Cuộc chiến chống tin giả ở Đông - Nam Á

Kể từ ngày 2-10 vừa qua, tại Singapore, Luật Chống thông tin giả mạo, thao túng trực tuyến đã chính thức có hiệu lực. Đây được cho là bước tiến mới nhất của Singapore nói riêng và các nước Đông - Nam Á nói chung trong cuộc chiến chống thông tin giả mạo, một vấn đề đang gây đau đầu cho giới chức khu vực này thời gian qua.

Tin giả liên quan trận động đất trên đảo Sulawesi của Indonesia khiến người dân hoang mang. Ảnh: CTVNEWS
Tin giả liên quan trận động đất trên đảo Sulawesi của Indonesia khiến người dân hoang mang. Ảnh: CTVNEWS

Tin giả tràn lan

Bắt đầu phổ biến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tin giả đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Với dụng ý bóp méo sự thật, tin giả gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều nước trên thế giới, thậm chí có thể hủy hoại an ninh quốc gia. Một trong những khu vực hiện bị tác động nhiều nhất của nạn tin giả là Đông - Nam Á. Bởi, người dân tại các quốc gia trong khu vực vốn rất chuộng các loại mạng xã hội - công cụ khiến tin giả, “tin vịt” có thể lan truyền với tốc độ nhanh chóng, tác động mạnh đến tâm lý người dân, làm bùng nổ những vấn đề xã hội.

Theo Reuters, Indonesia là quốc gia có 255 triệu dân, trong đó có tới 130 triệu người sử dụng internet. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, cảnh sát nước này đã phát hiện và bắt giữ những kẻ lập ra nhóm mang tên Gia đình mạng quân đội Hồi giáo (MCA), chuyên sản xuất tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí làm nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

Trước đó, cách đây một năm, tin giả đã khiến người dân đảo Sulawesi hỗn loạn và hoang mang, vì ngay trong thời điểm Indonesia đang phải khắc phục hậu quả của thảm họa kép động đất, sóng thần tại Sulawesi khiến hơn 4.000 người thiệt mạng vào tháng 9-2018, thì trên internet bắt đầu lan truyền những tin giả cảnh báo sắp có trận động đất với cường độ mạnh hơn. Mục đích của tin giả này là khiến người dân lo sợ, bỏ đi sơ tán để kẻ xấu có cơ hội trộm đồ. Một số đối tượng còn đăng hình ảnh và video giả mạo làm tăng độ nghiêm trọng của sự việc. Tin giả đã đánh vào tâm lý người dân khi vừa phải gồng mình tái thiết cuộc sống, vừa hoang mang trước nguy cơ thảm họa tương tự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Sau đó chính quyền Indonesia đã phải lên tiếng bác bỏ những thông tin trên để trấn an người dân.

Tại Thái-lan, trong thời gian tổng tuyển cử tháng 3 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ chín người vì chia sẻ tin tức giả trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, những kẻ này tung tin rằng hai ủy viên bầu cử đã bị cách chức, 600.000 phiếu bầu bất hợp pháp đã được trộn vào số phiếu bầu cử. Những kẻ này sau đó bị buộc tội theo Luật Tội phạm máy tính vì “chia sẻ hoặc đưa thông tin sai lệch”. Các bị cáo phải đối mặt án tù 5 năm và phạt tiền tới 3.100 USD.

Theo The Straits Times, những năm qua, Chính phủ Singapore cũng đã phải đối mặt thách thức lớn khi hàng loạt tổ chức và cá nhân tung tin giả để trục lợi, bôi nhọ chính phủ một cách hết sức tinh vi. Cơ quan an ninh của Singapore cảnh báo, tin giả trên internet đã trở thành một nguy cơ thật sự nghiêm trọng cần phải được xem xét.

Ngay tại Việt Nam, thời gian qua, mạng xã hội trở nên nhiễu loạn với hàng loạt các tin giả khó kiểm soát liên quan hình thức sinh nở thuận tự nhiên, sinh con tại nhà... Sau khi bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”, hầu hết các tài khoản chia sẻ các thông tin này cho biết họ đều chỉ mong tăng lượng tương tác để bán hàng trực tuyến hoặc gây sự chú ý chứ bản thân họ không có bất kỳ kiến thức y tế nào, cũng như không ý thức được hậu quả nghiêm trọng sau đó.

Cuộc chiến chống tin giả ở Đông - Nam Á ảnh 1

Biếm họa của STEPHAN PERAY

Mạnh tay chống tin giả

Trước tình trạng tin giả đang ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia Đông - Nam Á đã phải đề ra hàng loạt chính sách mạnh tay. Ngày 3-1 vừa qua, Indonesia chính thức thành lập cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo trên internet. Ông Johan Budi - người phát ngôn của Chính phủ Indonesia cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm Thiếu tướng Djoko Setiadi, nguyên Giám đốc Cơ quan mật mã của Indonesia, là người đứng đầu cơ quan an ninh mạng mới. Nhiệm vụ của cơ quan này là kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo, triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý những nội dung thù địch trên mạng.

Không chỉ vậy, giới chức Indonesia cho biết, sẽ truy tố liên đới tới các cá nhân lan truyền tin giả, phong tỏa những trang mạng đưa tin, tuyên truyền giúp người dân biết để sử dụng internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web “đáng tin cậy” do nhà nước kiểm duyệt.

Trong khi đó, ngày 19-8 vừa qua, giới chức Thái-lan cho biết, đã đề xuất các công ty công nghệ thành lập những trung tâm tại mỗi nước thành viên ASEAN nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo. Sáng kiến trên được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Takorn Tantasith - Tổng Thư ký Ủy ban Viễn thông, Phát thanh & Truyền hình quốc gia Thái-lan, với đại diện một số công ty công nghệ, trong đó có các tập đoàn công nghệ như Facebook, Line, Amazon, Netflix.

Ông Takorn Tantasith cho biết, những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng internet. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo yêu cầu của nhà chức trách.

Với mục tiêu trở thành quốc gia thông minh, chính phủ điện tử, Singapore đã có những hành động mạnh tay trong cuộc chiến chống tin thất thiệt trên mạng. Theo đó, Luật Chống giả mạo và thao túng trực tuyến của Singapore đã chính thức có hiệu lực từ ngày 2-10 vừa qua. Luật này trao cho các bộ trưởng trong Chính phủ Singapore quyền yêu cầu các trang mạng xã hội đặt cảnh báo cạnh những bài viết mà họ cho là sai sự thật và có thể gỡ bài viết có nội dung sai nghiêm trọng.

Theo đạo luật trên, nếu một hành động lan truyền tin giả trên mạng bị đánh giá là ác ý và gây tổn hại tới lợi ích của Singapore, bên vi phạm có thể bị phạt tới 720.000 USD đối với công ty, trong khi cá nhân có thể phải đối mặt án tù tới 10 năm. Giới chức Singapore khẳng định, biện pháp này là cần thiết nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch gây chia rẽ xã hội và làm xói mòn niềm tin.

Với những biện pháp mạnh tay kể trên, các nhà chức trách và người dân Đông - Nam Á đều hy vọng có thể đem lại hiệu quả tích cực, giúp đẩy lùi nạn tin giả vốn đang khiến cả thế giới vô cùng nhức nhối. Dù vậy, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo, chính phủ các nước cũng cần phải kiên trì bởi đây là cuộc chiến vô cùng cam go, cần nhiều thời gian; đồng thời chủ động sẵn sàng ứng phó với những thay đổi linh hoạt và tinh vi của các hình thức tạo dựng và tuyên truyền thông tin giả mạo trên mạng.