Báo động tình trạng tội phạm rửa tiền

Năm 2016, một nghiên cứu do Bộ Tài chính CHLB Đức tiến hành ước tính rằng, hơn 108 tỷ USD tiền có nguồn gốc tội phạm được “rửa” mỗi năm ở nước này. Chính vì thế, vừa qua Quốc hội Đức đã thông qua luật mới chống rửa tiền, phù hợp với luật lệ chung của toàn bộ các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Trong vai trò “đầu tàu” kinh tế của EU, việc Đức áp dụng luật mới chống rửa tiền sẽ bảo đảm môi trường kinh tế minh bạch qua việc tăng cường các cơ quan giám sát, nâng các khung hình phạt và siết chặt quản lý tài chính.

Cảnh sát Đức tịch thu tang chứng trong một vụ án rửa tiền. Ảnh: NUOVA EUROPA
Cảnh sát Đức tịch thu tang chứng trong một vụ án rửa tiền. Ảnh: NUOVA EUROPA

Hậu quả của thói quen tiêu tiền mặt

Hoạt động rửa tiền đã xuất hiện ở quy mô “công nghiệp”, đa quốc gia, giúp chuyển hóa các nguồn tiền khổng lồ sinh ra từ buôn bán ma túy, buôn người, tham nhũng, lừa đảo, tống tiền,… nhằm tiếp cận, thâm nhập nền kinh tế hợp pháp bằng nhiều cách gián tiếp. Theo ước tính của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC), quy mô hoạt động rửa tiền mỗi năm vào khoảng 1,6 - 4 nghìn tỷ USD, tương đương 2% - 5% GDP của tất cả các nước trên thế giới.

Quá trình rửa tiền thường được chia làm ba giai đoạn chính là: sắp xếp, phân tán, quy tụ. Trước tiên, tổ chức tội phạm tìm cách đưa các khoản tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính để chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo. Giai đoạn này dễ bị phát hiện nhất trong quy trình rửa tiền. Sau khi được đưa vào hệ thống tài chính, các khoản tiền sẽ được chuyển đổi qua lại giữa nhiều tài khoản ngân hàng ở các quốc gia, với hình thức đầu tư dự án, mua bán bất động sản, hàng hóa xa xỉ, cổ phiếu,... nhằm che giấu nguồn gốc tài sản. Cuối cùng, các khoản tiền này chính thức thâm nhập vào nền kinh tế hợp pháp và có thể sử dụng cho các mục đích khác.

Hoạt động rửa tiền khiến cho nền kinh tế sụp đổ một cách có hệ thống vì sự thiếu minh bạch trong môi trường cạnh tranh quốc gia và quốc tế, gây ra biến động giá cả khó lường, gia tăng hành vi trốn thuế... Đồng thời, việc rửa tiền cho phép tổ chức tội phạm tích lũy nguồn lực để sau đó mở rộng quy mô phạm tội, thậm chí trở thành nguồn tài trợ cho hoạt động khủng bố, hoặc giúp trốn tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế. Vì vậy, hoạt động rửa tiền là tình trạng nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển, tạo ra nhiều mối đe dọa tới kinh tế - xã hội và an ninh toàn cầu.

Là một trong các trung tâm kinh tế quan trọng của thế giới, EU cũng đã tiến hành đánh giá thiệt hại, xác định giải pháp và ứng phó với các rủi ro từ hoạt động rửa tiền đến thị trường nội khối. Nhiều quốc gia thành viên đã có biện pháp nghiêm ngặt chống lại tội phạm rửa tiền. Tại Pháp, bất kỳ hoạt động mua bán nào bằng tiền mặt có giá trị nhiều hơn 1.000 USD đều bị coi là phạm pháp. Còn theo tờ Courrier international, ở Italia chỉ có thể thanh toán tiền mặt khi giá trị hàng hóa, dịch vụ dưới 3.252 USD. Tuy nhiên, theo ông Oliver Huth, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Hình sự Đức (BDK) thì Đức đang là một “thiên đường” của hoạt động rửa tiền do luật pháp còn lỏng lẻo với sử dụng tiền mặt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu do hoạt động của các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, quy mô của thị trường bất động sản, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Đức. Trước hết, hoạt động của các tổ chức tội phạm nước ngoài tại Đức vẫn ở mức “nghiêm trọng”. Đức là quốc gia EU duy nhất mà các tổ chức tội phạm lớn ở Italia, Nga và châu Á như N’Drangheta, Cosa Nostra, hay Solnzevskaja, Ismailovskaja,… vẫn hoạt động mạnh, đặc biệt là buôn bán cocaine, cần sa... Theo UNODC, ước tính lợi nhuận từ việc buôn bán cocaine tại Đức đạt khoảng 2,7 tỷ USD trong năm 2009. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi có tới 37,2% các vụ án liên quan rửa tiền từ các nguồn thu phi pháp này.

Một nguyên nhân khác là do quy mô lớn của thị trường bất động sản ở Đức, ước tính giá trị vào khoảng 257 tỷ USD. Trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động rửa tiền diễn ra theo nhiều cách, từ xây dựng, cải tạo cho tới hoạt động mua, bán và cho thuê bất động sản. Tờ Neues Deutschland (Đức) trích ước tính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết, khoảng 30% tổng lợi nhuận thu được từ buôn bán ma túy, khai thác mại dâm và tội phạm tài chính được đổ vào bất động sản để hợp pháp hóa. Ngoài ra, theo Hiệp hội Ngân hàng Pfandbrief (VDP) của Đức, có khoảng 32,5 tỷ USD tiền đầu tư bất động sản từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017. Bởi vậy, chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc theo dấu hoạt động rửa tiền đằng sau lượng đầu tư khổng lồ thuộc sở hữu của các công ty trong và ngoài nước đổ vào bất động sản hằng năm.

Các nhóm tội phạm chọn nước Đức để đem tiền bất minh tới “biến hóa” thành tiền hợp pháp một phần còn do thói quen tiêu tiền mặt của người dân. Tiêu tiền mặt làm cho việc truy xuất nguồn gốc tiền khó hơn nhiều so với chi tiêu bằng thẻ hay chuyển khoản. Theo tờ Les Echos của Pháp, ở Đức, “hoàn toàn là hợp pháp khi ai đó kéo một va-li tiền mặt đi mua nhà”. Các nhóm tội phạm dùng tiền mặt bất minh mua bán lòng vòng những đồ đắt tiền khác như vàng, cổ phiếu, tác phẩm nghệ thuật,… nhằm xóa nhòa nguồn gốc số tiền mặt đó. Thậm chí, tổ chức tội phạm còn lôi kéo người dân rửa tiền thay cho chúng. Các khoản hoa hồng 5% - 10% tổng số tiền bất minh thường được sử dụng như “mồi nhử” người dân trở thành đồng phạm rửa tiền.

Siết chặt an ninh tài chính

Trong Báo cáo thường niên năm 2018, Cục Tình báo tài chính của Chính phủ Đức (FIU) cho biết, trong số 77.252 vụ rửa tiền ở Đức, có khoảng 3.800 vụ liên quan lĩnh vực bất động sản. Trước tình hình đó, ngày 15-11-2019, Quốc hội Đức đã thông qua một loạt điều luật mới chống rửa tiền và áp dụng từ đầu tháng 3-2020.

Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bắt buộc phải báo cáo các trường hợp mua, bán bị nghi ngờ rửa tiền, kể cả hợp đồng thuê nhà nào có giá trị hơn 11.024 USD mỗi tháng. Các quy tắc mới cũng sẽ yêu cầu các đại lý kim loại quý báo cáo hoạt động giao dịch từ 2.168 USD, thay vì hạn mức truy xét trước đó là 10.840 USD. Quy định cho các đại lý nghệ thuật cũng sẽ được mở rộng quy trình kiểm soát từ lúc nhập kho cho tới khi đến tay các nhà đấu giá. Các nhà đấu giá phải khai báo khi môi giới tác phẩm nghệ thuật giá trị từ 10.840 USD trở lên.

Ngoài ra, các điều luật mới cũng quy định thủ tục đăng ký minh bạch tại ngân hàng, khiến các đối tượng trục lợi từ rửa tiền sẽ gặp khó nếu muốn “ngụy trang” quyền sở hữu các khoản tiền bất minh; yêu cầu các nhà cung cấp, lưu trữ tiền điện tử như Bitcoin phải báo cáo các trường hợp đáng ngờ cho cơ quan chức năng…

Với luật này, các lực lượng chống rửa tiền như FIU sẽ có thêm quyền hạn để xác định, ngăn chặn tiền bất hợp pháp thâm nhập khu vực kinh tế hợp pháp. Ông Thorsten - Pötzsch Giám đốc Cơ quan Điều tra tài chính Đức (BaFin), cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ kiểm tra số lượng lớn ngân hàng, đồng thời lập ra một số đơn vị chuyên trách đặc biệt chống hoạt động rửa tiền”. Tình báo tài chính của Đức sẽ mở rộng điều tra về rửa tiền, không chỉ trên thị trường bất động sản mà còn cả các nhà hàng hay cửa hiệu trá hình mở ra mà chẳng cần khách hàng nhưng hằng tháng vẫn báo lãi và nộp thuế đầy đủ.

Do tính chất quốc tế của nhiều vụ rửa tiền, hợp tác đa phương chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng là cần thiết, ông Michael Findisen, người đứng đầu Đơn vị chống rửa tiền của Bộ Tài chính Đức nói rằng: “Từ năm 2016, hợp tác giữa Đức với Italia trong giám sát hoạt động rửa tiền khá chặt chẽ, nhưng cần cải thiện hơn với một số quốc gia khác, đặc biệt là Nga”. Bên cạnh đó, theo ông Dito Oliver Malchow, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Đức (GdP), thì “Sự hợp tác quốc tế chắc chắn là cần thiết và cần được cải thiện. Tuy nhiên, các thủ tục và yêu cầu hỗ trợ pháp lý đôi khi mất nhiều thời gian. Đức và các nước thành viên EU đã có những cải cách đáng kể, nhưng cần có khung pháp lý chung nhất của cả khu vực. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền”.

Như vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả nghiêm trọng từ hoạt động rửa tiền và tội phạm có tổ chức cũng hết sức cần thiết để tránh bị các tổ chức tội phạm lôi kéo, dụ dỗ.