Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua internet

Lực lượng an ninh Mỹ vừa triệt phá đường dây lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của phụ nữ trên khắp thế giới qua internet. Số tiền mà chúng thu được lên tới hàng chục triệu USD, qua đó cho thấy người sử dụng internet toàn cầu cần hết sức cảnh giác với những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi qua mạng.

Lực lượng an ninh Mỹ bắt giữ một đối tượng trong đường dây lừa đảo qua internet. Ảnh: FOXLA
Lực lượng an ninh Mỹ bắt giữ một đối tượng trong đường dây lừa đảo qua internet. Ảnh: FOXLA

Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

Theo Reuters, mới đây Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ tại bang California đã thông báo truy tố 80 nghi phạm thuộc một đường dây lừa đảo trực tuyến quốc tế. CNN cho biết, đường dây này có “chân rết” ở nhiều quốc gia châu Phi và các nước khác. Trong ngày 23-8, 14 đối tượng bị bắt trên khắp nước Mỹ, trong đó có 11 người ở thành phố Los Angeles. Trước đó, ba kẻ khác cũng đã bị bắt. Hầu hết các nghi phạm còn lại trong đường dây này đều đang ở Nigeria và một số quốc gia. Các đối tượng bị buộc tội âm mưu lừa đảo, rửa tiền, ăn cắp danh tính gây hậu quả nghiêm trọng. Công tố viên Nicholas Hanna thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ hy vọng ông có thể làm việc với chính phủ các nước liên quan để dẫn độ các nghi phạm còn lại về Mỹ.

Theo cáo trạng dài 252 trang của bồi thẩm đoàn Liên bang, các nạn nhân của nhóm lừa đảo này hầu hết là phụ nữ lớn tuổi và các doanh nghiệp trên khắp thế giới, trong đó một số nạn nhân bị lừa tới hàng trăm nghìn USD. Công tố viên Nicholas Hanna cho biết, đây là một trong những vụ lừa đảo phụ nữ để lấy tiền thông qua internet lớn nhất trong lịch sử Mỹ, với số tiền lừa đảo lên tới 46 triệu USD.

Theo ABC News, cầm đầu đường dây lừa đảo này là Valentine Iro (31 tuổi), Chukwudi Christogunus Igbokwe (38 tuổi), đều là người gốc Nigeria. Hai kẻ này đã lập hàng loạt tài khoản ngân hàng giả danh các doanh nghiệp hợp pháp để nhận tiền lừa đảo từ đồng phạm tại nhiều nước. Nhiệm vụ chính của hai kẻ này là tìm kiếm “con mồi”, điều hành đường dây và tìm cách rửa tiền.

Một trong những nạn nhân của đường dây này là cô FK (Nhật Bản). Tháng 3-2016, qua một trang web kết bạn, FK quen một người đàn ông tự xưng là Terry Garcia, đại úy quân đội Mỹ ở Syria, và nảy sinh tình cảm chỉ trong vòng vài tuần. Người này cho biết không được dùng điện thoại, hằng ngày gửi email cho FK bằng tiếng Anh để cô dịch thư thông qua Google.

Sau một thời gian “làm thân”, Garcia đề nghị FK gửi tiền để giúp anh ta “chuyển lậu một lượng kim cương ra khỏi Syria”. Và chỉ trong 10 tháng, bằng những lời hứa hẹn ngon ngọt, kẻ tự xưng là Garcia đã lừa FK chuyển cho y tổng cộng 200.000 USD mà cô vay mượn từ bạn bè, chồng cũ, người thân. Trong bản cáo trạng có đoạn: “FK ước tính đã chuyển tiền 35-40 lần trong vòng 10 tháng mà cô làm bạn gái “ảo” của Garcia. Trong khoảng thời gian này, những kẻ lừa đảo đã gửi email cho cô từ 10 đến 15 lần mỗi ngày và Garcia liên tục yêu cầu cô chuyển tiền đến các tài khoản ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ”. Ngay khi nhận đủ số tiền 200.000 USD, Garcia đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời của FK. Lúc này, FK mới biết mình bị lừa.

Cảnh giác không thừa

Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia qua internet vừa bị triệt phá tại Mỹ chỉ là vụ việc mới nhất. Trên thực tế, các vụ tiếp cận, lấy lòng tin, lừa tiền qua không gian mạng bằng nhiều cách thức tinh vi, đặc biệt nhắm đến các đối tượng là phụ nữ đang ngày càng tăng trên khắp thế giới trong vài năm trở lại đây.

Theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2017, nước này đã ghi nhận tổng số vụ lừa đảo qua mạng ở con số kỷ lục. Cụ thể, cảnh sát đã nhận được báo cáo về 69.977 vụ lừa đảo qua mạng bằng nhiều cách thức khác nhau và hầu hết nạn nhân là nữ giới.

Trong khi đó, theo Cục Phòng, chống gian lận quốc gia Anh (NCA), việc lợi dụng tình cảm để lừa đảo đang trở nên ngày càng nghiêm trọng và phức tạp tại quốc gia này. IBTimes cho biết, tháng 3-2017, một người giúp việc tên là Pam Wareing (54 tuổi) bị đưa ra tòa với cáo buộc ăn cắp hơn 600.000 USD từ chủ nhà để gửi cho một người mà bà quen biết qua internet. Ngay một giáo sư đại học, bà Judith Lathlean (68 tuổi) cũng từng mất hơn 170.000 USD sau khi bị một người đàn ông quen qua mạng có tên John Porter thuyết phục gửi tiền với lý do là “có việc quan trọng cần gấp” và hứa sẽ trả lại ngay.

Đó chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp lừa đảo trực tuyến bằng cách lợi dụng tình cảm. Trước đó, báo cáo năm 2016 của NCA cũng ghi nhận tới gần 3.390 người là nạn nhân của những vụ lừa đảo kiểu này, gây tổn thất trung bình cho mỗi người gần 15.000 USD.

Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu cũng đang phải đối phó tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, đặc biệt là phương thức lợi dụng sự cả tin của nạn nhân. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng lợi dụng tình cảm yêu đương phục vụ mưu đồ xấu trên internet đang diễn ra ngày càng phức tạp bằng nhiều cách thức tinh vi, với số tiền ngày một lớn hơn.

Trong thời gian qua tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng ghi nhận hàng trăm trường hợp khiếu nại bị đàn ông nước ngoài lừa tiền qua mạng. Đây chỉ là số trường hợp trình báo với cơ quan chức năng, trong khi trên thực tế, phần lớn các nạn nhân khác do biết bản thân nhẹ dạ, cả tin nên chấp nhận bị mất tiền mà không dám thông báo rộng rãi. Theo các cơ quan chức năng, bằng chiêu trò liên hệ qua mạng xã hội, làm quen, tán tỉnh, đưa ra các lời hứa hẹn và sẵn sàng qua Việt Nam để làm đám cưới, nhiều phụ nữ Việt đã bị “bạn trai ảo” chiếm đoạt tài sản...

Các đối tượng lừa đảo chủ yếu áp dụng chiêu thức lợi dụng tình cảm để vay tiền sau đó biến mất. Một số kẻ sử dụng những thủ đoạn khác như nói dối nạn nhân rằng đã gửi quà về Việt Nam là những vật dụng giá trị như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, cùng tiền mặt lên tới hàng nghìn USD để bày tỏ sự chân thành. Vài ngày sau đó, nạn nhân sẽ nhận được điện thoại từ những người tự xưng là nhân viên hải quan, cho biết số hàng gửi cho mình đã về tới sân bay, nhưng bị giữ tại hải quan do không có hóa đơn chứng từ. Vì sợ đây là hàng cấm, hoặc liên quan các băng nhóm tội phạm, nên hải quan phải làm thủ tục xác minh. “Nhân viên” này cũng sẽ gợi ý rằng có thể “giải quyết nhanh” nếu nạn nhân chịu nộp số tiền khoảng vài chục triệu đồng. Vì sợ hàng bị giữ lâu, các nạn nhân này đã chấp nhận nộp phạt. Khi tiền vừa rời khỏi tài khoản, cũng là lúc “bạn trai ảo” biến mất không để lại dấu vết nào.

Theo cảnh báo của Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), những kẻ tội phạm thường nhắm tới phụ nữ, người già vì đây là nhóm đối tượng dễ lấy lòng tin nhất, từ đó tạo thuận lợi cho việc lừa đảo về sau. Việc bắt giữ và truy tố các đối tượng lừa đảo chỉ có thể khiến chúng chịu những hình phạt thích đáng, song khó có thể lấy lại được số tiền mà các nạn nhân đã mất cho chúng. Do đó, giới chức trên thế giới cho rằng, điều quan trọng là người sử dụng internet toàn cầu cần đề cao cảnh giác, tránh nhẹ dạ, cả tin sập bẫy “lừa tình, lừa tiền” của loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng kể trên.