưu tiên thay đổi hằng năm hoặc hai năm cho phù hợp và hiệu quả nhất đối với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook. Thậm chí, các tổ chức truyền thông bắt đầu đo lường thành công của họ qua Facebook. Cụ thể, khi Facebook quyết định làm cho các video tin tức nổi bật hơn với người dùng, nhiều tòa soạn và hãng tin Australia đã phải gấp rút tuyển dụng chuyên gia sản xuất video hoặc đào tạo cấp tốc kỹ năng làm video cho phóng viên.

Mặt khác, Facebook liên tục thực hiện các cập nhật đối với mạng xã hội mà không có thông báo trước cho các hãng tin tức. Bà Isabelle Oderberg, cựu biên tập viên của Tập đoàn truyền thông News Corp (Australia) cho biết: “Facebook tự ý thực hiện các thay đổi về thuật toán đưa tin trên bảng tin News Feed của mình, thí dụ như làm cho một số bài đăng hiển thị ít hơn hoặc nhiều hơn đối với người đọc, hoặc điều chỉnh nguồn cung cấp tin tức. Các thay đổi được thực hiện mà không có thông báo trước, không có thông tin chi tiết và không có lý do… Chúng gây ra nhiều khó khăn và bất cập cho các hãng tin tức, gây ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng truy cập”. Theo bà Oderberg, Facebook chiếm quyền kiểm soát lớn đối với các hãng tin tức thông qua thuật toán, đồng thời hưởng lợi bằng việc hiển thị các tin tức mới cho người sử dụng mà không chi trả cho bên tạo ra các thông tin này.

Siết chặt kiểm soát mạng xã hội

Trước nguy cơ mất cân bằng giữa các mạng xã hội và truyền thông, ACCC đã đề xuất và thúc đẩy Quốc hội Australia thông qua Luật Đàm phán truyền thông tin tức trong suốt ba năm qua. Dự thảo luật kêu gọi các công ty công nghệ trả phí cho nội dung tin tức được đăng tải. Đồng thời, dự luật cũng cho phép các hãng tin tức đàm phán với các công ty công nghệ về nguồn cung cấp tin tức và kết quả tìm kiếm. Gần đây dự luật đã được Quốc hội Australia thông qua. “Luật mới sẽ giúp đem lại một sân chơi bình đẳng hơn khi các doanh nghiệp truyền thông của Australia được trả phí cho thông tin gốc”, ông Josh Frydenberg, Giám đốc Kho bạc và là nhân vật chủ chốt trong việc đàm phán với Mark Zuckerberg và Sundar Pichai, những người đứng đầu Facebook và Google, cho biết.

Cả hai “ông lớn” Facebook và Google đã có những động thái nhượng bộ trước và sau khi luật mới ra đời. Cụ thể, trước đó Google đã ký các thỏa thuận trị giá nhiều triệu USD với Nine Entertainment, công ty sở hữu mạng truyền hình, đài phát thanh và một số ấn phẩm in; Seven West, một hãng truyền thông lớn, và News Corp của “ông trùm” truyền thông Rupert Murdoch. Sau khi luật mới thông qua, Facebook cũng đã dỡ bỏ các hạn chế truy cập tin tức của người dùng nước này.

Luật mới của Australia nhiều khả năng sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền cho sự ra đời của các bộ luật tương tự trên khắp thế giới, khi các chính phủ tính đến việc ổn định môi trường truyền thông đang thay đổi nhanh chóng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, dự định “bảo đảm doanh thu của những hãng công nghệ khổng lồ được chia sẻ công bằng hơn với người sáng tạo và phương tiện truyền thông”. Các bộ trưởng tại Anh và nhiều nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) cũng lấy trường hợp của Australia là nguồn động lực cho các quy định pháp lý mới dành cho mạng xã hội trong tương lai.

Riêng tại Pháp, chính phủ nước này không chỉ thực hiện luật bản quyền của EU với các điều khoản tương tự như bộ luật mới của Australia, mà còn thông qua luật kiểm soát chặt nội dung thông tin của các mạng xã hội. Quy định yêu cầu các công ty như Facebook và Twitter xóa bỏ những nội dung phản cảm, kích động cực đoan và nội dung bất hợp pháp trong thời gian quy định, nếu không sẽ phải chịu mức phạt lớn. Trong đó, các nội dung như phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử giới tính và quấy rối tình dục, nội dung bất hợp pháp liên quan khiêu dâm trẻ em và khủng bố bị cấm hoàn toàn.

Nhiều quốc gia có lượng người sử dụng mạng xã hội lớn ở châu Á, trong đó có Ấn Độ, cũng ban hành các quy định mới nghiêm ngặt đối với Facebook, Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác. Trong đó, quy định yêu cầu bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào đều phải có ba vị trí bắt buộc: Một người đại diện bảo đảm các công ty này sẽ tuân thủ luật pháp địa phương, một người giải quyết các khiếu nại từ người dùng Ấn Độ về nền tảng xã hội đó và một người để cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ có thể liên lạc 24/7. Các công ty cũng sẽ phải nộp báo cáo hằng tháng, nêu chi tiết số lượng khiếu nại mà họ đã nhận được và kết quả xử lý. Ngoài ra, một số nội dung, bao gồm các bài đăng phản cảm, kích động bạo lực, quấy rối tình dục… cũng bị cấm.

Có thể nói, các bộ luật, quy định mới ra đời đồng loạt dành cho các mạng xã hội báo hiệu động thái mạnh tay hơn của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Twitter… ngày càng tạo ra nhiều sức ảnh hưởng song lại có quá ít trách nhiệm với cộng đồng, thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết.