Cố vấn quân sự ban đầu của lực lượng Việt Minh

Cách đây 20 năm, tôi nhận được một phong bì gửi từ Seattle (Mỹ) và người gửi là cụ Mac Shin, một trong hai nhân viên tình báo đầu tiên của lực lượng Đồng minh đã đi cùng Bác Hồ về An toàn khu ở Tân Trào để phối hợp hoạt động chống phát-xít Nhật giữa Việt Minh và Đồng minh trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Ông Mac Shin tại lán điện đài, Kim Lung, Tân Trào khi ông thăm lại An toàn khu năm 1995. Ảnh: ĐÀO NGỌC NINH
Ông Mac Shin tại lán điện đài, Kim Lung, Tân Trào khi ông thăm lại An toàn khu năm 1995. Ảnh: ĐÀO NGỌC NINH

Kỳ 1: Mac Shin và 128 ngày với Bác Hồ

Trong giai đoạn 1992-2002, tôi là Thư ký Hội Việt - Mỹ, một tổ chức quần chúng hoạt động thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Năm 1995, trong bối cảnh hai nước vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức mời được những người Mỹ thuộc lực lượng Đồng minh đã hoạt động tại chiến khu Tân Trào, cùng lực lượng kháng chiến cách mạng của Việt Nam chống phát-xít Nhật. Vì thế tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc thiếu tá Thomas, trung sĩ Henry Prunier,… là thành viên của toán “Con nai” (The Deer Team) - tên gọi toán đặc nhiệm thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS, tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sau này; Frankie Tan, Mac Shin - hai nhân viên tình báo đầu tiên đi cùng Bác Hồ từ Côn Minh (Trung Quốc) về Việt Bắc. Năm 1995, khi thăm lại Việt Nam, họ đều là những người cao tuổi và tất nhiên, họ vô cùng cảm động khi có dịp tới thăm những nơi đã lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mình.

Tôi để ý đến ông Mac Shin, có phần tò mò vì ông là người Hoa, lại là một trong hai nhân viên tình báo đến chiến khu Tân Trào trước cả toán “Con nai”. Trong mọi câu chuyện, mọi lúc tiếp xúc, ông Mac Shin luôn luôn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai tiếng Bác Hồ rất tôn kính. Ngày 10-5-2008, tại Seattle, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tiến Minh đã đến và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho ông. Nhưng Mac Shin là ai? Không nhiều người ở Việt Nam hay Mỹ biết tên ông và ông có mối liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát-xít Nhật xâm lược và chiếm quyền của Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, mùa hè năm 1944, sau khi Pháp được quân Đồng minh giải phóng, một số người Pháp theo phe De Gaulle tại các vùng của Việt Nam ở Đông Dương bắt đầu tìm cách cung cấp tin tức tình báo cho tổng hành dinh lực lượng Đồng minh ở Côn Minh.

Côn Minh, một thành phố ở phía tây nam Trung Quốc, là căn cứ của Phi đoàn 14 Không quân Mỹ (còn gọi là phi đoàn Cọp Bay), do tướng Claire Chennault chỉ huy, đã bắt đầu quấy rối các tuyến vận chuyển và tiếp tế của phát-xít Nhật ở Đông Dương. Thành công của các cuộc tiến công ném bom này phụ thuộc vào các báo cáo thời tiết chính xác từ bên trong Đông Dương, cũng như thông tin tình báo về các hoạt động chuyển quân, căn cứ và kho tàng của phát-xít Nhật. Ngoài ra, một mạng lưới tình báo ở Đông Dương cũng rất cần thiết để giải cứu các phi công Mỹ khi máy bay bị bắn hạ hoặc rơi, che giấu họ khỏi quân Nhật, và nếu có thể, đưa họ ra khỏi Đông Dương trở về Côn Minh.

OSS đã tham gia các hoạt động thu thập thông tin này từ Côn Minh. Một mạng lưới tình báo được thành lập gọi là nhóm GBT (ghép từ chữ cái đầu của tên các thành viên trong nhóm), làm việc ở miền nam Trung Quốc gần khu vực biên giới Trung - Việt, và sử dụng mạng lưới trong các cơ sở kinh doanh Pháp của họ ở Đông Dương. Mac Shin, sinh ngày 29-10-1923 tại Hồng Công (Trung Quốc), đã trốn đến Côn Minh khi phát-xít Nhật chiếm đóng Hồng Công, là nhân viên điện đài cho nhóm GBT.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Do hầu hết người Pháp bị cầm tù nên nguồn thông tin tình báo quý giá từ bên trong Đông Dương đến quân Đồng minh ở Côn Minh đã cạn kiệt. OSS nhận thấy cần tìm cách tổ chức thu thập các thông tin tình báo đáng tin cậy từ những người Việt Nam chống phát-xít Nhật.

Tháng 11-1944, trung úy Shaw, phi công thuộc Phi đội 51 Không quân Mỹ phải hạ cánh xuống Cao Bằng do máy bay trục trặc động cơ. Shaw được Việt Minh che chở. Bác Hồ đã trực tiếp đưa Shaw về Trung Quốc cho lực lượng Đồng minh. Từ đó quan hệ giữa lực lượng kháng chiến Việt Minh và lực lượng Đồng minh được bắt đầu. Quân đội Mỹ ở Côn Minh đã quyết định gửi hai nhân viên tình báo thuộc nhóm GBT vào miền bắc Việt Nam để đào tạo và làm việc với lực lượng Việt Minh nhằm tái lập hoạt động tình báo chống Nhật ở Đông Dương, từ đó hỗ trợ Phi đoàn Không quân 14. Hai đặc vụ là doanh nhân người Mỹ gốc Hoa Frankie Tan (người mang chữ T trong nhóm GBT), và Mac Shin phụ trách điện đài.

Tháng 4-1945, Bác Hồ, Mac Shin và Frankie Tan được máy bay quân sự Mỹ đưa từ Côn Minh đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam phía bắc Cao Bằng. Từ đó, cùng với các thành viên Việt Minh được chọn để huấn luyện tình báo và một nhóm nhân viên bảo vệ, họ bí mật vượt qua biên giới về Pắc Bó, căn cứ địa cách mạng. Để giữ bí mật, Frankie Tan mang bí danh là Tam Xinh Shan và Mac Shin mang bí danh là Nguyễn Tư Tác. Sau đó, cả nhóm tiếp tục xuyên qua núi rừng Việt Bắc, tránh các đội tuần tra của quân Nhật, bám theo các cơ sở cách mạng, và tháng 5-1945 tới căn cứ địa Tân Trào.

Ông Mac Shin mô tả chuyến đi đầy nguy hiểm này chủ yếu đi bộ, đôi khi đi ngựa. Cả ông và Frankie Tan được trang bị vũ khí nhẹ, mặc quần áo dân tộc thiểu số trong khu vực để cải trang, giữ im lặng khi tiếp xúc với dân địa phương để tránh bị phát hiện. Cả nhóm di chuyển chậm và thường vào ban đêm, tránh các con đường lớn và những địa hình thoáng đãng dễ bị phát hiện. Đôi khi, những cơn mưa biến mặt đất thành bùn trơn trượt, nhưng Bác Hồ, lúc đó đã hơn 50 tuổi vẫn nhất định không chịu cưỡi ngựa (theo lời ông Mac Shin).

Lúc này ở khu vực phía bắc, Việt Nam đang phải chịu nạn đói khủng khiếp. Ông Mac Shin nhớ nguồn cung cấp thực phẩm luôn ở mức thấp. Tuy nhiên, người dân ở các cơ sở của Việt Minh vẫn vui vẻ chào đón và cung cấp, thậm chí là một con gà. Đôi khi nhóm phải uống nước từ thân cây tre.

Mac Shin bị thu hút bởi sự ấm áp, chu đáo của Bác Hồ, người mà ông lúc đó chỉ biết đến với tên là Ah Kung (tiếng Trung nghĩa là “ông”). Bác Hồ và Mac Shin giao tiếp dễ dàng bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Ông Mac Shin cũng cho biết, Bác Hồ rất độ lượng, bao dung với phong cách “trẻ trung” của ông, nhưng cũng tỏ ra nghiêm khắc thực hiện các nguyên tắc hoạt động bí mật. Một lần, khi băng qua một con sông, Mac Shin bắt gặp một con vật lạ bơi về phía mình. Ông rút khẩu súng lục ra và nã cả băng đạn vào con thú. Sau đó, khi biết chuyện, Bác Hồ đã phê bình ông vì lãng phí đạn dược quý giá và tạo ra tiếng động lớn có thể làm lộ bí mật.

Tới Tân Trào, Mac Shin đã thiết lập và hằng ngày thực hiện một đến hai phiên liên lạc điện đài với Côn Minh. Ông đã báo cáo các thông tin về thời tiết, các cuộc chuyển quân của Nhật do mạng lưới trinh sát của Việt Minh thu thập được. Ngoài ra, ông cũng hướng dẫn một số cán bộ Việt Minh sử dụng điện đài. Mac Shin ở trong một ngôi lán đơn sơ lợp tranh không xa lán của Bác Hồ. Điều đó là khá đặc biệt, vì khu vực này trong An toàn khu, ngoài Mac Shin, không một nhân viên nào của Đồng minh được phép tự do tiếp cận. Đối với Mac Shin, 128 ngày với Bác Hồ, với “Ah Kung” là những ngày không thể nào quên.

Hai bức ảnh Mac Shin gửi cho tôi, một bức chụp ông cùng các chiến sĩ du kích Việt Minh tập sử dụng các loại vũ khí do Mỹ gửi đến. Mặt sau bức ảnh, Mac Shin chú thích “45 tiểu liên Thomson, 30 súng carbin, 45 súng lục tự động”. Bức ảnh thứ hai chụp ông tắm suối cùng một đội viên đơn vị bảo vệ an toàn khu, với chú thích đề “Người anh em Nông Quốc Tuấn, thành viên trẻ nhất của đơn vị bảo vệ Bác Hồ tại An toàn khu Trung ương ở Tân Trào, thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai 1945”.

Trong vài tuần, chỉ có Frankie Tan và Mac Shin là hai điệp viên Đồng minh có mặt tại căn cứ của Việt Minh. Bên cạnh công việc đào tạo và truyền tin, họ còn hỗ trợ việc xây dựng một đường băng dã chiến trong thung lũng Tân Trào, chuẩn bị cho chuyến nhảy dù của toán “Con nai” sau đó một thời gian ngắn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, các điệp viên Frankie Tan, Mac Shin, và thành viên của toán “Con nai” được lệnh về nước. Thời gian sống tại chiến khu Việt Minh với Bác Hồ, tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những ký ức tốt đẹp không phai mờ trong tâm trí Mac Shin. Đối với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn được gọi một cách vừa kính cẩn, vừa thân thiết: “Ah Kung - Bác Hồ”.

(Còn nữa)